Mỗi người dân Việt Nam hãy cùng thay đổi, có lối tiêu dùng văn minh và hành vi thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên cùng động vật hoang dã, bằng cách hành động 3 không, gồm: không ăn, không sử dụng, không tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Choáng với 2 “ổ” nuôi và cấp đông động vật quý hiếm
Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng vừa phát hiện tại nhà 2 người đàn ông ở huyện Đạ Huoai và huyện Cát Tiên có tới hơn 140kg thịt nhiều loại động vật hoang dã như: chồn, cheo cheo, mèo rừng, cầy hương… và các cá thể như: tê tê, kỳ đà vân, kỳ đà hoa… còn sống bị nuôi nhốt.
Theo đó, sau khi xác định một đối tượng tại huyện Đạ Huoai có dấu hiệu thu gom động vật hoang dã từ những người săn bắn về tàng trữ, cấp đông rồi bán lại cho các quán nhậu, đầu tháng 9/2020, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đã xác lập chuyên án để đấu tranh.
Kết quả, khoảng 10h ngày 10/9, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt quả tang Đinh Thanh Mạnh (30 tuổi, ngụ thôn 5, xã Đạ P’loa, huyện Đạ Huoai) đang tàng trữ một cá thể tê tê còn sống có trọng lượng 4,5kg được đựng trong bao lưới. Đây là loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Cá thể tê tê được lực lượng công an phát hiện tại nhà Mạnh. |
Qua đấu tranh, Mạnh khai nhận mua cá thể tê tê trên của một người đi săn với giá 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, Mạnh còn tự khai đang tàng trữ số lượng lớn thịt động vật hoang dã. Kiểm tra tủ đông trong nhà Mạnh, lực lượng công an xác định có 44kg thịt loại động vật hoang dã như: sóc, chồn, cheo cheo, heo rừng, khỉ và xương động vật rừng các loại.
Với hành vi tàng trữ động vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ, Đinh Thanh Mạnh đã bị Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng thực hiện lệnh bắt người phạm tội quả tang.
Tại Công an huyện Đạ Huoai, có sự chứng kiến của đại diện VKSND huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đã hoàn tất các thủ tục và bàn giao Mạnh cho Công an huyện Đạ Huoai tiếp tục xử lý.
Đây là vụ tàng trữ trái phép động vật hoang dã quý hiếm thứ 2 mà Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ chỉ trong vòng 10 ngày. Trước đó, khoảng 10h ngày 28/8, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra hành chính nhà Nguyễn Văn Thành (35 tuổi, ngụ tổ dân phố 6, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, giáp ranh với huyện Đạ Huoai) và phát hiện phía sau nhà Thành có nhiều bể xây đang nuôi nhốt một con rắn trâu trọng lượng 1,4 kg, 2 cá thể kỳ đà vân có trọng lượng 9kg và một cá thể kỳ đà hoa nặng 1kg.
Lực lượng chức năng kiểm đếm thịt thú hoang dã trong tủ đông tại nhà Mạnh. |
Kiểm tra tủ đông loại 650 lít trong nhà Thành, lực lượng công an phát hiện có gần 100kg động vật các loại như: cheo cheo, mèo rừng, cầy hương, cầy vòi hương, cầy tai trắng, chồn, nhím, dúi… Những động vật này đã được xẻ thịt cấp đông và đều là các loại động vật thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp quý hiếm thuộc các nhóm 1B và 2B.
Hiện Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đang lập hồ sơ xử lý đối với Nguyễn Văn Thành về các hành vi nuôi nhốt và tàng trữ trái phép động vật hoang dã. Được biết, Thành là người chuyên thu mua động vật rừng nuôi nhốt, cấp đông rồi bán lại cho các quán nhậu.
Hãy cùng hành động "3 không"
Luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn các loài động vật hoang dã mà nước ta là thành viên đã quy định rất rõ rằng không chỉ các loài quý hiếm, trong danh sách bảo vệ đặc biệt, mà ngay cả động vật rừng thông thường cũng cần được bảo vệ, mọi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm. Vậy nhưng, thói quen thích ăn thịt rừng và sử dụng sản phẩm từ các loài động vật hoang dã vẫn diễn ra hàng ngày.
