Sáng nay - 8/10, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ khai mạc Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội lần thứ 2 năm 2021. Đây là dịp để công nhân lao động có tay nghề cao trên địa bàn thành phố đua tài, đồng thời cũng được trau dồi, rèn luyện, nâng cao hơn nữa trình độ tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thủ đô và quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội thi, ông Nguyễn Phi Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Thi đua luôn là yếu tố quan trọng, tạo ra động lực và sức mạnh để góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, hướng đến thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và thành phố.
Trong nhiều năm qua các cấp chính quyền, Công đoàn thủ đô đã luôn coi trọng và đẩy mạnh các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động. Các phong trào thi đua, trong đó có phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi trong công nhân lao động Thủ đô” do LĐLĐ thành phố phát động đã trở thành một trong những phong trào thi đua tiêu biểu nhất trong các phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn.
Điểm nhấn của phong trào này là chuyển trọng tâm phong trào thi đua về cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất. Tính hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào đã được các lãnh đạo Trung ương và thành phố đánh giá cao, thu hút đông đảo công nhân lao động thuộc các thành phần kinh tế trong các ngành, địa phương, cơ sở của thành phố hưởng ứng tích cực.
Các đại biểu dự lễ khai mạc Hội thi. |
“Hội thi năm nay là lần thứ hai do UBND thành phố và LĐLĐ thành phố phối hợp tổ chức. Với việc chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức, tôi tin tưởng Hội thi thợ giỏi sẽ được tổ chức thành công. Thông qua Hội thi lần này cũng là dịp để công nhân lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp, có khả năng đáp ứng công nghệ, thiết bị sản xuất ngày càng tiên tiến hiện đại, lập các kỷ lục mới về năng suất lao động, tiến độ, chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tăng năng suất lao động của đơn vị, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Để phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” đạt được hiệu quả, ông Nguyễn Phi Thường đề nghị các cấp chính quyền và tổ chức Công đoàn thủ đô cần tiếp tục có sự phối hợp tốt hơn nữa, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng triển khai thực hiện tốt chỉ thị 34/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”.
Đồng thời, hướng tập trung phong trào thi đua vào việc tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện đời sống người lao động, thông qua Hội thi và các phong trào thi đua góp phần xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động thủ đô có phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật và tay nghề cao đáp ứng đòi hỏi yêu cầu thực tế của giai đoạn hiện nay.
Lần đầu tiên đến với Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội, chị Trương Thị Huệ Liên, (công nhân Công ty TNHH Denso Việt Nam, dự thi nghề Phay vạn năng) cho biết, tâm trạng chị khá hồi hộp. “Tuy nhiên, tôi đã được Ban lãnh đạo, Ban chấp hành Công đoàn Công ty cung cấp tài liệu, thường xuyên động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tập trung ôn luyện kỹ lưỡng nên khi bước vào Hội thi, tôi sẽ cố gắng bình tĩnh, tự tin quyết tâm giành kết quả cao”, chị Liên nói.
Các thí sinh thi lý thuyết. |
Khác với chị Huệ Liên, anh Trần Trung Hậu (công nhân Công ty cổ phần Toyota Thăng Long) đến Hội thi với tâm trạng hồ hởi, tự tin và tinh thần quyết tâm cao. Anh Hậu cho biết: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi đã vượt qua Hội thi ở cơ sở để đến với Hội thi thành phố lần này. Tôi tham dự Hội thi ở nghề Công nghệ ô tô, đây cũng là công việc chuyên môn của tôi ở Công ty”.
Cho rằng Hội thi là cơ hội tốt để giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, anh Đỗ Đình Phúc (công nhân Công ty Cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội) bộc bạch: “Đây là lần thứ hai tôi tham gia Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội với nghề Hàn điện. Để chuẩn bị cho lần đua tài này, trong quá trình làm việc, tôi dành thời gian nhiều hơn để trau dồi, rèn luyện tay nghề. Tôi được biết, các thí sinh tham gia Hội thi thợ giỏi thành phố đều là những công nhân có tay nghề cao. Vì thế, ngoài mục tiêu đạt giải, tôi cũng mong muốn sẽ được học hỏi thêm từ các bạn để nâng cao hơn nữa kỹ năng nghề nghiệp của mình”.
Ngay sau lễ khai mạc, 261 thí sinh đến từ 76 doanh nghiệp, 30 quận, huyện, ngành; trong đó thí sinh thuộc các doanh nghiệp FDI chiếm 34%, đã bước vào phần thi lý thuyết. Buổi chiều cùng ngày và trong ngày mai - 9/10, các thí sinh tiếp tục tham dự phần thi thực hành.
Phần thi lý thuyết bao gồm 40 câu hỏi với hình thức thi trắc nghiệm, diễn ra trong vòng 60 phút, nội dung bao gồm những kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên môn về nghề dự thi. Phần thi thực hành diễn ra trong thời gian tối đa 90 phút, tùy từng nghề thi.
Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội lần thứ 2 gồm 11 nghề thi: Tiện vạn năng; Phay CNC; Tiện CNC; Phay vạn năng; Hàn điện; Hàn CO2; Hàn TIG; May công nghiệp; Điện công nghiệp; Vẽ và thiết kế trên máy tính; Công nghệ ô tô.
Lễ bế mạc và trao thưởng sẽ diễn ra ngày 13/10 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô với cơ cấu giải thưởng gồm 11 giải Nhất (trị giá 10 triệu đồng/giải và UBND thành phố tặng Bằng khen), 22 giải Nhì (trị giá 5 triệu đồng/giải), 33 giải Ba (trị giá 3 triệu đồng/giải) và các giải Khuyến khích (trị giá 2 triệu đồng/giải)…