Người hút thuốc lá còn cao và giảm chậm
Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2018 – 31/5, WHO lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”. Thông qua chủ đề này, WHO muốn thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch. WHO cũng kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng gây ra các bệnh ung thư như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...) và các bệnh về hô hấp.
Theo Ths.Bs Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K cho thấy những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Họ cũng tử vong sớm hơn người không hút đến 20 năm. Đặc biệt, những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc.
Mặc dù đã có những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều dễ nhận thấy là thuốc lá vẫn đang được bán tràn lan ở mọi nơi trong các quán trà đá ven đường, tới những tiệm tạp hóa, bất kỳ người lớn hay trẻ em đều có thể dễ dàng mua được. Đồng thời, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số những nước thấp, phổ biến dưới mức 20.000 đồng/bao, đây là một trong những nguyên nhân khiến người hút thuốc lá còn cao và giảm chậm.
Theo thống kê, tính riêng trong năm 2016, người Việt Nam đã bỏ ra tới 31 nghìn tỉ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23 nghìn tỉ đồng một năm. Các tổn thất Việt Nam chưa tính được do sử dụng thuốc lá bao gồm chi phí điều trị các bệnh khác do thuốc lá gây ra. Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Đối với những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế, giáo dục,...
Tăng nguy cơ phơi nhiễm từ hút thuốc lá thụ động
Theo WHO, khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà những người thường xuyên hít phải khói thuốc cũng sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc. Tại Việt Nam, hút thuốc là thói quen của nam giới và họ thường hút thuốc trong nhà, điều này làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động.
Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc thụ động khá nguy hiểm đối với trẻ em, vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Hút thuốc thụ động ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và thai nhi chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc hút thuốc lá thụ động. Trên thực tế, hầu hết ai cũng biết sự độc hại của thuốc lá đối với cơ thể, tuy nhiên để bỏ được thuốc lá là điều không hề dễ, nhất là đối với những người đã “nghiện” thuốc.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, tại Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.
Tỉ lệ hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà tại Việt Nam là 67% và tại nơi làm việc là 49%. Đặc biệt, tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ lên tới gần 70% và của trẻ em là gần 50%. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi hút thuốc lá thụ động gây tác hại cho sức khỏe không kém người đang hút thuốc.
Tuy nhiên chỉ bằng hành động tuyên truyền về những tác hại gây ra của việc sử dụng thuốc lá là chưa đủ. Cần phải có hành động thiết thực, biện pháp xử lý mạnh tay và quyết liệt hơn nữa bằng việc đưa ra các khung hình phạt thích đáng với người hút thuốc và dùng các công cụ pháp lý để hạn chế sản xuất và nhập khẩu mặt hàng độc hại này. Cùng với đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức của người sử dụng thuốc lá. Người nghiện thuốc lá cần phải thay đổi nhận thức, có ý thức trong việc cai nghiện thuốc lá, hạn chế gây ảnh hưởng của thuốc lá tới những người xung quanh mình. Chỉ khi mỗi người đều có những nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá, trách nhiệm của bản thân mới có thể hy vọng có được những con số tích cực hơn nữa trong thực thi phòng, chống tác hại của thuốc lá.