Lữ đoàn 649 Cục Vận tải là lữ đoàn vận tải thủy chiến lược của Tổng cục Hậu cần với những đoàn tàu trọng tải lớn, hiện đại. Những năm qua, Lữ đoàn làm nhiệm vụ vận chuyển vật chất hậu cần, vũ khí đạn dược, xăng dầu và các loại trang bị khí tài kỹ thuật... cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân và đặc biệt là cho Trường Sa, luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện, hàng hóa.
Xây dựng đơn vị chính quy, kỷ luật
Trong điều kiện tàu thuyền lênh đênh trên biển xa đất liền, xa hậu phương, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện và hàng hóa, công tác bảo đảm tuyệt nhiên không được sai sót. Trong đó, bảo đảm công tác kỹ thuật là một trong những khâu then chốt nhất. Tàu thuyền và các trang thiết bị phải có độ an toàn kỹ thuật cao, có đủ nhiên liệu và vật tư thiết yếu dự phòng. Người vận hành phương tiện phải thuần thục, nhịp nhàng.
Là đơn vị vận tải thủy chiến lược, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 649 luôn xác định: Đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật chính là một trong những biện pháp thiết thực để bảo đảm đơn vị tuyệt đối an toàn. Đại tá Văn Tiến Dũng-Chính ủy Lữ đoàn 649 chia sẻ: “Lữ đoàn có đặc thù là bộ đội sinh hoạt cả trên bờ lẫn dưới tàu; cán bộ, thuyền viên thường xuyên đi làm nhiệm vụ xa, dài ngày, do đó công tác quản lý tư tưởng bộ đội, bảo đảm an toàn đơn vị, an toàn giao thông gặp nhiều khó khăn. Đảng ủy, chỉ huy đơn vị luôn xác định đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật là một trong những biện pháp cốt lõi để xây dựng đơn vị an toàn, vững mạnh toàn diện. Năm 2016 và năm 2017, Cục Vận tải được Tổng cục Hậu cần chọn làm điểm về “Xây dựng đơn vị chính quy, đoàn kết, dân chủ, an toàn, kỷ luật”, Lữ đoàn 649 đã coi đây là cơ hội để tăng cường công tác quản lý bộ đội, tập trung xây dựng đơn vị chính quy”.
Không chỉ tập trung xây dựng chính quy trong doanh trại, việc thực hiện chính quy trong hoạt động vận chuyển luôn được Đảng ủy, chỉ huy hết sức quan tâm. Khi dừng đỗ, các tàu đều phải tổ chức đầy đủ các ca, kíp trực gồm: trực chỉ huy, ngành boong, máy, thông tin, quân y... Khi hành trình, các tàu vẫn phải duy trì nghiêm chế độ trực. Nếu thời tiết xấu, phải tăng cường thêm người trực trên đầu mũi để quan sát. Thông thường, khi neo tại bến, các tàu cắt cử một ngày/ca trực. Quá trình đi biển, thực hiện 4 tiếng/ca. Các tàu đi biển phải duy trì ăn đầy đủ 3 bữa, bảo đảm sức khỏe, sinh hoạt cho bộ đội. Hệ thống bảng biển trên tàu được bố trí đầy đủ như đối với các đơn vị trên bờ. Tùy thuộc vào thiết kế, diện tích của từng tàu, chỉ huy bố trí nơi treo cho phù hợp.
Đơn vị luôn thực hiện nghiêm quy trình vận chuyển, bảo đảm chính quy trong tất cả các khâu. Sau khi nhận mệnh lệnh vận chuyển của trên, chỉ huy Lữ đoàn quán triệt trực tiếp đến các cấp, giao cơ quan Tham mưu nắm bắt chân hàng, liên hệ chủ hàng. Các tàu xây dựng quyết tâm đi biển, xác định tổ chức biên chế, công tác bảo đảm và các cung tuyến chạy tàu, sau đó báo cáo chỉ huy các cấp phê duyệt.
