Phòng chống ngập lụt trong mùa mưa là công việc thường trực, đầy vất vả, nhọc nhằn đối với cán bộ công nhân viên Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng trong điều hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa của thành phố. Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ mùa khô này, hàng loạt các biện pháp đã và đang được công ty triển khai với mục tiêu giảm thiểu các điểm ngập lụt khu vực đô thị trong mùa mưa tới.
Ưu tiên một số vị trí xung yếu
Hệ thống thoát nước nội thành Hải Phòng là mạng lưới cống chung được xây dựng và mở rộng từ những năm đầu thế kỷ 20 với các tuyến cống thoát nước chính và các tuyến cống nhánh thoát nước mưa, nước thải, mương hồ điều hòa, trạm bơm, cống ngăn triều. Do đặc điểm của đô thị Hải phòng thấp hơn mực nước sông khi thủy triều lên, việc tiêu thoát nước cho nội thành không thuận lợi so với các đô thị khác. Hơn thế nữa, hệ thống thoát nước khi xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu, cùng với tốc độ đô thị hóa không đồng bộ với quy hoạch thoát nước, nên việc tiêu thoát nước nói chung ngày càng bất cập.
Mương An Kim Hải đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp, góp phần bảo đảm tiêu thoát nước trong mùa mưa và cải thiện môi trường. Ảnh: Trường Giang |
Ngay trong năm 2010, 3 điểm được ưu tiên chọn cải tạo. Đó là, các điểm trên đường Lê Lợi, Tô Hiệu và khu vực ngã ba Bốt Tròn. Tại đường Lê Lợi, đấu nối cống D800 để thông tuyến thoát nước đường Lê Lợi với chiều dài khoảng 30 m; đồng thời cải tạo thoát nước ngõ 172 phố Lê Lợi. Đường Tô Hiệu (đoạn ngã ba Hàng Kênh đến nhà thờ Tin Lành): đấu nối đoạn cống từ nhà thờ Tin Lành vào cống D800 tại 201 phố Tô Hiệu với chiều dài khoảng 40 m. Khu vực ngã 3 Bốt Tròn và đường Đình Đông: nâng cấp tuyến cống đường Hàng Kênh thông ra đường Nguyễn Công Trứ chuyển hướng thoát nước khu vực đường Đình Đông và ngã 3 Bốt Tròn về phía cống hộp hồ Sen với đường kính cống D600 chiều dài gần 350 m. 3 điểm trên đều là các điểm trũng, việc lắp đặt, cải tạo đường ống sẽ tăng cường năng lực thoát nước tại đây.
Bên cạnh đó, điểm trũng khác là phường Đồng Quốc Bình được nạo vét bùn mở rộng lòng mương An Kim Hải đoạn từ cầu vượt Lạch Tray đến đường Văn Cao; nạo vét bùn lòng cống đường Văn Cao và đường Lạch Tray; nạo vét bùn cống hộp ngang đường Lê Hồng Phong và mở rộng tiết diện thoát nước tại điểm bệnh xá công an trên tuyến mương An Kim Hải. Công ty chủ động khơi thông dòng chảy thu dọn rác, vật cản hai bên kè và lòng mương tại các kênh, nhất là Đông Bắc và Tây Nam. Đồng thời, cải tạo nhiều cống xóm ngõ bảo đảm việc tiêu thoát nước các lưu vực ngập lụt cục bộ nhỏ như Thành Tô, Phạm Hữu Điều, Đông Khê…
Các giải pháp kỹ thuật đồng bộ
Mặc dù đã, đang và sẽ được đầu tư nhiều dự án thoát nước như Dự án thoát nước 1B, Dự án thoát nước mưa, nước thải (Dự án JICA), Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng khu dân cư thu nhập thấp, các dự án đầu tư về thoát nước của địa phương... nhưng hiện tại vẫn còn những điểm ngập lụt và ô nhiễm môi trường trong nội thành.
Từ thực tiễn nêu trên, Công ty Thoát nước nghiên cứu, xác định vấn đề tổng thể của hệ thống thoát nước thành phố và đưa ra những giải pháp ưu tiên cần giải quyết trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đồng thời đề xuất tầm nhìn chiến lược và các giải pháp khung trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước trong tương lai. Về giải pháp ngắn hạn, công ty có phương án tạm thời giải quyết các điểm ngập lụt cục bộ theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, ngoài những điểm nói trên, khu vực Đồng Tâm, công ty sẽ phối hợp với BQL Dự án nâng cấp đô thị dẫn dòng khơi thông miệng xả cống D1000 ra mương An Kim Hải (số nhà 27 đường Nguyễn Văn Linh); nạo vét tuyến ống D1000 ngang đường tại ngõ 2 Nguyễn Văn Linh và trung tu cống D600 từ ngõ 201 Lạch Tray đến ngã tư Quán Mau. Đối với đường Trần Nguyên Hãn, BQL nâng cấp đô thị nạo vét phá bỏ hoành triệt tại điểm cầu Đồng Bún đấu nối hệ thống thoát nước đường Trần Nguyên Hãn vào Cống hộp An Kim Hải. Khu vực quốc lộ 5 cũ, tiếp tục nạo vét bùn lòng cống… Mặt khác, triển khai tiếp Dự án cải tạo hệ thống thoát nước quận Hải An và khu vực giáp ranh quận Kiến An, Dương Kinh vay vốn ngân hàng ADB; đề xuất UBND thành phố đầu tư cải tạo thoát nước khu đường 5 cũ, các khu vực bên kia sông Thượng Lý của quận Hồng Bàng. Về dài hạn cần quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Hải Phòng đến năm 2025 và định hướng đến 2050 trên cơ sở các tiêu chí về xử lý nước thải tập trung xen kẽ với xử lý phân tán, ưu tiên xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các khu vực mới phát triển. Tăng cường xây mới hồ điều hòa để tạo cảnh quan cho đô thị trong đó có tính đến phương án sử dụng làm công viên cho mùa khô và làm hồ điều hòa khi mùa mưa. Xây dựng các trạm bơm thoát nước mưa để chống ngập khi triều cường. Tách nước thải ra khỏi hệ thống chung để ngăn chặn việc nước thải chảy vào mương hồ, sông ngòi làm ô nhiễm nguồn nước mặt. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống thoát nước. Đồng thời tăng cường thể chế, với sự hỗ trợ từ các chính sách, pháp luật của Nhà nước để các đơn vị thoát nước có công cụ pháp lý thực hiện việc quản lý hệ thống được giao. Chống sự phát triển tự phát không quản lý của các đô thị mới do nhân dân tự đầu tư. Tăng cao tính minh bạch và bảo đảm thu hồi chi phí.
Nguyễn Minh Tuấn
(Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng)