“Thị tẩm”
Sau khi được tuyển chọn vào cung, các cung nữ được phân chia để hầu hạ Hoàng đế, Hoàng hậu, phi tần, các công chúa, hoàng tử. Số lượng cung nữ được phân phối tuỳ theo danh phận, đẳng cấp.
Theo sách điển chế nhà Thanh, Hoàng đế Khang Hy quy định: Hoàng thái hậu được có 12 người cung nữ hầu hạ, Hoàng hậu: 10 người, Hoàng quý phi: 8 người, Quý phi: 8, Phi tần: 6, Quý nhân: 4, Thường tại: 3, Đáp ứng: 2 người. Theo chế độ phân phối này, các cung nữ của các bà hậu, phi, tần...chủ yếu là hầu hạ việc ăn mặc, ngủ nghỉ, đi lại.
Khi các bà được “thị tẩm”, Hoàng đế “lâm hạnh” thì các cung nữ cũng phải ở bên cạnh để phục dịch. Gọi là “thị tẩm”, tức là hầu hạ giấc ngủ cho hoàng đế, đó là con đường để các phi tần chiếm được sự sủng ái của vua.
Do số lượng phi tần quá đông, nên đã xảy nhiều chuyện đáng nói xung quanh việc Hoàng đế chọn người thị tẩm và các phi tần tranh sủng.
Tranh sủng
Hoàng đế Huyền Tông Lý Long Cơ nhà Đường chọn người thị tẩm bằng cách bắt các bà đội mũ làm bằng hoa tươi sau đó thả bướm ra, nếu bướm đậu lên đầu ai thì người đó được “lâm hạnh” đêm hôm đó.
Các Hoàng đế đời sau còn có các cách chọn khác như: ném tiền để các phi tần nhặt, thả đom đóm để họ đuổi bắt, ai may mắn nhặt được tiền, tóm được đom đóm thì có cơ hội được “đổi đời”.
Có ông còn có cách quái dị: Bắt các người đẹp đeo túi thơm bên mình để ông ta đi ngửi, thấy thích mùi hương nào thì chọn người đeo nó lên giường...
Do số lượng quá nhiều, nhìn chung các phi tần đều đành trông chờ may rủi, số phận. Tuy nhiên, cũng có những bà chủ động tìm mọi cách, kể cả giở thủ đoạn. Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm nổi tiếng háo sắc. Năm 273 sau Công nguyên, ông ta ra lệnh cấm các đám cưới trong thiên hạ để cho mình chọn người đẹp.
Cung nữ đời Hán |
Sau khi diệt Tôn Hạo nhà Đông Ngô, ông ta lại đưa tất 5 ngàn cung nữ trong cung nhà Ngô về, khiến số lượng người đẹp trong hậu cung lên tới cả vạn người. Để tiện “lâm hạnh”, Tư Mã Viêm ngồi xe do dê kéo chạy khắp hậu cung, dê dừng trước cửa nhà nào thì vào đó “lâm hạnh”.
Để tranh sủng, các phi tần tìm cách bày các món lá dê thích ăn trước cửa để nó dừng lại. Kế này sau được Phan Thục Phi đời vua Văn Đế nhà Nam Tống học theo, cho treo cành trúc non trước cửa, lại cho đổ nước muối là hai thứ dê rất thích ra sân trước. Dê kéo xe từ xa đã đánh hơi thấy mùi muối, nhìn thấy cành tre non nên cứ đến đó là dừng, không chịu đi tiếp.
Tống Văn Đế nói với Phan Thục Phi: “Dê còn bồi hồi vì ngươi, huống chi ta” rồi thường xuyên đến chỗ Thục Phi để qua đêm. Phan Thục Phi tất nhiên không bỏ lỡ cơ hội, trang điểm thật đẹp, học cách yêu chiều, Văn Đế rất hài lòng, sau trao cho nàng quyền cai quản cả hậu cung.
Thoát phận vươn lên
Khi mà các phi tần tìm mọi cách tranh giành ân sủng của hoàng đế, thì các cung nữ hầu hạ họ - những phụ nữ đang độ xuân cũng xao động lòng dục, cũng tranh nhau tìm mọi cách giành giật “ân sủng giường chiếu” từ Hoàng đế.
Vệ Tử Phu là cung nữ thời vua Hán Vũ Đế, vốn là một ca nữ trong phủ của công chúa Bình Dương, hát hay, múa giỏi, có ngón đàn điêu luyện. Thường thì Vệ Tử Phu chỉ hầu hạ công chúa, nhưng sau khi Hán Vũ Đế lên ngôi, công chúa Bình Dương thấy Hoàng hậu Trần A Kiều không có con trai bèn tuyển mộ ỹ nữ đưa vào phủ để chuẩn bị cho Hán Vũ Đế nạp làm phi.
