Luật Cư trú có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 đã giải quyết những bức xúc của nhiều người dân về vấn đề cư trú; góp phần tích cực, có hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn qua hơn 3 năm tổ chức thực hiện Luật Cư trú cho thấy, quy định trong một số điều của Luật đã bộc lộ, phát sinh tồn tại, bất cập.
Hộ khẩu địa phương, nhưng người ở… trong tù
Thực hiện Luật Cư trú, Bộ Công an cho biết: đã xuất hiện những trường hợp lợi dụng quy định về việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở để đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng thực tế những người này lại không cư trú tại đây, gây khó khăn cho công tác quản lý cư trú của địa phương. Cũng do quy định của Luật Cư trú quá dễ dàng dẫn đến một số DN lợi dụng để ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với những người không thuộc DN để đăng ký thường trú.
Bên cạnh đó, Luật Cư trú chưa quy định việc xóa đăng ký thường trú đối với một số trường hợp chấp hành hình phạt tù có thời hạn, xuất cảnh đi nước ngoài nên có nhiều trường hợp phải chấp hành hình phạt tù từ 15-20 năm, đi làm ăn ở nước ngoài nhưng vẫn có hộ khẩu thường trú tại địa phương.
Đặc biệt, quy định hiện hành về thời hạn 24 tháng mới phải làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú khi chuyển chỗ ở mới là quá dài; việc cấp giấy chuyển hộ khẩu nhưng không xóa tên dẫn đến tình trạng một người có 2 nơi đăng ký thường trú khác nhau; không quy định thời hạn của sổ tạm trú nên nhiều trường hợp có nhiều sổ tạm trú khác nhau; thiếu nội dung quy định về nơi cư trú của trẻ em…
Ngoài ra, do các quy định thông thoáng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng lạm dụng các quy định này để nhập hộ khẩu vào 2 thành phố nói trên, tốc độ tăng dân số cơ học vào 2 thành phố ngày càng tăng đã tạo nên sức ép về các vấn đề xã hội liên quan và vấn đề quản lý trật tự, an toàn xã hội.
3 năm tạm trú, có chỗ ở mới được nhập khẩu thành phố
Bộ Công an cho rằng việc Sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú là cần thiết, theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung theo hướng nghiêm cấm các trường hợp cho người khác đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của mình để trục lợi; cấm ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để nhập hộ khẩu.
Riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương: bổ sung quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 3 năm và quy định về diện tích chỗ ở tối thiểu 5m2/người đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc trung ương.
Khắc phục tình trạng người một nơi, khẩu một nẻo, Luật sửa đổi dự kiến bổ sung đối tượng xóa đăng ký thường trú là các trường hợp: chấp hành hình phạt tù; xuất cảnh từ 12 tháng trở lên; đã được cấp giấy chuyển hộ khẩu, trường hợp không cư trú tại nơi đăng ký thường trú từ 12 tháng trở lên.
Trong trường hợp thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp dự luật quy định: người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.
Duy Hưng