Thống kê cho thấy, Tổng công ty Kinh doanh và đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) đang quản lý khoảng 25.000 tỷ đồng tiền vốn nhà nước. Sau 5 năm hoạt động, tính đến tháng 6-2011, SCIC đã bán vốn tại 512 DN với giá trị sổ sách là 1.274 tỉ đồng, thu về 2.767 tỉ đồng, đạt tỉ lệ trung bình gấp 2,17 lần so với mệnh giá.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc phải đảm nhiệm cùng lúc chức năng quản lý và kinh doanh sẽ khiến SCIC không thể phát huy hết những lợi thế vốn có. Trong khi đó, số vốn Nhà nước mà siêu tổng công ty này tới đây sẽ tiếp nhận dự kiến lên tới 50.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa nguồn Internet |
Vốn nhà nước có được kinh doanh hiệu quả?
Ông Lại Văn Đạo, Tổng Giám đốc SCIC, cho biết tính đến tháng 6-2011, SCIC đã bán vốn tại 512 DN với giá trị sổ sách là 1.274 tỉ đồng, thu về 2.767 tỉ đồng, đạt tỉ lệ trung bình gấp 2,17 lần so với mệnh giá. Số tiền bán vốn tiếp tục thu về đến năm 2012 khoảng 7.800 tỉ đồng. SCIC sử dụng số tiền này để đầu tư vào các dự án trong các ngành, lĩnh vực then chốt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại lĩnh vực đầu tư vốn, tính đến hết năm 2010, SCIC đã đầu tư 6.000 tỷ đồng vào một số dự án lớn như: dự án điện Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Thác Bà… Trong lĩnh vực hạ tầng có dự án trục đường Bắc-Nam, dự án cầu Vàm Thuật…
Bên cạnh những mặt làm được, do nhận thức của một số bộ ngành, địa phương, DN về chủ trương xác lập quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước của SCIC còn chưa nhất quán, việc chuyển giao phần vốn Nhà nước tại các DN còn chậm. Theo thống kê sơ bộ, còn gần 200 DN độc lập thuộc diện chuyển giao với số tiền 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có 11 tổng công ty đã cổ phần hóa chưa chuyển giao cho SCIC với số vốn Nhà nước trên 4.000 tỉ đồng.
Theo ông Đạo, hiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của SCIC còn nhiều bất cập như cơ chế bán vốn Nhà nước tại DN thua lỗ, DN sử dụng nhiều đất; lương, thưởng và trách nhiệm của người đại diện… chưa rõ ràng. Điều này đã gây ra một số khó khăn nhất định cho SCIC khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong 5 năm, số vốn đầu tư của SCIC chỉ chiếm gần 25% số vốn điều lệ là 25.000 tỉ đồng. Kết quả này cho thấy, “siêu” tổng công ty này mới chỉ đảm nhận được chức năng giữ vốn Nhà nước chứ chưa thực sự đầu tư và kinh doanh theo đúng chức năng vốn có.
Tập trung sinh lời nguồn vốn
Theo ông Lại Văn Đạo, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về tổ chức và hoạt động của SCIC. Theo đó, ngoài việc tiếp tục bán vốn của DNNN, SCIC sẽ tiếp nhận thêm vốn Nhà nước từ các tập đoàn, tổng công ty. Dự kiến vốn điều lệ của SCIC sẽ nâng lên mức 50.000 tỉ đồng, cao gấp 2 lần so với hiện nay. Trong bối cảnh các DN đang gặp vô vàn khó khăn do lãi suất ngân hàng có thời điểm lên tới 24%, việc sử dụng hiệu quả số vốn Nhà nước khổng lồ do SCIC quản lý là nhiệm vụ không hề đơn giản.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, SCIC đang cùng lúc đảm nhận nhiều “vai”, vừa quản lý vừa kinh doanh vốn nhà nước. Điều này đã khiến “vai chính” đầu tư, kinh doanh vốn của SCIC là dường như chưa được tập trung đúng mức. Chung quan điểm này, ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vật tư kỹ thuật Cần Thơ, cho biết DN là một trong những đơn vị có vốn Nhà nước do SCIC làm đại diện chủ sở hữu.
