Ung thư phổi, phải cắt phổi vì hút thuốc lào, thuốc lá
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân T.T.S (63 tuổi, ở huyện Vân Đồn) đến khám do ho khan từng cơn kèm đau tức ngực. Tại một bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân S có khối u ở phổi nên lập tức chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân cho biết đã hút thuốc lào gần 30 năm, không có bệnh lý kèm theo. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, nhu mô thuỳ dưới phổi trái của người bệnh có khối u đường kính hơn 4cm.
Sau khi sinh thiết đánh giá, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư thuỳ dưới phổi trái, xâm lấn thuỳ trên phổi trái. Sau đó bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u kết hợp hoá xạ trị để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng mới tiếp nhận bệnh nhân nam (64 tuổi, Long Biên) có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào trên 40 năm.
3 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện ho khạc đờm trắng lẫn màu nâu, có cảm giác sốt, không đau ngực, không khó thở, sau tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Đi khám phát hiện u phổi trái và được nhập viện điều trị tại khoa Ung bướu.
Sau khi làm các xét nghiệm, chụp cắt lớp, sinh thiết... bác sĩ phát hiện tế bào lạ nghi ngờ ác tính. Kết quả nội soi khí phế quản thấy khối u xâm lấn làm tắc hoàn toàn phế quản gốc bên trái. Kết quả chụp cắt lớp vi tính phổi, X-quang phổi cho thấy, khối u chiếm gần hết nhu mô phổi bên trái.
Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái kèm nạo vét hạch. Sau mổ ngày thứ 5, bệnh nhân tự ngồi dậy, tự thở không cần oxy hỗ trợ...
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: "Mổ cắt cả phổi điều trị ung thư là một phẫu thuật lớn, nặng nề cả về mặt ngoại khoa và gây mê hồi sức. Đây cũng là ca cắt cả phổi đầu tiên được tiến hành tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang".
Hàng loạt hiểm họa với sức khỏe khi hút thuốc lào, thuốc lá
Ở nước ta, mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến hút thuốc và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Khi hút thuốc ta đã vô tình hít vào cơ thể hơn 4 triệu hợp chất độc hại, trong đó có hơn 40 hợp chất gây ung thư.
Tác hại của thuốc lào tương tự như thuốc lá, có thể gây ra các loại ung thư như: ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư họng, ung thư miệng, ung thư thanh quản, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư gan, ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng và bệnh bạch cầu cấp.
Đây cũng là tác nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, phình tách động mạch chủ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái đường, loãng xương, viêm khớp dạng thấp, làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen ở người lớn. Người hút thuốc lào cũng có nguy cơ bị lao và các nhiễm trùng khác.
Những người thường xuyên hít phải khói thuốc lào do người khác hút nhả ra cũng có tỷ lệ mắc các bệnh trên cao hơn người khác.
Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc lào sẽ dẫn đến cảm giác say thuốc, mất thăng bằng, sùi bọt mép, nôn nao, quằn quại... Say thuốc lào mà không có người tỉnh táo ở bên cạnh rất dễ tử vong vì người say thuốc không tự kiểm soát được hành vi.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Vũ Xuân Kiên, Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh), ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư. Tại Việt Nam, bệnh đứng thứ nhất trong các ung thư ở nam giới, mỗi năm có hơn 23.000 người mắc mới và thường gặp ở độ tuổi 50 – 75 tuổi.
Ung thư phổi tiến triển nhanh, di căn sớm, đa số phát hiện ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ tử vong cao do không đáp ứng điều trị. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và kịp thời thì bệnh nhân sẽ khỏi bệnh ổn định lâu dài.
Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đặc biệt là các đối tượng hút thuốc lâu năm. Đồng thời cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, thuốc lào để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc trước 50 tuổi sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc được 1 năm.