10 năm Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu

Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu dâng hương tại Đền Hùng. (Ảnh: Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu)
Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu dâng hương tại Đền Hùng. (Ảnh: Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày Giỗ Tổ được tổ chức vào 10/3 (Âm lịch) từ lâu đã là quốc lễ của dân tộc, được người dân Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S thân yêu và khắp nơi trên thế giới mong chờ. Nhằm thắp lên nghĩa đồng bào trên khắp muôn nơi, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã được tổ chức từ năm 2015 đến nay.

Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu

Đi dọc khắp mảnh đất hình chữ S đâu đâu cũng có thể thấy những đình, đền thờ thần, thờ các anh hùng có công lao với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy người Việt Nam có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống ấy được lưu truyền từ bao đời nay.

Một trong những truyền thuyết quan trọng của dân tộc Việt Nam chính là sự tích Vua Hùng. Đây cũng là nguồn gốc của ngày quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày lễ có ý nghĩa và giá trị vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong ngày này, Nhân dân cả nước cùng hoà chung không khí tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân dựng xây, bảo vệ non sông.

Quốc lễ cũng tạo nguồn cảm hứng và tăng sự gắn kết mọi người dân Việt Nam khắp năm châu quây quần bên gia đình, họ hàng và cùng tôn vinh các giá trị truyền thống. “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba”, câu ca dao quen thuộc dường như vẫn luôn in dấu trong tiềm thức của người dân Việt Nam từ ngàn năm để dù trong nước hay nước ngoài, dù miền ngược hay miền xuôi, đồng bào cả nước đều luôn luôn ghi nhớ ngày 10/3 (Âm lịch).

Nhằm tạo dựng một ngày văn hóa chung cho mỗi con Lạc, cháu Hồng dù ở xa Tổ quốc vẫn có thể tri ân công đức tổ tiên, thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời kết nối người Việt trên toàn cầu, xây dựng cây cầu văn hóa, hữu nghị vững chắc giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã được khởi xướng từ năm 2015. Dự án là sáng kiến của một số nhà khoa học, trí thức, lãnh đạo hội đoàn cộng đồng kiều bào của 7 quốc gia nhân dịp về tham dự “Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX” tại Hà Nội.

Hơn 200 kiều bào Malaysia thành kính hướng về cội nguồn, tiên tổ. (Ảnh: baovanhoa.vn)

Hơn 200 kiều bào Malaysia thành kính hướng về cội nguồn, tiên tổ. (Ảnh: baovanhoa.vn)

Trải qua 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã phối hợp với các hội đoàn, cộng đồng bà con kiều bào các nước, các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam, chính quyền các nước sở tại và bạn bè quốc tế đã: Tổ chức lễ an vị tượng Vua Hùng ở hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; Tổ chức trực tiếp và trực tuyến lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu, kết nối các đại biểu trí thức kiều bào và bạn bè quốc tế từ gần 50 quốc gia trên cả năm châu lục (hàng năm) (xem thêm thông tin về dự án phía dưới).

Đặc biệt, năm 2018, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ bằng văn bản, để tiếp tục triển khai Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu ở các nước có đông đảo bà con kiều bào sinh sống và triển khai thành đề tài khoa học cấp quốc gia. Từ năm 2019 đến nay, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã được ICI International (tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu liên văn hoá và khoa học của Austria) hỗ trợ tư cách pháp nhân quốc tế để thực hiện việc tiếp tục lan toả văn hoá Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam ra thế giới.

Các hoạt động đặc sắc, thấm nhuần giá trị truyền thống

Nhân dịp 10 năm Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, năm nay, Ban dự án tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến: Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - lễ Giỗ Tổ & Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024, với chủ đề Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên.

Trước đó, trong không khí linh thiêng, nô nức của tháng 3 Âm lịch, đại diện Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu cùng kiều bào Việt Nam sinh sống tại các nước trên thế giới đã có chuyến hành hương về miền đất Tổ, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Chia sẻ với truyền thông, TS. Nguyễn Thị Bích Yến, Đại diện tạp chí WAJ tại Liên hợp quốc - Vienna, Chủ nhiệm dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu cho biết: “Trở về quê hương để dâng nén hương lên tổ tiên cũng như thay mặt cho bà con kiều bào, các nhà trí thức của Ban dự án trên gần 50 quốc gia để xin với tổ tiên rằng chúng con sẽ đi Giỗ Tổ vào 10/3 tại các nước. Đây là truyền thống của Ban dự án trong vòng gần một thập kỷ qua, chúng tôi đã bền bỉ cùng nhau để đưa tín ngưỡng Vua Hùng ra thế giới”.

