Nhiệm vụ khó khăn
15 năm trước, ngày 27/5/2009, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 24/2009/TT-BQP quy định và hướng dẫn về tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Theo đó, Báo PLVN là một trong những đầu báo tại các đơn vị từ cấp đại đội, đồn biên phòng.
Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 12/2009, chuyên trang QP-AN Báo PLVN đã ra đời với mục đích tuyên truyền các hoạt động của Quân đội, tuyên truyền về chính sách quốc phòng, công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân và công tác quân sự địa phương.
“Tôi còn nhớ những lần theo chân những người lính biên phòng đi chống buôn lậu. Đó là những ngày nóng bỏng khi vụ buôn lậu Hang Dơi (Lạng Sơn) chưa bị phá. Tại khu vực Thác Ném, phía bên kia đường biên giới, hàng trăm cửu vạn với những bao hàng lớn tập kết sẵn chỉ đợi không có lực lượng chống buôn lậu là “cõng” hàng chạy về cất giấu trong nhà dân. Người nằm, người ngồi, người ăn, người hút thuốc, người chửi rủa lực lượng chống buôn lậu bằng những ngôn ngữ thô tục. Đợi một lúc, thấy số lượng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) Đồn Tân Thanh ít, mỏng, các cửu vạn đồng loạt vượt biên lao về Việt Nam. Khi bị ngăn lại, họ giật súng, đánh đấm, xé quần áo những người lính rồi nhanh chóng biến mất trong những ngôi nhà sát biên giới. Những người lính biên phòng quần áo te tua. Tôi rưng rưng nước mắt”.
“Có lần leo lên xuồng của lực lượng chống buôn lậu BĐBP Long An truy đuổi xuồng buôn thuốc lá lậu. Mùa nước nổi, bốn bề là nước. Chiếc xuồng xé gió lao đi, tôi ngồi trên xuồng dựng hết tóc gáy. Có đi cùng những người lính, mới thấu hiểu nhiệm vụ của họ gian nan, vất vả thế nào”.
Báo còn làm nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ. Nhà báo Lam Hạnh vinh dự được Tổng Biên tập của Báo PLVN khi đó là TS. Đào Văn Hội giao phụ trách chuyên trang QP-AN với các nhiệm vụ viết tin bài, kết nối cộng tác viên, tổ chức, biên tập chuyên trang. Ngay từ khi mới ra đời, chuyên trang xuất bản 1 tuần/3 số. 15 năm qua, dù có nhiều sự thay đổi về nội dung, kết cấu trang và số lượng trang nhưng đến nay, Trang QP-AN vẫn tiếp tục được xuất bản trên báo giấy PLVN với dung lượng 3 trang/1 tuần.
Với các phóng viên chuyên trách về QP-AN, ngay ngày đầu tiên bước vào công việc đã hiểu nhiệm vụ của mình là “3K”: khó, khô, khổ. Để viết được một bài báo hay, dù ở thể loại nào thì người làm báo cũng phải lao tâm khổ tứ. Tuy nhiên, với phóng viên chuyên trách về QP-AN thì viết về mảng quân sự - quốc phòng (QS-QP) là khó hơn.
Là mảng tin tức đặc thù, có nhiều nội dung liên quan bí mật quân sự nên việc tiếp cận các đơn vị quân đội để lấy thông tin, viết bài phải theo một quy trình rất chặt chẽ. Đầu tiên, phóng viên phải xin giấy giới thiệu của tòa soạn gửi Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Sau đó, Cục Tuyên huấn duyệt, cấp giấy giới thiệu gửi các quân khu, quân chủng, binh chủng... Rồi Cục Chính trị các quân, binh chủng duyệt cấp giấy giới thiệu về đơn vị để đưa tin, viết bài. Tất nhiên, không phải đề xuất nào cũng được duyệt.
Để thông tin không sai sót, không lộ bí mật quân sự, phóng viên chuyên trách và biên tập viên phải học hỏi các kiến thức QS-QP. Các thông tin về QS-QP được Phòng Thông tấn Quân sự, Cục Tuyên huấn kiểm soát chặt chẽ.
Thời sự, chất lượng
Với các báo không có chuyên trang như Báo PLVN, khi nào có sự kiện mới đưa tin; hoặc được mời dự sự kiện của BQP, các quân khu, quân đoàn, binh chủng thì đưa tin. Với Báo PLVN, đến kỳ xuất bản thì bài vở phải đủ trang. Hơn nữa, yêu cầu của tòa soạn luôn đặt ra rất cao, bài vở phải mang tính thời sự, có chất lượng, trích dẫn ý kiến rõ ràng. Để có đủ tin bài xuất bản, chuyên trang phải xây dựng một đội ngũ cộng tác viên đông đảo.
Có nhiều đơn vị có những người viết báo rất tốt, đều đặn gửi thông tin của đơn vị về email trang QP-AN. Rồi một số phóng viên của các tờ báo trong Quân đội cũng gửi tin bài cộng tác. Tuy nhiên, Báo PLVN không chỉ là tờ báo của những đơn vị đó, mà thông tin phải phủ sóng trong toàn quân. Vì vậy, đầu tiên, chuyên trang phải tổ chức xây dựng đội ngũ cộng tác viên trong quân đội.
Nhà báo Lam Hạnh (thứ 2 từ trái qua) trong một chuyến công tác biên giới (năm 2003). (Ảnh trong bài: Bùi Bích) |
Những ngày đầu tổ chức trang QP-AN, người có trách nhiệm phải tìm đến các tòa soạn báo chí trong quân đội, gặp gỡ các lãnh đạo báo. Đó là tòa soạn Báo QĐND, Biên phòng, Báo Quốc phòng Thủ đô, Báo Phòng không - Không quân, Báo Hải quân Việt Nam, Báo Quân khu 1, Quân khu 2, Báo Cựu chiến binh... Đi đến đâu chuyên trang cũng nhận được sự nhiệt tình giúp đỡ, sẵn sàng chia sẻ thông tin, tuyên truyền.
Nhà thơ Tố Hữu từng căn dặn lớp nhà báo trẻ: “Làm báo Đảng phải có 3 bằng đại học, đó là đại học chính trị, đại học văn hóa và đại học đường đời”. “Đại học đường đời” nghĩa là người làm báo phải dấn thân, đi vào cuộc sống để phản ánh trung thực cuộc sống, phát hiện những vấn đề của cuộc sống, đề xuất những giải pháp.
Những đúc rút của các bậc tiền bối cho thấy, muốn trở thành một nhà báo giỏi thì người viết báo phải luôn đi vào trong cuộc sống, những bài báo viết ra phải mang hơi thở của cuộc sống. Những phóng viên đã hăng hái lao vào cuộc sống bằng những chuyến đi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; từ những dặm đường biên giới miền Tây; đến những đồn biên phòng xa xôi nhất ở vùng biên giới phía Bắc.
Tri ân 15 năm xuất bản trang QP-AN của Báo PLVN, còn phải nói tới sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam qua các thời kỳ. Vị tướng đầu tiên đến thăm Báo PLVN là Trung tướng Mai Hồng Bỉnh, Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn đương nhiệm đến thăm Báo PLVN trước ngày ông lên chức Cục trưởng. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khi đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị luôn trả lời phỏng vấn Báo PLVN. Ông còn có nhiều tham luận gửi Báo.