25 năm không được quản lý, sử dụng di sản thừa kế
Trong đơn gửi đến Pháp luật Việt Nam, ông Bạch Xy Quynh – nguyên đơn trong vụ “Tranh chấp về thừa kế tài sản và quyền sử dụng đất” trình bày, bố mẹ ông lần lượt mất đi vào năm 1982, 1987. Khi mất hai người không lập di chúc, để lại tài sản chung cho các con là căn nhà 150 - 152 đường Âu Cơ (phường 9, quận Tân Bình).
Tuy nhiên sau đó, người anh ông Quynh là ông Bạch Cẩm Vân (1951-2007) đã tự ý đi kê khai thừa kế, cho rằng ông Quynh và những người khác khước từ thừa kế nhằm hợp thức hóa giấy tờ để trở thành chủ sở hữu duy nhất của căn nhà nói trên. Theo hồ sơ vụ việc, năm 1989, ông Bạch Cẩm Vân được Sở Nhà đất TP.HCM cấp Giấy phép hợp thức hóa căn nhà. Sau đó ông Bạch Cẩm Vân đã dùng tài sản này thế chấp tại ngân hàng để vay tổng số tiền gần 2 tỉ đồng.
Năm 1995, phía ngân hàng đã khởi kiện ra tòa, buộc ông Vân phải trả nợ. Năm 1996, TAND quận Tân Bình ra quyết định công nhận thỏa thuận các đương sự, trong đó ông Vân có nghĩa vụ trả nợ ngân hàng số tiền gốc và lãi hơn 2,3 tỉ đồng. Tháng 3/1996, ông Quynh biết được sự việc trên khi cơ quan thi hành án đến đo đạc căn nhà, chuẩn bị bán đấu giá.
Ngày 30/3/1996, ông Quynh làm đơn khởi kiện ra TAND TP.HCM với 3 yêu cầu: Xác nhận căn nhà nói trên là di sản thừa kế của 12 người, hủy bỏ việc công nhận ông Bạch Cẩm Vân là chủ sở hữu căn nhà nêu trên và chia cho ông Bạch Cẩm Vân phần thừa kế bằng trị giá một suất thừa kế đối với căn nhà nêu trên. Ông Quynh và luật sư bảo vệ đồng thời có đơn đề nghị Tòa và các cơ quan liên quan hoãn việc thi hành án.
TAND TP.HCM vẫn đang trong quá trình giải quyết vụ án thụ lý từ 25 năm trước. |
Ngày 27/05/1996, TAND TP.HCM đã ban hành Quyết định Biện pháp khẩn cấp tạm thời số 131/QĐ/DS với nội dung: “Kê biên nhà xưởng tại số 45/9-10 (nay là số 150 -152) đường Âu Cơ, của ông Bạch Cẩm Vân, tạm thời giao nhà xưởng nêu trên cho các ông Bạch Cẩm Vân, Bạch Xy Quyh và Bạch Thiệu Vân quản lý, nghiêm cấm mọi hình thức sang nhượng cầm thế...”.
“Dù TAND TP.HCM đã quyết định như vậy, thực tế nguyên đơn chưa bao giờ được quản lý căn nhà như quyết định 131/QĐ/DS, do phía gia đình ông Bạch Cẩm Vân đã cố ý chiếm dụng toàn bộ căn nhà để sử dụng và kinh doanh. Thậm chí, năm 2007, sau khi ông Bạch Cẩm Vân chết, các con của ông vẫn cố tình chiếm dụng căn nhà và sử dụng toàn bộ mặt bằng để kinh doanh”, ông Quynh bức xúc viết trong đơn.
Xây dựng trái phép tại căn nhà đang tranh chấp
Vụ tranh chấp kéo dài đến năm 2014 thì phát sinh việc sửa chữa, xây dựng trái phép tại căn nhà tranh chấp, khiến vụ việc càng phức tạp. Theo văn bản kết luận số 02/KL-UBND ngày 13/7/2015 của UBND quận Tân Bình, mặc dù chủ đầu tư – bà Bạch Thúy Hà (con gái ông Bạch Cẩm Vân) đã thi công phần móng cột đà kiềng với diện tích khá lớn nhưng UBND phường 9 đã không phát hiện. Đến khi người dân phản ánh mới kiểm tra và lập biên bản.
Theo biên bản kiểm tra ngày 3/9/2014, UBND phường 9 ghi nhận hiện trạng: “chủ đầu tư cho tháo dỡ toàn bộ hiện trạng cũ, đã xây dựng xong phần móng cột đà kiềng BTCT, phần diện tích xây dựng vi phạm: 489,5675 m2 … tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư không có mặt và không xuất trình được Giấy phép xây dựng”.
Hiện trạng thực tế căn nhà được UBND phường 9 ghi nhận vào tháng 10/2014 như sau: “Khu đất gồm 2 khối nhà xưởng với kết cấu nền bê tông, tường gạch, đà sắt, mái tôn, chiều cao tĩnh không của công trình nhà xưởng 8 m. Diện tích công trình nhà xưởng cải tạo: 492 m2”.
