Trong 3 đợt mưa các sông suối chính trên địa bàn tỉnh đã xảy ra lũ vừa đến cấp báo động II; xảy ra lũ quét cục bộ các lưu vực, thung lũng hẹp.
Mưa lớn đã gây ra lũ quét, sạt lở, ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La; đặc biệt là địa bàn các huyện Mường La, Thuận Châu, Bắc Yên, Mộc Châu và Vân Hồ gây thiệt hại lớn về người, tài sản, công trình thủy lợi, giao thông và sản xuất.
Đặc biệt, mưa to kéo dài trong tháng 6/2017 đến nay đã tác động cộng hưởng gây hậu quả khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới những khu dân cư, công trình xung yếu, nguy cơ cao do sạt lở, lũ quét, lún sụt năm 2016 và những năm gần đây.
Từ tháng 6 đến ngày 17/7, thiên tai mưa, lũ đã làm 4 người chết do lũ cuốn trôi, 19 nhà bị sạt lở, 2 nhà phải di dời khấn cấp, 182 nhà bị đất đá tràn vào, 33 nhà bị ngập; gây thiệt hại 63,78ha lúa, 4,17ha ngô, 8 con gia súc, 405 con gia cầm, 1,437 ha ao nuôi cá.
Cùng với đó, thiên tai mưa, lũ ở Sơn La đã làm hư hỏng 8 phai đập, 17,6m kè bị sạt lở, 780m mương bị vùi lấp, cuốn trôi; sạt lở 3.614m đường giao thông, 320m bị ngập, 56.809m3 sạt lở, cầu, cống bị cuốn trôi 3 cái; 16 cột điện bị sạt lở, nghiêng, gãy đổ. Thiệt hại do mưa lũ gây ra trong tháng 6 đến 17/7 ước tính khoảng hơn 17 tỷ đồng.
Khi thiên tai xảy ra lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Ủy ban Nhân dân huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện bị thiệt hại đã kịp thời kiểm tra thực tế tại địa bàn xảy ra thiên tai tập trung chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả đồng thời, tỉnh đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại; chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân vùng thiên tai. Các sở, ngành giao thông vận tải, điện lực Sơn La đã tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị, khẩn trương khắc phục thiệt hại đảm bảo giao thông, ổn định cung cấp điện phục vụ nhân dân.
Để chủ động đối phó với các tình huống, sự cố thiên tai mưa, lũ trên địa bàn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã có Công điện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và người dân triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; đặc biệt những vùng xung yếu vừa trải qua đợt mưa liên tục nhiều ngày đã và đang bão hòa nước ngấm trong đất.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành thường xuyên cảnh báo cho dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó; chủ động phương án sơ tán dân đồng thời, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh và huyện cần chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra, ứng cứu khi có yêu cầu; chủ động các phương án, giải pháp, chuẩn bị các điều kiện ứng phó kịp thời và khẩn trương khắc phục hậu quả, nhằm giảm mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh và huyện cần tổ chức kiểm tra, tuần tra, ứng trực kiểm soát sự an toàn khu dân cư vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở, ngập lụt; các đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; các tuyến đường giao thông huyết mạch, công trình xây dựng trên sông, suối, lồng bè nuôi trồng thủy sản, các khu vực bị ngập lụt để hướng dẫn người, phương tiện phòng tránh an toàn.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh và huyện cần tuyên truyền vận động nhân dân cư trú ven sông suối, khe lạch, taluy, cảnh giác trong các hoạt động sinh hoạt và sản xuất trên sông suối phòng tránh lũ quét, sạt lở, ngập lụt, an toàn khi mưa, lũ...