Khi dự án này hoàn công, sông Hồng sau khi chảy qua cầu Thăng Long sẽ được nắn dòng chảy chính qua phía huyện Đông Anh, dòng chảy phía quận Tây Hồ sẽ trở thành dòng phụ.
25 triệu USD là số tiền dành riêng cho hạng mục nắn sông Hồng đoạn qua Hà Nội trong tổng thể dự án có tổng mức đầu tư 201 triệu USD do Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư….
Ngay cạnh cầu Thăng Long và hệ thống bờ kè nắn dòng chảy sông Hồng, từ lâu nay vẫn mọc lên các bãi tập kết cát |
Đề nghị cấp thêm 75 triệu USD
Cụ thể, dự án nắn dòng chảy sông Hồng đoạn qua Hà Nội được chia làm 3 hạng mục, gồm xây dựng hệ thống kè có hình chữ U theo hướng dòng chảy bọc gần kín bãi nổi Nhật Tân (thuộc phường Nhật Tân, phường Phú Thượng - quận Tây Hồ), xây dựng một bức tường kè để nắn dòng chảy chếch hẳn về phía huyện Đông Anh, thay vì khu vực quận Tây Hồ, xây dựng hệ thống kè bờ sông Hồng đoạn địa phận Tàm Xá (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) và khu vực thuộc cống Liên Mạc (huyện Từ Liêm). Khi dự án này hoàn công, sông Hồng sau khi chảy qua cầu Thăng Long sẽ được nắn dòng chảy chính qua phía huyện Đông Anh, dòng chảy phía quận Tây Hồ sẽ trở thành dòng phụ.
Đại diện Phòng lý dự án vốn nước ngoài (Cục Đường thủy nội địa), cho hay, bức tường bê tông cốt thép bọc bãi nổi Nhật Tân nhằm cố định bãi nổi, không để lượng cát lớn trên bãi dịch chuyển, ảnh hưởng tới giao thông đường thủy.
Cũng thông tin từ Phòng lý dự án vốn nước ngoài cho hay, “gói” nắn dòng chảy sông Hồng đoạn qua Hà Nội chỉ là hạng mục nhỏ thuộc Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6). Dự án này có tổng mức đầu tư 201,5 triệu USD, trong đó 171,5 triệu USD là vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và 30 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo đó, mục tiêu của dự án này là thực hiện nâng cấp các hành lang đường thủy quốc gia (từ Việt Trì - Quảng Ninh, Hà Nội - Lạch Giang), nâng cấp cửa sông Ninh Cơ và kênh nối Đáy - Ninh Cơ, nâng cấp cảng Việt Trì và cảng Ninh Phúc, các bến khách ngang sông thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ… Dự án này dự kiến kết thúc vào tháng 6/2014.
Một nguồn tin xác nhận với Pháp luật Việt Nam, hiện tại Cục Đường thủy nội địa cũng đang thực hiện các thủ tục để xin thêm 75 triệu USD với lý do điều chỉnh vốn dự án.
“Nếu cứ ngồi phán thì khó lắm”
Theo ông Trần Đình Hợi, nguyên Viện phó Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, để đánh giá được tổng thể hạng mục này thì phải xem tổng thể địa hình vị trí dự án, xem mặt bằng, hồ sơ thiết kế… Cũng theo ông Hợi, trước khi triển khai dự án thì đơn vị liên quan cũng phải đo đạc, khảo sát, chạy mô hình để tính toán về diễn biến dòng chảy có thể sẽ ảnh hưởng thế nào. “Hiện nay sông Hồng có nhiều dự án triển khai việc nắn dòng, làm kè. Đây là một trong những biện pháp để chỉnh trị sông”, ông Hợi, cho biết.
Đại diện chủ đầu tư dự án, ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, cho biết, để triển khai thực hiện dự án, các đơn vị như Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội, Sở NN-PTNT Hà Nội… cũng đã có đánh giá, thẩm định về các mặt như tác động môi trường, phòng chống thoát lũ, nguy cơ gây sạt lở, an toàn cho hệ thống kè trên sông và trên bờ… Theo ông Cừu, hệ thống bờ bãi hai bên sông chỗ nào phải kè để chống sạt lở, chỗ nào cứ để tự nhiên đều đã nằm trong tính toán. “Nếu cứ ngồi phán thế này thế kia thì khó lắm”, ông Cừu, phân trần.
Một trong những mục tiêu của hạng mục nắn dòng tiêu tốn 25 triệu USD này là “ngăn lượng cát lớn trên bãi dịch chuyển” tránh ảnh hưởng đến dòng chảy, tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên trong chiều 4/6, xung quanh khu vực cầu Thăng Long, phía bờ sông Hồng kéo dài theo đường Âu Cơ gần đến cầu Nhật Tân vẫn tồn tại nhiều công trình, bãi tập kết cát. Hàng ngày, tàu thuyền từ thượng nguồn sông Hồng hướng Tuyên Quang, Phú Thọ chở cát, đá đầy ắp về khu vực này.
Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy, không chỉ “tiếp nhận” vật liệu xây dựng từ các phương tiện đường thủy chở xuống từ thượng nguồn, mà các địa bàn như huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ lâu nay vẫn có hàng chục tàu bè đua nhau hút cát để cung cấp cho các công trình xây dựng trên.
“Việc khai thác cát sỏi dưới lòng sông Hồng, làm biến dạng dòng chảy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự “tự nhiên” của con sông này. Nếu chỉ đưa tiền làm dự án mà không quản lý chặt hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Hồng, dẹp bỏ các bãi tập kết vật liệu trong khu vực bờ kè thì sự biến dạng của con sông này có thể sẽ diễn ra, và có thể phải thêm nhiều dự án chỉnh dòng tiêu tốn hàng trăm triệu USD khác”, một chuyên gia thuỷ lợi nói với Pháp luật Việt Nam.
Việt Hưng