Chiều nay (27/9), Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Tiếp cận thông tin (TCTT)”. Buổi tọa đàm nhằm cung cấp thông tin về tình hình thực thi TCTT và thảo luận những thuận lợi, khó khăn và giải pháp để thực thi tốt Luật này.
Tọa đàm đã nghe công bố nghiên cứu “Đánh giá việc thực thi Luật TCTT” (lần thứ ba) dựa trên khảo sát với hơn 324 cơ quan nhà nước trên toàn quốc và nghiên cứu sâu hơn ở hai tỉnh gồm Quảng Bình và Sơn La.
Theo đó, đánh giá lần thứ ba (năm 2021) cho thấy một số thay đổi tích cực từ phía các cơ quan nhà nước trong việc triển khai Luật này trên ba khía cạnh: Công khai quy chế, đầu mối cung cấp thông tin và thiết lập chuyên mục TCTT, danh sách thông tin phải công khai; Cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân; và Xây dựng báo cáo triển khai thực thi TCTT.
Tuy nhiên, trong số 324 cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước được rà soát, nhóm nghiên cứu chưa tìm thấy đầu mối cung cấp thông tin và chuyên mục tiếp cận thông tin của 82,4% cơ quan, chưa tìm thấy danh mục thông tin phải công khai của 91,3% cơ quan; và đặc biệt, chưa tìm thấy danh mục thông tin cung cấp có điều kiện của 100% cơ quan.
Hay về cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, trong số 315 cơ quan nhà nước được gửi thư yêu cầu cung cấp thông tin, chỉ 27,9% cơ quan cung cấp thông tin; 5,7% số cơ quan từ chối cung cấp thông tin; 7,9% số cơ quan thể hiện chưa nắm được quyền yêu cầu cung cấp thông tin của công dân khi tương tác với các thành viên của Nhóm nghiên cứu.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một số mô hình tốt, tích cực trong thực thi Luật như Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Văn phòng Chính phủ, chuyên mục của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bắc Ninh, và UBND xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Danh mục thông tin phải công khai trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Bắc Ninh còn được thể hiện dưới các hình thức văn bản phù hợp với cả người cao tuổi và người khuyết tật.
Để tiếp tục thực thi hiệu quả Luật TCTT, Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị tới các cơ quan nhà nước ở lần đánh giá thứ ba. Trong đó, Nhóm đặc biệt nhấn mạnh việc các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng triển khai thiết lập và duy trì chuyên mục TCTT, danh mục thông tin phải công khai và thông tin cung cấp có điều kiện để thực hiện công khai thông tin một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác. Đồng thời, nhanh chóng phân công đầu mối cung cấp thông tin và công khai quy chế cung cấp thông tin theo tin thần của Luật TCTT.
Bà Nguyễn Kim Thoa - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự và hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng: “Cần lập, duy trì và cập nhật danh mục thông tin phải được công khai và thông tin cung cấp có điều kiện cho công dân để giảm nhẹ gánh nặng cho các cơ quan nhà nước khi phải giải quyết các yêu cầu cung cấp thông tin của công dân và các nhà báo”.