Trong xã hội hiện đại, ly thân đang giải pháp được nhiều cặp vợ chồng chọn lựa là một cách tạm thời trước khi cùng nhau đưa ra giải pháp tốt nhất cho cuộc hôn nhân của mình. Nhưng thực tế có biết bao chuyện khóc - cười sau những cuộc ly thân…
Hình minh họa |
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Cái câu “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm” sao mà đúng với cảnh ngộ thương tâm, oan trái của chị Bảo Khanh (36 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Vợ chồng chị Khanh kết hôn năm 2000, có một con gái năm nay 6 tuổi. Xuất phát từ những chuyện sinh hoạt vụn vặt nhưng do vợ chồng đều cố chấp, hiếu thắng nên cái sảy nảy cái ung. Mỗi lần cãi nhau, cô vợ đỏng đảnh thường phạt chồng bằng cách “cấm vận” chuyện chăn gối, mỗi người ở một phòng, để chồng phải mệt sức xin lỗi mới “tha”.
Hành động đó của chị Khanh vô tình đã đẩy anh chồng trẻ vào cảnh “đói ăn vụng” rồi ngã vào vòng tay một gái bar lúc nào không hay. Khi chị Khanh giật mình nhận ra mình xử sự không khéo léo thì quan hệ của chồng chị với cô gái kia đã “quá mù hóa mưa”. Khó tha thứ cho sự phản bội của chồng, nhưng vì danh dự gia đình, chị Khanh chấp nhận phương án ly thân một thời gian để cả hai nhìn nhận lại bản thân mình...
Ly thân nhưng vợ chồng vẫn sống cùng nhau trong căn hộ chung cư ở KĐT Định Công (Hà Nội), mỗi người ở một phòng đi khóa về mở riêng rẽ. Con gái là của chung nên nay ở phòng mẹ, mai sang với bố là lẽ đương nhiên.
Điều chị Khanh không lường trước được là, trong thời gian ly thân, chị đã rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi phòng bên kia anh chồng rước nhân tình về hú hí, cố tình trêu tức người vợ trẻ đang chăn đơn gối chiếc. Nhiều đêm mẹ con chị đã phải bước như mộng du ra khỏi nhà giữa đêm vì không thể chịu đựng những “tiếng động lạ” đầy khiêu khích phát ra từ phòng đối phương.
Rồi đến lượt chị Khanh cũng có bồ để trả thù đời cho hả giận. Chỉ tội nghiệp đứa con, cháu chưa hiểu thế nào là thảm kịch bố mẹ “ly thân” nhưng mỗi lần nhà “có khách” là cháu lại phải dạt ra ban công "lánh nạn", có khi ngồi thu lu ở hành lang rồi ngủ gục lúc nào không hay…
Thảm cảnh bị cưỡng bức sex
Cuộc hôn nhân đầu lỡ dở khiến chị Hoàng Ngân (38 tuổi, doanh nhân) phải làm mẹ đơn thân khi mới 26 tuổi. Hơn chục năm sau, khi con gái đã lên 10, do bạn bè mai mối, gia đình động viên thuyết phục mãi chị Ngân mới lên xe hoa lần 2 với một doanh nhân cùng cảnh ngộ “rổ rá cạp lại”.
Rút kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân cũ, lại như con chim sợ cả cành cong nên trong cuộc sống chung lần này chị Ngân hết sức nhịn nhục, chịu đựng chồng. Thế mà tổ ấm mới của chị vẫn không được bình yên. Anh chồng bản tính gia trưởng, cục cằn, lại rất hay ghen, đến mức bệnh hoạn. Mỗi lần ghen, hoặc gặp chuyện không vừa lòng là anh ta lôi vợ lên giường ngủ và hành hạ vợ… bằng sex!
Khi mọi chuyện đã quá trầm trọng, chị Ngân thỏa thuận với chồng giải pháp ly thân vì sợ bị mang tiếng bỏ chồng lần thứ hai. Có điều, dù vợ chồng đã sống ly thân, không còn chút tình cảm nào với nhau nhưng chị Ngân vẫn là đối tác thường xuyên để chồng tìm đến giải tỏa khi có nhu cầu về sex. Nếu chị Ngân từ chối hoặc kháng cự thì sẽ bị anh ta cưỡng bức phục vụ với lý do: “Trên danh nghĩa cô vẫn đang là vợ tôi.. Tôi thách cô đi tố cáo chồng về chuyện ấy đấy, xem có ai giải quyết không?”.
Cặp bồ khi ly thân: Vi phạm đạo đức và pháp luật!
Luật gia Trần Thanh Hương (Hội Luật gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay tình trạng vợ/chồng cặp bồ, ngoại tình trong thời gian ly thân khá phổ biến. Thậm chí, nhiều người vợ hoặc chồng có suy nghĩ đơn giản rằng anh/cô đã “bỏ lửng” tôi khi tôi đang còn trẻ trung phơi phới, hừng hực sức xuân thế này thì tôi có quyền tìm người khác sẻ chia, tâm sự, tìm hạnh phúc mới cho mình chứ! Những khao khát có vẻ như rất chính đáng đó, rất tiếc pháp luật và đạo đức xã hội lại không cho phép.
Bà Hương phân tích, khi hai vợ chồng chưa tiến hành ly hôn hoặc khi bản án ly hôn của tòa án chưa có hiệu lực pháp luật, thì xét về mặt pháp lý giữa họ vẫn đang tồn tại quan hệ vợ chồng. Và đương nhiên, quan hệ hôn nhân đó vẫn đang được pháp luật bảo vệ. Nếu người vợ/chồng có hành vi cặp bồ với người khác thì dù đối phương có chấp nhận cũng vẫn bị coi là quan hệ ngoài luồng, ngoại tình. Hành vi đó vẫn coi là có dấu hiệu vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, đạo đức và pháp luật không cho phép.
Thực tiễn đã từng xảy ra những câu chuyện vụ án dù hai người vợ và chồng thực sự không còn tình cảm, họ ly thân đã lâu nhưng người vợ hoặc chồng vẫn ghen tuông lồng lộn, quyết chặn đứng con đường tình của đối tác theo kiểu “không ăn được thì đạp đổ”.
“Trong những vụ án đó, xét về mặt pháp luật thì hành vi đánh ghen của người vợ hoặc chồng vẫn được xem như “bảo vệ hạnh phúc gia đình”, nạn nhân sẽ bị coi là người có một phần lỗi. Dù thực tế, có những vụ vợ chồng họ đã ly thân cả chục năm, chẳng còn chút tình cảm, tình nghĩa gì nữa- tức là hành vi “bảo vệ hạnh phúc gia đình” kia thực chất chỉ là sự ngụy biện mà thôi.
Tôi cho rằng đây cũng là “khoảng trống pháp lý” khi mà pháp luật lại đứng về phía ảo ảnh của hạnh phúc, bảo vệ cuộc hôn nhân mà thực chất từ lâu nó đã không tồn tại”, bà Hương nêu quan điểm.
• Thành Nam