Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động trực tiếp, sâu rộng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, ngành Y tế tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 của ngành đáp ứng với từng cấp độ của dịch.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị các nguồn lực sẵn sàng cách ly, điều trị người mắc COVID-19 theo nguyên tắc “4 tại chỗ”. Các cơ sở y tế trong tỉnh đã tiếp nhận cách ly, điều trị khỏi cả 15 ca mắc COVID-19; hướng dẫn, kiểm soát các trường hợp cách ly theo quy định. Hiện nay, các cơ sở y tế cơ bản đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành hướng tới đó là đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đẩy mạnh tốt các phong trào thi đua trong toàn ngành; thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp.
Tất cả các đơn vị trong ngành đều thực hiện niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại các vị trí dễ nhìn và tập trung đông người qua lại, đồng thời phân công cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng 24/24h. Các đơn vị triển khai đa dạng các hoạt động hỗ trợ người bệnh, thực hiện khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”.
Toàn tỉnh có 17 đơn vị khám chữa bệnh gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định và 10 Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, đã tham gia kết nối khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh theo Đề án Khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế.
Y tế tuyến cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh việc xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế gắn với việc hoàn thành tiêu chí y tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 223 xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 98,67%; trong đó cả 9 huyện có 100% xã, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế.
Công tác xã hội hóa y tế có xu hướng phát triển tốt tại các cơ sở y tế công lập dưới các hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn mua trang thiết bị kỹ thuật cao; thành lập mới các phòng khám đa khoa tư nhân... góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Duy trì tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt trên 95%, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tỷ lệ người mắc và tử vong do các bệnh có vắc-xin phòng ngừa đã giảm rõ rệt. Trẻ em dưới 3 tuổi được uống vitamin A liều cao đạt tỷ lệ 98,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 10,14%; suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 12,8%.
Trong thời gian tới, với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế Nam Định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra, huy động cả cộng đồng chủ động, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.