Thời gian qua, dù DN không còn nợ của SCIC nhưng vẫn nhận được trát đòi nợ. Mới đây, sau 10 năm cổ phần hóa thì liền nhận được quyết định thanh tra cổ phần từ SCIC. Dù chấp hành nhưng thực lòng chúng tôi không tâm phục, khẩu phục quyết định thanh tra. Bởi lẽ Nhà nước cổ phần DN chứ chúng tôi đâu có tự thực hiện cổ phần được. Hơn nữa, trong lúc nước sôi lửa bỏng, DN phải đối phó với nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, kéo theo lãi suất ngân hàng có thời điểm lên tới 24% thì việc phải tiếp đoàn thanh tra 45 ngày thì khác gì làm khó DN. Kết cục là, sau 35 ngày làm việc, đoàn thanh tra kết luận không phát hiện ra vi phạm.
Theo các chuyên gia kinh tế, SCIC là một tổ chức đại diện mang vốn của nhà nước đi đầu tư với số lượng lớn. Số vốn này là tài sản quốc gia, vì vậy, việc sử dụng dù chỉ là một đồng cũng cần phải minh bạch, rõ ràng. Một trong những việc cần làm hiện nay là tổng kết thực trạng đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước, qua đó đánh giá hiệu quả việc đầu tư này có thực sự tương xứng với những tiềm năng vốn có hay không.
Bên cạnh đó, cần phải đánh giá cả nghĩa vụ tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DN của SCIC. Bởi trong thời gian tới đây, sau khi sắp xếp lại DNNN theo chủ trương của Chính phủ, sẽ có một lượng lớn DN và tài sản sẽ thuộc quyền quản lý của SCIC. Tính riêng số vốn Nhà nước sẽ bàn giao cho siêu tổng công ty này sau khi sắp xếp lại DN cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nếu vẫn để chức năng của SCIC lẫn lộn kiểu nửa kinh doanh, nửa quản lý thì sẽ không hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng, chỉ nên để SCIC thực hiện vai trò là một tổng công ty đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước đúng như bản chất tên gọi. Nhà nước giao vốn để SCIC đi đầu tư, kinh doanh. Nếu thấy có lợi nhuận thì đầu tưvà cũng phải cạnh tranh như các DN khác theo cơ chế thị trường. Như vậy mới có thể phát huy hết những tiềm năng vốn có của SCIC cũng như sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước khổng lồ do Tổng Công ty này nắm giữ.
Lãi suất ngân hàng có nơi lên tới 30%
Trao đổi với DN&PL, bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, đó chưa hẳn là lãi suất thực mà chỉ là biện pháp kỹ thuật để từ chối khéo khách hàng nhằm bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm nay chỉ ở mức 20% như quy định mà Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra trong năm nay. Lãi suất đầu ra lên tới gần 30% đã khiến nhiều DN không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đẩy hoạt động SXKD của nhiều DN vào tình thế khó khăn. Bà đánh giá thế nào về thực trạng này? - Cá nhân tôi cho rằng, không có ngân hàng nào muốn đẩy lãi suất lên cao. Bản thân các ngân hàng đều muốn đưa ra mức lãi suất hợp lý nhằm ổn định hoạt động kinh doanh của mình. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng phải đi tìm khách hàng chứ không phải như trước kia nữa. Trong khi đó, nhiều DN hiện dựa vào vốn ngân hàng tới 70-80%. DN muốn chi phí đầu vào thấp để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Do vậy, nếu lãi ngân hàng thấp thì họ sẽ có giá bán cạnh tranh hơn. Quan hệ ngân hàng-DN hiện nay cũng không phải theo một chiều mà thay vào đó là quan hệ hai chiều. Nhiều ngân hàng vẫn dành ưu tiên các khoản vay cho một số DN đặc biệt là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ... Ở đâu đó, có DN kêu khó tiếp cận nguồn vốn khi lãi suất lên tới 28% hay thậm chí 30%/năm không phải là lãi suất phổ biến. Các ngân hàng buộc phải đưa ra mức lãi suất cao đối với DN để từ chối khéo khách hàng khi tốc độ tăng trưởng tín dụng của họ đã gần với mức được phép là dưới 20% trong năm 2011.
- Tôi cho rằng lãi suất tại thời điểm này cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm nhưng mức giảm chỉ 0,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất chưa có cơ sở để giảm mạnh bởi lạm phát còn cao. Đầu năm 2011, Chính phủ đề ra mục tiêu là lạm phát năm 2011 7%/năm nhưng đến tháng 5, Chính phủ đã điều chỉnh là 15%. Tiếp đến tháng 6/2011, điều chỉnh một lần nữa trong khoảng từ 15-17%/năm. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, yếu tố để lạm phát tăng không lường trước được như: mưa bão, giá cả tăng cao, dịch bệnh...Do vậy lãi suất chỉ giảm nhiệt khi lạm phát có xu hướng giảm ổn định. |
Hoàng Lan