Cụ thể, sau khi nghe Bệnh viện Phụ nữ báo cáo, nghiên cứu hồ sơ bệnh án, thu thập thông tin dữ liệu liên quan và ý kiến thảo luận của các thành viên, Hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân cụ thể: Đối với sản phụ Lê Huỳnh Phương Triều, tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê Bupivacaine. Đối với sản phụ Võ Thị Nhất Sinh, tử vong nghĩ nhiều đến ngộ độc thuốc Bupivacaine. Trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Huyền, chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc Bupivacaine.
Về xác định có hay không sai sót chuyên môn của Bệnh viện Phụ nữ, trong ca của sản phụ Lê Huỳnh Phương Triều, bệnh án không thể hiện rõ diễn biến lâm sàng cũng như y lệnh cụ thể trong quá trình cấp cứu người bệnh. Bệnh viện đã không báo cáo ngay phản ứng có hại của thuốc trên hệ thống khi xảy ra sự cố.
Đối với ca sản phụ Võ Thị Nhất Sinh, Bệnh viện Phụ nữ chưa tiên lượng tốt ca bệnh này sẽ diễn tiến theo chiều hướng nặng hơn nên việc cấp cứu và theo dõi ca mổ quá lâu trước khi chuyển bệnh nhân kịp thời đến tuyến trên. Còn với ca của bệnh nhân Nguyễn Thị Huyền, về xử trí điều trị các ca bệnh, ghi chép hồ sơ bệnh án, tiên lượng bệnh, Bệnh viện đã xử trí đúng và chuyển viện kịp thời. Tại đơn vị tiếp nhận tuyến trên là Bệnh viện Đà Nẵng đã cấp cứu ngay theo đúng hướng xử trí ngộ độc thuốc tê nên đã cứu sống bệnh nhân.
Theo nhận định của Sở Y tế, cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng, liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine. Tuy nhiên, Sở Y tế Đà Nẵng thông tin, tính đến thời điểm xảy ra sự cố tại Bệnh viện Phụ nữ, Sở Y tế chưa nhận được văn bản nào liên quan đến lô thuốc gây tê đã sử dụng cho các ca bệnh trên từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan và nhà cung ứng thuốc. Đồng thời, kết quả kiểm nghiệm ngày 9/12 của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về mẫu thuốc tê Bupivacaine vẫn cho rằng “đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở”.
Thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy được niêm phong sau khi xảy ra sự cố |
Qua vụ việc, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Phụ nữ cần rút kinh nghiệm sâu sắc về các ca bệnh đã xảy ra sự cố. Tập trung chú trọng ở khâu tiên lượng bệnh, triển khai báo cáo ngay các sự cố y khoa nghiêm trọng theo quy định. Cùng với nghiên cứu hồ sơ, thu thập thông tin dữ liệu liên quan và các ý kiến thảo luận của các thành viên, Hội đồng chuyên môn cũng đã kết luận, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng là bệnh viện ngoài công lập, được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động với hình thức bệnh viện chuyên khoa. Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng hoạt động và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo đúng chức năng, quy định. 10 năm qua nơi đây đã thực hiện hơn 11.126 ca mổ lấy thai mà chưa gặp tai biến về gây tê, gây mê.
Các kỹ thuật thực hiện trên ba bệnh nhân liên quan đến thuốc gây tê, trong đó hai người đã tử vong, đều được cơ quan chức năng phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật. Các thành viên tham gia điều trị ba ca bệnh đều có chứng chỉ hành nghề và chuyên môn phù hợp. Có một bác sĩ gây mê chính là cơ hữu, một bác sĩ không cơ hữu nhưng có hợp đồng với bệnh viện.
Trước đó, PLVN đã thông tin, trong tháng 10 và tháng 11/2019, có 2 sản phụ tử vong, 1 người nguy kịch khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng. Các sản phụ này đều có triệu chứng duỗi thẳng hai chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh sau khi được gây tê. Trong thời gian các sản phụ trên nhập viện, các bác sĩ có dùng thuốc Bupivacain WPW Spinal 5,5% Heavy để điều trị cho 3 bệnh nhân. Loại thuốc này do Ba Lan sản xuất, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI - Chi nhánh Đà Nẵng cung ứng.
Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng nhập lô thuốc này gồm 250 liều, đã sử dụng 130 liều, số còn lại bị niêm phong để chờ kết quả xét nghiệm. Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Đà Nẵng đã niêm phong, lấy mẫu thuốc gây tê gửi ra Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương để phân tích.
Trước đó, từ đầu năm 2019, Hội gây mê khu vực phía Nam và một số bệnh viện tại Cần Thơ, Long An, Bến Tre... đều đã báo cáo về việc thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (của Ba Lan) được thay thế cho thuốc Bupivacaine for spinal anaesthesia Aguettant 5mg/ml sản xuất tại Pháp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Các bệnh viện phía Nam ghi nhận thuốc này có hiệu quả giảm đau không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài và một số trường hợp gây ra sốc, co giật.