Một hôm, Vũ Đế đi lễ miếu về ghé qua nhà em gái, Bình Dương cho các cô gái nọ trang điểm thật đẹp ra mắt, nhưng Vũ Đế không thích ai. Bình Dương bèn gọi các ca nữ ra hát múa hầu rượu.
Hán Vũ Đế rất thích Vệ Tử Phu. Bình Dương công chúa thấy Vũ Đế đã xiêu lòng trước Vệ Tử Phu bèn đưa nàng vào cung nhưng Trần Hoàng hậu ghen tức, đuổi xuống làm cung nữ thường, không cho bén mảng đến gần vua. Về sau mãi đến khi Hán Vũ Đế cho một số cung nữ ra khỏi cung, ông mới gặp lại được Vệ Tử Phu.
Hán Vũ Đế và Vệ Tử Phu trong phim |
Trước mặt Hoàng đế, người đẹp hai hàng lệ chứa chan, khóc xin cho mình về quê làm lại cuộc đời. Nhìn thấy nàng, Vũ Đế cảm thương, động lòng trắc ẩn, quyết định giữ nàng lại để “thị tẩm”. Nhờ tài sắc và kỹ năng phòng the đã học được, Vệ Tử Phu nhanh chóng được Vũ Đế sủng ái rồi dần được đưa lên ngai Hoàng hậu.
Lý Thần Phi của Hoàng đế Tống Chân Tông cũng vốn là cung nữ hầu hạ Chương Hiến Thái Hậu. Một lần, Tống Chân Tông đến thăm Thái hậu muốn rửa tay, lập tức cung nữ bê chậu nước để dâng hầu vua.
Chân Tông thấy nàng cung nữ da trắng như ngọc, đẹp như tiên nữ, bèn hỏi chuyện. Nàng thừa cơ kể với Hoàng đế mình đêm qua nằm mơ thấy một tiên ông từ trên trời bay xuống nói rằng cô sắp sinh con trai. Tống Chân Tông đang rầu lòng vì chưa có con trai kế vị, nghe nói thế thì rất mừng, lập tức ẵm nàng về “thị tẩm”.
Không ngờ ít lâu sau, nàng có thai, sinh một hoàng nam, liền được đưa lên ngôi phi, trở thành Lý Thần Phi.
Kiều Quý Phi và Vĩ Phi thời Hoàng đế Tống Huy Tông cũng vốn chỉ là hai nàng cung nữ hầu hạ Trịnh Hoàng hậu. Trong công việc hàng ngày, hai người rất thân thiết gắn bó nên kết làm chị em.
Họ hẹn ước “Tiên quý bất tương vong”, (ai được vua sủng ái thì không quên nâng đỡ người kia). Về sau, Kiều Thị được Tống Huy Tông sủng ái, trong một lần được vua lâm hạnh, giữa lúc má ấp tay kề đã thỏ thẻ tiến cử Vĩ Thị. Huy Tông cũng giành một đêm lâm hạnh Vĩ Thị, rồi hai nàng đều được sủng ái thoát kiếp cung nữ trở thành ái phi.
Có khi do sự hồ đồ của Hoàng đế và sự cố chấp của phi tần nên đã gây nên những sự nhầm lẫn trong chuyện lâm hạnh. Cũng có khi các cung nữ thông minh, láu cá đã nhanh nhạy chớp lấy cơ hội để “tráo lê bằng táo” thế chỗ phi tần trên long sàng của Hoàng đế.
Vua Hán Cảnh Đế một đêm cho vời Trình Cơ vào để lâm hạnh, nhưng không may đúng hôm đó Trình Cơ “bẩn mình” nên không hầu vua được, cung nữ Đường Nhi liền liều lĩnh tự mình vào thị tẩm.
Nàng trang điểm kỹ lưỡng rồi vào gặp Cảnh Đế khi nhà vua đã nửa tỉnh nửa say nên chả phân biệt được thật giả, cứ ngỡ Đường Nhi là Trình Cơ. Sau một đêm mây mưa mặn nồng, Đường Nhi mang thai. Thế là chỉ vì sự nhầm lẫn do say rượu của Hán Cảnh Đế mà Đường Nhi đã từ thân phận cung nữ leo lên hàng quý phi danh giá.
Tuy nhiên, để tranh giành chiếm được sự sủng ái của hoàng đế và một chỗ trong hậu cung, các cung nữ đã phải hứng chịu bao cay đắng, khổ đau. Họ vốn là những người chuyên hầu hạ người khác, để thoát khỏi cảnh bị chà đạp, họ cam lòng biến mình thành công cụ để truyền giống hoặc đồ chơi tình dục của vua chúa.
Thế nhưng, muốn trở thành công cụ truyền giống và đồ chơi của đế vương, họ cũng phải tìm mọi phương kế, tận dụng mọi cơ hội, nghĩ ra mọi cách để lấy lòng. Đó chính là sự tàn khốc của chế độ cung nữ trong xã hội phong kiến…/.