Để bảo đảm an toàn, trước khi làm nhiệm vụ, Phòng Tham mưu phối hợp với Phòng Kỹ thuật kiểm tra, đánh giá cụ thể tình trạng kỹ thuật phương tiện, kiểm tra toàn bộ giấy tờ của tàu như: sổ lưu hành phương tiện, sổ đăng kiểm dung tích, các loại nhật ký hàng hải, chứng nhận bảo hiểm thân tàu, chứng nhận an toàn kỹ thuật trang bị, nhật ký canh đậu, bảng thủy triều, hải đồ đi biển... Đối với thuyền trưởng, máy trưởng phải có đầy đủ các bằng lái tàu theo hạng; cán bộ ngành máy, lái phải có bằng trung cấp hàng hải. Riêng tàu chở xăng dầu phải có kế hoạch bảo đảm chống hao hụt, các thuyền viên phải có chứng chỉ về phòng chống cháy nổ. Cơ quan bảo vệ an ninh của Lữ đoàn còn nắm bắt tư tưởng của mỗi cán bộ, thuyền viên trước khi làm nhiệm vụ, kịp thời phát hiện các trường hợp tư tưởng không ổn định, dao động để có biện pháp giải quyết kịp thời.
27 năm chuyển hàng ra Trường Sa, chưa từng xảy ra sự cố
Vận tải quân sự, nhất là công tác vận chuyển bảo đảm cho Trường Sa là điều kiện thử thách rất lớn đối với phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, sức khỏe, tinh thần đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của cán bộ, thuyền viên Lữ đoàn. Trước đây, vận chuyển xây dựng Trường Sa là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Lữ đoàn 649. Ròng rã nhiều năm, vì vậy, Lữ đoàn 649 được mệnh danh là “cầu nối” đất liền với Trường Sa.
Nếu ai đã từng một lần “đồng hành” cùng các anh mới thấy hết sự vất vả, hiểm nguy, nhất là những lúc đưa hàng ra đảo trong mùa mưa bão, trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Hơn nữa, vừa tham gia vận chuyển, cán bộ, chiến sĩ các tàu vừa sẵn sàng cơ động xua đuổi tàu lạ xâm phạm chủ quyền...
Đại tá Văn Tiến Dũng cho biết: “Công tác vận tải thủy nói chung và đặc biệt là công tác bảo đảm cho quần đảo Trường Sa có những đặc thù riêng, bởi các tàu phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hành trình dài ngày, phương tiện, trang bị chưa đồng bộ, thiết kế; sức chịu đựng của tàu hạn chế, chưa kể thời tiết, giông bão, thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường và nhiều tác động khác từ bên ngoài… tạo nên tâm lý căng thẳng kéo dài đối với đội ngũ cán bộ, thuyền viên. Chính vì vậy, mọi công tác chuẩn bị, nhất là về con người là vô cùng quan trọng, chúng tôi luôn đặc biệt chú trọng đến công tác này”.
Mỗi khi làm nhiệm vụ vận chuyển cho Trường Sa, Lữ đoàn đều thành lập sở chỉ huy dã chiến tại phía Nam do Phó Lữ đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy, cùng với đầy đủ đại diện các phòng, ban tham gia. Sở Chỉ huy có nhiệm vụ phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị để điều hành vận chuyển, giám sát quá trình đi biển, trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh.
27 năm làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa ra Trường Sa, những chuyến tàu của Lữ đoàn hoạt động dài ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng chưa để xảy ra sự cố hỏng hóc kỹ thuật nào ảnh hưởng đến nhiệm vụ vận chuyển của đơn vị. Các tàu của Lữ đoàn 649 còn tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và sẵn sàng chiến đấu trên biển đảo, tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn…Với những thành tích tiêu biểu trong công tác, xây dựng, chiến đấu, Lữ đoàn 649 vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng cao quý trong đó có Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.