3 Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 là một trong 3 Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Chinhphu.vn).
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 là một trong 3 Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Chinhphu.vn).
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ ngày 1/1/2024, các Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023; Luật Đấu thầu 2023 và Luật Thi đua, khen thưởng 2022 chính thức có hiệu lực thi hành.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 được Quốc hội thông qua vào ngày 09/01/2023 tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 khóa XV.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có 12 chương, 121 Điều (tăng 03 chương và 30 điều so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009), Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh; tiếp tục chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế...

Cụ thể, đối với người bệnh, Luật mới sửa đổi, bổ sung đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh: Người từ đủ 75 tuổi (trước đây phải từ đử 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được ưu tiên khám, chữa bệnh.

Đồng thời bổ sung quy định ưu tiên Ngân sách Nhà nước khám, chữa bệnh cho: Người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật; Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; Người bị các bệnh: Tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B.

Đối với người hành nghề y, Luật đã mở rộng đối tượng hành nghề bằng việc thay đổi từ cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.

Nâng cao kỹ năng của người hành nghề, Luật thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Riêng đối với lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ. Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 05 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.

Về chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, quy định mới bắt buộc cơ sở phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành hàng năm.

Kết quả tự đánh giá phải cập nhật lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cùng đó, thay đổi từ 04 tuyến chuyên môn thành 03 cấp chuyên môn; Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024.

Luật Đấu thầu 2023

Luật Đấu thầu 2023 là một trong 08 Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 23/6/2023.

Luật Đấu thầu năm 2023 có 10 Chương, 96 Điều. Nhiều điểm mới đáng chú ý bao gồm: Sửa đổi tiêu chí xác định tư cách nhà thầu, nhà đầu tư; Bổ sung các tiêu chí về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư như sau: hông bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật quy định chi tiết tiêu chí bị cấm tham dự thầu: Nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ phải không trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền.

Quy định cụ thể tiêu chí xác định tư cách nhà thầu là hộ kinh doanh phải có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; không trong quá trình chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chủ hộ kinh doanh không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo Điều 6 Luật này; Không bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền; Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu. Đơn cử như: Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm hoặc hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và tài chính với quản lý dự án, giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và tài chính với các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; Chủ đầu tư phải cập nhật kết quả thực hiện hợp đồng trên e-GP.

Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Luật Thi đua, khen thưởng 2022

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có 8 chương với 96 Điều luật.

Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. Trong đó, đối tượng áp dụng là cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài.

Điểm thay đổi nổi bật của Luật Thi đua, khen thưởng 2022 so với trước đó là việc nguyên tắc thi đua, khen thưởng có một số thay đổi, cụ thể:

Về nguyên tắc trong thi đua: Tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch (Bổ sung “minh bạch” trong thi đua); đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

Về nguyên tắc trong khen thưởng: Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời (Bổ sung “minh bạch” trong khen thưởng); bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được (Yêu cầu có thêm tính thống nhất đối với công trạng, thành tích đạt được; không còn yêu cầu “tính chất” khen thưởng).

Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó (điểm mới).

Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (điểm mới).

Không còn quy định về nguyên tắc kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất). Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.

Luật số 06/2022/QH15 của Quốc hội: Luật Thi đua, khen thưởng được ban hành ngày 15/06/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.