Có thể thấy, tiêu thụ động vật hoang dã gây tuyệt chủng loài, mất cân bằng sinh thái, tác động xấu trực tiếp lên con người. Đây không phải là một lý thuyết khoa học xa xôi không thực tiễn nữa, mà tác động xấu từ mất cân bằng sinh thái đã xảy ra và thấy rất rõ ràng.
Minh chứng cho điều này, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife - SVW) lấy câu chuyện về loài rắn lục xuất hiện ồ ạt ở nhiều nơi và tấn công người vào cuối năm 2018, đầu 2019 là một trong những ví dụ rõ ràng nhất. Một nguyên nhân quan trọng là các loài thiên địch của rắn như: cầy, cáo, mèo rừng... đã dần biến mất do trở thành “mồi nhậu”, quần thể loài thú ăn rắn không còn nhiều tại khu vực đó, tạo sự sinh sôi quá mức, thức ăn trong môi trường tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu, rắn hướng đến khu vực dân cư để tìm thêm thức ăn nơi có nhiều gia cầm, chuột bọ là nguồn thức ăn chính của rắn.
Bên cạnh đó, tiêu thụ động vật hoang dã sẽ kích thích nguồn cầu và tăng nguồn cung. Những con người tù tội vì săn bắt, vận chuyển và mua bán trái phép vẫn liên tục xảy ra. Không khó để tìm được thông tin xử lý phạm pháp về buôn bán trái phép động vật hoang dã trên mạng xã hội.
Còn cầu thì còn cung. Giảm và xóa bỏ nhu cầu sử dụng động vật hoang dã tại Việt Nam, từ đó đẩy lùi nguy cơ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép là một trong những hành động góp phần bảo vệ và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của động vật hoang dã.
Trung tâm SVW đã triển khai chiến dịch giảm cầu sử dụng động vật hoang dã với nhiều chiến dịch truyền thông quốc gia trong năm 2020. Điểm nhấn trong chiến dịch này là bảo tồn thiên nhiêm lưu động hành động 3 không với thông điệp chính “ăn, sử dụng và tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã là tội ác”.
Chiến dịch này được kỳ vọng tạo nên một trào lưu và chuẩn mực xã hội tốt đẹp. Trong đó, mỗi người dân Việt Nam cùng thay đổi, có lối tiêu dùng văn minh và hành vi thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên cùng động vật hoang dã, bằng cách hành động 3 không, gồm: không ăn, không sử dụng, không tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã trái phép.
“Chính phủ cần sớm ra chỉ thị kiểm soát, bắt giữ và xử phạt nghiêm khắc hơn nữa với các vi phạm về động vật hoang dã và có cơ chế giám sát chặt chẽ điều này ở các địa phương. Đồng thời, người dân phải cùng hành động 3 không, gồm: không ăn, không sử dụng, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm về động vật hoang dã. Nên nhớ rõ, động vật hoang dã chỗ của chúng là ở ngoài tự nhiên, chứ không phải trong bữa ăn hay trở thành vị thuốc của con người”, Giám đốc Trung tâm SVW Nguyễn Văn Thái cho biết.
Có thể nói, kể từ ngày 1/1/2018, việc quy định người có hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 244 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực đã có tác động rất lớn tới công tác phòng, chống tội phạm. Nhiều đối tượng đã phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Tuy nhiên, đến nay nạn săn bắn, giết hại động vật hoang dã vẫn còn nhiều.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống nạn mua bán động vật hoang dã, thời gian tới, lực lượng công an cần tiếp tục phối hợp các lực lượng kiểm lâm, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, nuôi nhốt động vật để kiểm soát tình hình.
Ðặc biệt, cần có các tổ công tác thường xuyên kiểm tra các nhà hàng, quán ăn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng mua bán, giết hại động vật hoang dã. Bên cạnh đó, cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, giúp người dân nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen săn bắt, tiêu thụ, mua bán để chung tay bảo vệ động vật hoang dã.