Trên bước đường mưu sinh nhiều lo toan vất vả, tấm bằng đại học giống như một tấm vé thông hành giúp hành trình công danh của mỗi người đỡ gập ghềnh hơn. Vì lẽ này, nhiều người tìm mọi cách để có được tấm bằng đại học dù mình chưa từng trải qua một ngày nào ngồi trên ghế giảng đường. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều đường dây buôn bán bằng cấp đã được hình thành. Phóng viên Báo PLVN online đã đóng vai người đi mua bằng để tìm hiểu về cái thế giới gian xảo ấy.
Kỳ 1: Săn “cò”
“Cò” xưng: “Tôi là nhà giáo”
Vào trang web Google, gõ từ khóa: “Cần mua bằng đại học” rồi nhấn Enter sẽ cho ra gần 15.000 kết quả.Điều này cho thấy nhu cầu sở hữu bằng đại học mà không học không phải là chuyện hiếm trong xã hội hiện nay. Tiếp tục tìm kiếm trên internet bằng cụm từ “Làm bằng đại học”, kết quả có hơn 36.000 địa chỉ hiện ra.
“Nhắm mắt” để chọn bừa một mối rao trong đó, phóng viên liền liên lạc với số máy 0933.734.510. Sau khi biết được “đơn đặt hàng” của phóng viên là một tấm bằng đại học ngành Kinh tế thuộc một khối trường kinh tế danh giá, “cò” dùng số 0933.734.510 lập tức quảng cáo: “Anh yên tâm. Tôi có khả năng “chạy” được bằng đại học của các trường như Đại học Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Ngân Hàng và trường thuộc khối Đại học Quốc gia... Bằng của tôi bảo đảm không cơ quan nào phát hiện ra, kể cả công an vì bằng của tôi được làm trực tiếp trong trường, hồ sơ thủ tục cũng được hợp thức hóa trong trường hết!”.
“Sau khi làm xong bằng, trước khi nhận đủ tiền, tôi sẽ để anh dẫn tôi đến bất kỳ một văn phòng công chứng nào để công chứng tấm bằng đó ra làm nhiều bản khác nhau. Tôi cũng sẽ có thêm cho anh bảng điểm với kết quả các môn từ loại khá trở lên” - “Cò” tiếp tục quảng cáo qua điện thoại. Khi phóng viên hỏi tên tuổi thì “cò” tảng lờ và nói tránh đi: “Anh yên tâm! Tôi là một nhà giáo!”.
Sau màn “tiếp thị”, vị “cò” này đi ngay đến chủ đề làm giá. Theo đó, để sở hữu tấm bằng đại học này, phóng viên phải chi “đẹp” 10 triệu. Trước khi nhận tấm bằng “có thể công chứng ở bất kỳ văn phòng công chứng nào”, phóng viên phải đặt cọc trước 5 triệu.
Khi “cò” tự ái
Để xem “cò” diễn trò, chiều 9/7/2010, phóng viên y hẹn ra trước cổng Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh (268 Lý Thường Kiệt, quận 10, TP.Hồ Chí Minh) để làm “thủ tục” đặt tiền cọc cho “cò”. Giải thích về việc chọn địa điểm hẹn trước cổng trường đại học danh tiếng này, “cò” giải thích: “Chiều nay, tôi bận làm công tác tuyển sinh tại đây”.
“Cò” Hùng tự nhận mình có khả năng làm ra tấm bằng đại học có thể đem công chứng ở bất kỳ đâu. |
Khi gặp phóng viên, “cò” mới giới thiệu mình tên Hùng, là giáo viên dạy một trường cấp 3 danh tiếng tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi trường nào thì Hùng không nói.
Hùng tỏ ra rất sốt sắng khi đòi xem hồ sơ làm bằng của phóng viên. Nhận tập hồ sơ, “cò” Hùng lật giở, xem xét rất kỹ lưỡng rồi tỏ ra tâm đắc và hứa chắc chắn làm được. Sau đó, Hùng liền chuyển sang nói chuyện... tiền đặt cọc.
Phóng viên đưa ra điều kiện ràng buộc rất rõ ràng: Phải biết rõ người nhận tiền là ai thông qua các giấy tờ tùy thân như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ nghề nghiệp...
Trước những yêu cầu này, Hùng tỏ ra bối rối và thoái thác bằng nhiều cách. Theo Hùng, chứng minh thư hắn đang để cho một chị ngoài miền Bắc cầm, bằng lái xe thì mất... Tuy nhiên, khi phóng viên vặn hỏi: Những giấy tờ tuỳ thân là điều tối cần thiết với một người làm công tác tuyển sinh thì Hùng vùng vằng đứng dậy.
“Cò” tuyên bố: “Tôi là một nhà giáo. Tôi có sự tự trọng của một người làm giáo viên. Giờ tôi quyết định rồi. Anh có đưa tôi cả trăm triệu tôi cũng không làm!”. Dứt câu, Hùng bỏ đi!
Phóng sự điều tra của BÙI THỌ PHƯỚC (Còn tiếp)