Phải đi làm thuê vì không có đất sản xuất
Từ năm 2010, khi 24 hộ dân trở về bản Huồi Chấu để tái định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg (ngày 5/3/2007) của Thủ tướng Chính phủ đối với những hộ dân sống ven sông, ven suối có nguy cơ sạt lở. UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 3967 (ngày 13/8/2009) và Quyết định số 02 (ngày 5/1/2010) của UBND huyện Quỳ Châu về việc di dân thực hiện định canh, định cư xen ghép.
Theo đó, 25 hộ/100 nhân khẩu, 55 lao động thuộc 5 bản là đối tượng thiếu đất ở, đất sản xuất thuộc xã Châu Phong, Quỳ Châu đến định cư tại vùng dự án đã quy hoạch (bản Huồi Chấu, xã Châu Phong). Tuy nhiên, từ khi về đây sinh sống người dân chỉ được cấp đất để làm nhà ở, còn đất sản xuất lại chưa được nhận vì khu vực đất sản xuất lại thuộc đất của BQL rừng phòng hộ quản lý. Do đó, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn bởi không có đất sản xuất, người dân chủ yếu đi làm thuê, hoặc thu hái sản vật của rừng như măng, rau rừng, bắt cá....
Ông Lương Văn Phương chia sẻ: “Dân không có đất sản xuất mà đất đáng lẽ được giao lại nằm bên cạnh nhà, gần đây phía rừng phòng hộ còn rào thép gai để trồng cây khiến người dân rất buồn…”. Cùng cảnh ngộ, gia đình ông Lữ Văn Công cũng về đây sinh sống cùng thời điểm nhưng mãi đến nay cũng chỉ đi làm thuê kiếm sống. Bên cạnh ngôi nhà là khu đất của Rừng phòng hộ Quỳ Châu nơi trước đó đã được phê duyệt là cấp đất cho những hộ dân này. Hàng rào thép gai là nơi phân định ranh giới giữa đất của Rừng phòng hộ và đất vườn nhà dân.
Ông Lương Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết, khi vào định cư tại đây thì chỉ đảm bảo được đất ở và một diện tích nhỏ để làm nông nghiệp trồng lúa cho bà con. Nhiều lần dân họp tiếp xúc cử tri, rồi thì tỉnh tiếp xúc cử tri, người dân đều hỏi là bao giờ thì được cấp đất. Nhưng mãi đến nay phía Rừng phòng hộ vẫn không đồng ý trả đất để chia cho người dân sản xuất. Xã cũng
nhiều lần có Tờ trình đề nghị thu hồi đất của BQL rừng phòng hộ để giao cho dân nhưng vẫn chưa được giải quyết. Kinh tế chủ yếu đi thu lượm lâm sản phụ, chăn nuôi trâu bò, một số đi làm thuê, một vài hộ được anh em, bà con cho mượn đất thỏa thuận làm ăn. Có ba hộ dân Lữ Văn Duyên, Lương Văn Hân và Lương Văn Ngoan đã phải ra khỏi khu tái định cư để làm nhà ở nơi khác để kinh doanh buôn bán vì không có đất sản xuất.
Ban Quản lý rừng cương quyết giữ đất
Được biết, khi về đây sinh sống theo Dự án, mỗi hộ được hỗ trợ hơn 16 triệu đồng, còn hạ tầng cơ sở (đường sá) đã được đầu tư hơn 300 triệu đồng. Hầu hết 23/24 hộ dân tại bản này đều đang thuộc diện hộ nghèo. Toàn xã có 49% hộ nghèo, chủ yếu là dân tộc Thái (99%), có 14/19 bản chưa có điện thắp sáng kéo về để phục vụ nhu cầu của bà con.
“Bà con cũng rất bức xúc chuyện đất đai, nhiều lần kiến nghị lắm nhưng vẫn chưa được giải quyết, mới đây huyện chủ trì làm việc giữa người dân, xã và BQL rừng phòng hộ về việc này. Tỉnh đề nghị thu hồi 110ha đất rừng phòng hộ giao cho dân sản xuất, nhưng trong cuộc họp vừa qua BQL rừng không ký biên bản họp. Vừa qua sau khi thu hoạch xong keo tràm, huyện cũng đề nghị dừng sản xuất để bàn cho xong việc này nhưng phía BQL rừng phòng hộ vẫn tiếp tục rào thép gai và trồng keo tiếp”, ông Huấn cho biết.
Tại Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII có nêu: Hiện nay UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Quỳ Châu, Sở NN&PTNT, BQL rừng phòng hộ Quỳ Châu và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau: Khẩn trương rà soát, thống kê diện tích đất ở và đất sản xuất mà 24 hộ dân đã di dời thuộc dự án định canh định cư xen ghép bản Huồi Chấu hiện nay đang thuộc quyền quản lý của BQL rừng phòng hộ Quỳ Châu, tham mưu UBND tỉnh thu hồi để cấp Giấy CNQSDĐ cho các hộ dân theo quy định của pháp luật.
Ngoài diện tích nêu trên, trên cơ sở nhu cầu đất sản xuất của các hộ dân xem xét thu thêm một phần đất rừng sản xuất của BQL rừng phòng hộ tại khu vực Khe Chan bản Huồi Chấu báo cáo UBND tỉnh quyết định thu hồi để giao cho UBND huyện Quỳ Châu giao cho các hộ dân di dời ổn định sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đến những ngày cuối tháng 7/2018, mảnh đất bên cạnh những ngôi nhà định cư của 24 hộ dân về đây sinh sống hơn 8 năm nay vẫn được rào thép gai mà chưa bàn giao cho người dân sản xuất. Sau 8 năm chờ đợi, không biết người dân ở nơi đây còn phải tiếp đến bao giờ…?