Ba nhà khoa học nữ trẻ của Việt Nam đã vinh dự nhận được học bổng của Chương trình học bổng nghiên cứu khoa học cấp quốc gia L’Oréal năm 2010 Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học.
Lễ vinh danh và trao giải vừa được tổ chức ngày 19.10 tại Hà Nội, vào đúng dịp kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20.10.
Mặc dù thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm ra các hoạt chất dẫn thuốc tới ngay tế bào ung thư, song với Việt Nam việc sử dụng hoạt chất này vẫn là mới mẻ. Với mong muốn nghiên cứu ra hoạt chất này trên cơ sở nguồn dược liệu Việt Nam, TS Nguyễn Thị Vân Anh, giảng viên, trưởng bộ môn nano sinh học, Khoa sinh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội đã tập trung nghiên cứu đề tài trên. Theo hội đồng khoa học, Việt Nam là nước nhiệt đới và đang phát triển, nơi bệnh truyền nhiễm trong thủy sản và bệnh ung thư ở người là các vấn đề nổi cộm và thách thức.
Ba người phụ nữ trong ảnh (từ trái qua phải):TS Nguyễn Thị Vân Anh, TS Đinh Thị Mai Thanh và TS Đoàn Thị Mai Hương (Ảnh: Như Ý) |
Ý tưởng bào chế hoạt chất vận chuyển hóa trị liệu tới tế bào ung thư, là khá độc đáo. Thông thường khi người bệnh uống thuốc, thuốc sẽ chạy khắp cơ thể. Với những khu vực bị bệnh, thuốc sẽ can thiệp và cải thiện, song với những vùng khác sẽ bị ảnh hưởng theo phản ứng ngược. Song nếu dùng chất dẫn, thuốc sẽ tập trung đúng đến vùng bệnh giúp chữa bệnh hiệu quả hơn.
TS Vân Anh cho biết, điều chị quan tâm nhất khi nghiên cứu đề tài này là kết quả có thể ứng dụng trong chẩn đoán, chữa bệnh ung thư. Đặc biệt, kết quả thành công có thể sản xuất được số lượng lớn nên giá thành cạnh tranh được với các sản phẩm của nước ngoài. “Nhiều người bệnh có có hội sử dụng để điều trị bệnh cho mình”, TS Vân Anh nói.
Với đề tài nghiên cứu: “Phát hiện các hợp chất có hoạt tính sinh học từ 2 loài thuộc chi Macaranga họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) của Việt Nam”, TS Đoàn Thị Mai Hương, Viện Hóa sinh biển (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát hiện ra hợp chất có hoạt tính chống ung thư, chống oxy hóa, kháng vi sinh vật. TS Hương cho biết, nhiều loại thuốc đã được phát hiện như taxol chữa bệnh ung thư từ cây thông đỏ, vinblastine chữa ung thư từ cây dừa cạn, artemisinin chữa bệnh sốt rét từ cây thanh hao hoa vàng, Ara - C (Cytarabin) được tách từ loài bọt biển… Các hợp chất này không những được dùng làm thuốc chữa bệnh hiệu quả mà còn là các chất dẫn đường để tổng hợp ra các dẫn xuất có hoạt tính cao hơn, ưu việt hơn.
Điều quan trọng, hiện Việt Nam có khoảng 13 loài cây thầu dầu. Một số loài được sử dụng trong y học cổ truyền để chữa bệnh nhưng có rất ít loài được nghiên cứu về hoá thực vật và hoạt tính sinh học. Chính vì thế, hướng nghiên cứu của TS Hương được đánh giá là đề tài nghiên cứu có triển vọng và có định hướng ứng dụng cao, góp phần vào việc tạo ra những sản phẩm có giá trị từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và sẵn có của Việt Nam.
Một đề tài nữa được được hội đồng đánh giá cao và trao học bổng năm nay là chế tạo vật liệu cấu trúc nano có độ bền ăn mòn cao và khả năng xúc tác điện hóa tốt trong lĩnh vực xử lý hợp chất hữu cơ ô nhiễm độc hại trong nước thải công nghiệp giấy. Đề tài do TS Đinh Thị Mai Thanh, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện.
Với những thành công bước đầu, ba nhà khoa học nữ đã nhận được học bổng, mỗi suất trị giá 150 triệu đồng để tiếp tục cho đề tài nghiên cứu của mình. TS Đoàn Thị Mai Hương kỳ vọng, các đề tài sẽ đi đến đích cuối cùng là các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho cuộc sống.
Trong suốt 12 năm qua, chương trình L’Oréal – UNESCO Vì Sự Phát triển Phụ nữ Trong Khoa học đã thực hiện tại năm châu lục. Mục đích của chương trình là phát hiện và vinh danh những nhà khoa học nữ xuất sắc. Sau 12 năm, đã có gần 1000 nhà khoa học nữ được công nhận bao gồm: 62 nhà khoa học đoạt giải thưởng L’Oréal – UNESCO từ 28 quốc gia; và 864 học bổng từ 93 quốc gia. |
Nguồn: Đất Việt