Kỳ vọng thay thế 8-10% nhựa đường
Dow và Khu công nghiệp DEEP C vừa hoàn tất xây dựng đoạn đường giao thông được gia cố bởi nhựa tái chế đầu tiên tại KCN DEEP C tại Hải Phòng. Đây là kết quả hợp tác giữa Dow và DEEP C nhằm mang lại những giải pháp đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Dự án là 1 trong 5 sáng kiến về phát triển kinh tế tuần hoàn được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình Thủ tướng đã đi vào thực hiện.
Đoạn đường 200m hoàn tất đầu tiên được khánh thành dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo Dow và DEEP C, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen và lãnh đạo UBND Hải Phòng.
Đoạn đường 200m mới được thảm tiếp nối đoạn đường thảm nhựa bằng công nghệ thông thường và mặt đường hầu như không có sự khác biệt. Bà Mai Hà Thanh Uyên, Giám đốc Phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á, Công ty Dow Chemical Việt Nam cho biết, rác thải nhựa dùng để làm đường là loại không thu gom, tái chế được, nên ý nghĩa dự án này rất cao.
Đặc biệt quy trình rất đơn giản, không cần có sự thay đổi về công nghệ. Nguồn rác thải nhựa sinh hoạt tái chế chủ yếu là bao bì nhựa dẻo như màng polyethylene, do Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng cung cấp. Rác thải nhựa được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở 150 – 180 độ C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường.
Về chất lượng của đường làm từ rác thải nhựa, trước khi trải nhựa đường thực tế, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện hai thí nghiệm với kết quả đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của Việt Nam.
Đại diện Dow cho rằng, tỷ lệ rác thải nhựa sẽ thay thế khoảng 8-10% nhựa đường và với đường rộng 6m, dày 6cm, trung bình mỗi km đường sẽ tiêu thụ khoảng 4 tấn rác thải nhựa…
Khả năng nhân rộng?
Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam cho biết, Dow đang phát triển các ứng dụng mới cho rác thải nhựa sinh hoạt để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tạo giá trị cho nhựa và giảm thiểu rác thải ra môi trường.
“Dự án này cho thấy sự hợp tác ấn tượng giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị, gắn kết chính quyền địa phương, nhà đầu tư hạ tầng, nhà cung cấp asphalt, đơn vị thu gom rác thải và ngành khoa học vật liệu cùng phối hợp giải quyết vấn đề về rác thải nhựa”, ông Ekkasit nhấn mạnh.
Theo ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc KCN DEEP C, việc triển khai đoạn đường đầu tiên từ rác thải nhựa này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình trở thành KCN sinh thái đi đầu tại Việt Nam của DEEP C: “Những con đường mới, bền hơn và an toàn hơn này không chỉ đem lại lợi ích cho DEEP C và các DN tại KCN của chúng tôi mà còn phát đi thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường khi mà quản lý rác thải nhựa đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam”.
Ông Bruno cho biết giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ được hoàn thành trong tháng 11 năm nay, với tổng chiều dài đoạn đường từ rác thải nhựa đạt 1,4 km. Đoạn đường này sẽ chuyển hóa tổng cộng 6.5 tấn bao bì nhựa dẻo thay vì trở thành rác thải hoặc bị chôn lấp trong các bãi xử lý rác; tương đương với hơn 1,7 triệu bao bì nhựa dẻo.
Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững (VBCSD), ông Nguyễn Quang Vinh nhận định, dự án này là một ví dụ tiêu biểu cho sự đồng hành giữa DN và Chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững nói chung và là sự hưởng ứng kịp thời lời kêu gọi của Thủ tướng về chống rác thải nhựa nói riêng. “Mô hình này nên được nhân rộng”, ông Vinh nói.
Chưa có tính toàn về hiệu quả kinh tế khi tiết kiệm được từ 8-10% nhựa đường so với công phân loại, rửa, phơi khô, nghiền nhỏ rác thải nhựa khi sử dụng rác thải nhựa làm đường, song hiệu quả về môi trường là điều mà ai cũng nhìn thấy.