Với thêm 3 ngân hàng bị đóng cửa trong ngày 12/11, năm 2010 đã trở thành năm đen tối nhất đối với ngành ngân hàng Mỹ trong hai thập kỷ qua khi có tới 146 ngân hàng bị phá sản từ đầu năm đến nay. Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ đã tiến hành tịch biên hai ngân hàng tại bang Georgia là Darby Bank & Trust Co. of Vidalia với tổng giá trị tài sản lên tới 654,7 triệu USD và Tifton Banking Co. of Tifton với tài sản trị giá 143,7 triệu USD. FDIC cũng nắm giữ ngân hàng Copper Star Bank tại bang Arizona với tài sản trị giá 204 triệu USD. Sự sụp đổ của ngân hàng Darby Bank & Trust Co. và ngân hàng Tifton Banking Co. sẽ khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC giảm 160,8 triệu USD và cơ quan này cũng sẽ phải trả cho ngân hàng Copper Star Bank số tiền bảo hiểm tiền gửi là 43,6 triệu USD. FDIC đã phải chi trả khoảng 36 tỷ USD do sự sụp đổ của 140 ngân hàng trong năm 2009 và khoảng 21 tỷ USD cho các ngân hàng bị đóng cửa từ đầu năm tới nay. FDIC dự đoán tổng số tiền bảo hiểm cho các ngân hàng bị sụp đổ trong giai đoạn từ 2010 đến 2014 sẽ vào khoảng 52 tỷ USD, thấp hơn 8 tỷ USD so với dự đoán đưa ra trước đây. Cơ quan này nhận định rằng nhờ sự hồi phục của nền kinh tế nên số ngân hàng bị sụp đổ có thể ít hơn và do đó các khoản lỗ mà quỹ bảo hiểm phải gánh chịu sẽ thấp hơn. Số ngân hàng mà FDIC đưa vào danh sách "các ngân hàng có vấn đề" tăng từ 775 ngân hàng trong cuối quý 1 năm 2010 lên 829 ngân hàng vào cuối quý 2 năm 2010. Hiện tại, FDIC đang bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng được FDIC bảo hiểm./.
TTXVN/Vietnam+