Ngày 29/1/2015, UBND phường 9 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Bạch Thúy Hà và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình do đã có hành vi vi phạm như sau: “Chủ đầu tư tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, diện tích vi phạm 582,3 m2; kết cấu công trình vi phạm: đà sắt, sàn bê tổng đổ giả”.
UBND phường 9 sau đó ban hành quyết định đình chỉ thi công đối với công trình vi phạm, tuy nhiên bà Hà đã không chấp hành. Ngày 12/2/2015, UBND phường 9 kiểm tra, ghi nhận: “hiện công trình đã có quyết định đình chỉ thi công nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công diện tích xây dựng mới là sà gồ sắt, sàn lót tôn chưa đổ bê tông với diện tích là 345,08 m2 …”.
Ngày 14/2/2015, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình ban hành quyết định số 238/QĐXPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Bạch Thúy Hà với hình thức xử phạt: “phạt tiền 6.250.000 đồng, buộc chủ đầu tư ngừng thi công và phải tự phá dỡ toàn bộ các bộ phận công trình xây dựng vi phạm…”. Phường sau đó nhiều nhiều lần vận động bà Hà tháo dỡ phần diện tích vi phạm nhưng không được.
Tháng 7/2015, UBND Quận Tân Bình ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Bạch Thúy Hà. Tháng 3/2016, UBND Quận Tân Bình ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện cưỡng chế hành chính tại địa chỉ 150-152 Âu Cơ.
Theo ông Quynh, bà Hà đã cố tình phá dỡ, sửa chữa, xây dựng căn nhà với quy mô lớn, cố ý làm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. Cụ thể, diện tích nhà cũ theo giấy hợp thức nhà do Sở Nhà đất TP HCM cấp năm 1989, phần diện tích xây dựng là 217 m2, chiều cao công trình 4 m. Còn hiện trạng sau khi thay đổi là 582,3 m2, chiều cao công trình là 8 m.
Liên quan đến căn nhà tranh chấp, hiện nay căn nhà đã được đăng ký kinh doanh là Công ty TNHH Sản xuất Thiết bị Y tế Gunma Vina do ông Bạch Chấn Phong (con trai bị đơn) là người đại diện theo pháp luật. Trên thực tế, địa chỉ này đang kinh doanh, sản xuất khẩu trang y tế và bán thức ăn nhanh.
Như vậy, mặc dù là đồng thừa kế đối với di sản là căn nhà 150 – 152 Âu Cơ do bố mẹ để lại, đồng thời được TAND TP.HCM giao quản lý tài sản nói trên nhưng suốt 25 năm qua, ông Bạch Xy Quynh và người em trai út là Bạch Thiệu Vân không hề được quản lý, sử dụng. Trong khi đó, vụ việc bị kéo dài vì nhiều lý do và vẫn chưa biết đến bao giờ vụ án mới được giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn và các đồng thừa kế.
Quyết định Biện pháp khẩn cấp tạm thời TAND TP.HCM ban hành năm 1996. |
Liên quan đến diễn biến vụ án, Luật sư Nguyễn Thanh Hiệp (Công ty Luật TNHH H.T.P, Đoàn luật sư TP HCM), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Bạch Xy Quynh, cho biết, hiện vụ án vẫn đang được TAND TP HCM giải quyết. Theo luật sư, năm 2007 sau khi bị đơn là ông Bạch Cẩm Vân mất, 7 người con của ông trở thành những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng, trong đó có một vài người sinh sống tại Việt Nam, một vài người sinh sống ở nước ngoài.
Vì phía bị đơn thiếu hợp tác nên công tác xác minh, triệu tập của Toà án gặp khó khăn, dẫn đến việc Toà án vẫn “loay hoay” xác minh mà không đưa vụ án ra xét xử làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế khác, trong đó có ông Bạch Xy Quynh. Vừa qua, luật sư Hiệp đã có đơn gửi đến những cơ quan, người có thẩm quyền, yêu cầu TAND TP HCM sớm đưa vụ án ra xét xử, đồng thời đề nghị những người có thẩm quyền kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý vụ án.
Cũng theo luật sư, Quyết định Biện pháp khẩn cấp tạm thời số 131/QĐ/DS ngày 27/05/1996 của TAND TP HCM đến nay vẫn còn giá trị pháp lý, bởi vụ việc vẫn chưa kết thúc và Tòa vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào để hủy quyết định này. Tuy nhiên thực tế, ông Quynh là nguyên đơn không hề được quản lý căn nhà, phải ở trong tình trạng ở trọ làm thuê, trong khi ông Bạch Chấn Phong (con trai ông Bạch Cẩm Vân) chiếm dụng căn nhà để kinh doanh.
Động thái khác, người đại diện ủy quyền của nguyên đơn cũng có đơn đề nghị TAND TP.HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm hoạt động kinh doanh” tại căn nhà tranh chấp đối với phía bị đơn. Diễn biến mới nhất, chiều ngày 28/1 vừa qua, TAND TP HCM đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với căn nhà và đất tại địa chỉ 150 - 152 Âu Cơ.
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.