Số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân
Theo khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014, số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân. Số này được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Như vậy, mỗi công dân sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân riêng và duy nhất.
Theo Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP thì số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số. Mã số định danh có cấu trúc như sau: 3 số đầu là mã tỉnh, thành phố hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh; số thứ 4 là mã thế kỷ sinh, mã giới tính; 2 số tiếp theo là mã năm sinh của công dân; 6 số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.
Trong mã số định danh cá nhân sẽ tích hợp nhiều thông tin của công dân như họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, quê quán, dân tộc, tôn giáo, thông tin chủ hộ và các thành viên trong gia đình...
Biển số xe quản lý theo mã định danh
Từ 15/8/2023, biển số ôtô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh, theo Thông tư số 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an. Biển số định danh phải đảm bảo là biển số có ký hiệu số seri, kích thước biển số, màu biển số theo quy định của Thông tư 24/2023/TT-BCA về đăng ký xe.
Như vậy, khái niệm này được hiểu là Biển số định danh vẫn được cấp giống như cũ, nhưng khác về cách quản lý, trước đây là xe nào biển số đó, còn theo quy định mới thì người nào biển số đó, biển số xe sẽ đi theo người đăng ký chứ không đi theo xe.
Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định, đối với chủ xe là công dân Việt Nam, biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân (là dãy số 12 chữ số trên thẻ Căn cước công dân gắn chip). Cơ quan chức năng sẽ không giới hạn số lượng biển số định danh của mỗi người. Mỗi cá nhân có thể sở hữu cùng lúc nhiều biển ô tô, xe máy, mỗi biển sẽ gắn với một xe.
Nếu chủ xe là người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo số định danh của người nước ngoài, do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập, hoặc dựa trên số thẻ thường trú, tạm trú của người đó.
Trường hợp chủ xe là tổ chức, biển số định danh được cấp và quản lý theo mã định danh điện tử của tổ chức do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập; trường hợp chưa có mã định danh điện tử của tổ chức thì quản lý theo mã số thuế hoặc quyết định thành lập của tổ chức đó.
Đối với xe bị hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc làm tài sản mua bán thì biển số định danh của xe sẽ được cơ quan đăng ký xe thu hồi và tiến hành cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của họ.
Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày thu hồi, biển số định danh sẽ được giữ lại cho chủ xe. Quá thời hạn nêu trên, nếu chủ xe không đăng ký thì biển số định danh đó được chuyển vào kho biển số để đăng ký, cấp cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định. Nếu chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú thì được giữ lại biển số định danh, không cần đổi biển số xe.
Số định danh bảo hiểm
Căn cứ khoản 2.13 Điều 2 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH thì Mã số bảo hiểm xã hội là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp để ghi trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, tại Điều 3, Quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế ban hành kèm theo Quyết định 2153/QĐ-BYT năm 2020 cũng nêu rõ: Sử dụng mã số bảo hiểm xã hội làm mã định danh y tế. Mỗi người chỉ được cấp một mã định danh y tế duy nhất và mỗi mã định danh y tế chỉ được cấp cho một người và tồn tại suốt đời. Các cơ sở y tế sử dụng mã định danh y tế để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với Bệnh án điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm thông tin y tế khác.