Tiếp nối thành công trong 9 năm tổ chức, các hoạt động đặc sắc, thấm nhuần giá trị truyền thống tiếp tục được diễn ra góp phần tạo nên một chương trình ấn tượng và đa dạng với các nội dung như: tổ chức trọng điểm chương trình năm 2024 và thắp hương dâng lễ Giỗ Tổ ở các nước Ban dự án đã an vị tượng Vua Hùng; triển lãm ảnh Happy Vietnam tại Liên bang Nga; công chiếu nhạc phẩm Bài ca Hoà bình; giới thiệu Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tại Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng tại Paris (3/2024); tại Ba Lan (4/2024); tại Rome, Italy (4/2024).

Trong khuôn khổ Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, ngày 13/4 cộng đồng người Việt tại thành phố Saint Petersburg (Nga) đã tổ chức lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng. Đến với lễ Giỗ Tổ được tổ chức trang trọng tại hội trường Trường Đại học quốc gia Saint Petersburg có hơn 200 người Việt, gồm sinh viên và học viên các trường trong thành phố và khá đông đại diện cộng đồng người Việt.

Đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thành kính dâng hương tri ân các Vua Hùng. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thành kính dâng hương tri ân các Vua Hùng. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện kiều bào đang sinh sống và học tập tại Liên bang Nga chia sẻ: “Cùng với đồng bào trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn thành tâm hướng về cội nguồn, bởi vậy việc tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương toàn cầu để cho bà con hướng về cội nguồn dân tộc là hết sức cần thiết, có ý nghĩa cho ngày hội đại đoàn kết dân tộc và vinh danh giá trị Việt. Đối với tôi, một người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Liên bang Nga, bản thân tôi thấy hình thức nào dù là trực tiếp hay trực tuyến đều có thể kết nối tinh thần đoàn kết dân tộc, kết nối những người Việt Nam xa xứ với những người Việt Nam trong nước và chúng ta cùng hướng về một điểm chung là người con của đất nước Việt Nam”.

Tại đây, bà con kiều bào còn biểu diễn làn điệu chèo tự sáng tác về Vua Hùng. Giữa nơi đất khách quê người, tiếng hát chèo trong trẻo, thánh thót vẫn vang lên mang một dấu ấn văn hóa đậm chất Việt Nam, kết nối và gợi nhớ những ký ức sâu sắc về quê hương trong lòng mỗi người con xa xứ. Tiếng hát chèo như làn gió nhẹ ru ngọt ngào nơi đất mẹ Âu Cơ mang đến cho kiều bào cảm giác bình yên và ấm áp, như một sợi dây liên kết vô hình giữa quê hương và nơi phương xa.

Cùng ngày, tại Kuala Lumpur, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam đã tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi lễ truyền thống. Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau thưởng thức các tiết mục văn nghệ do thành viên của Hiệp hội hữu nghị biểu diễn và cùng thưởng thức bữa cơm thân mật với những món ăn đậm vị quê hương, tạo ra khoảnh khắc đáng nhớ và gắn kết hơn.

Hòa trong không khí thành kính hướng về quê hương, đất nước, ngày 18/4, Tổng hội Người Việt Nam tại Lào đã phối hợp với Hội Người Việt Nam Thủ đô Vientiane trang trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2024. Trong không khí linh thiêng, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Lào đã thực hiện nghi thức tế lễ, dâng hương và tri ân các Vua Hùng.

10 năm tổ chức dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, cũng là 10 năm thắp lên nghĩa đồng bào, thắp lên ngọn lửa lạc hồng - thắp lên lòng biết ơn tổ tiên, nguồn cội - đó là Quốc hiếu của người Việt! Sự kiện văn hóa ấy không chỉ mang ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, mà còn đối với bạn bè quốc tế đam mê và yêu mến Việt Nam. Là cơ hội để cộng đồng người Việt gắn kết, tôn vinh nền văn hóa của mình, mà còn là dịp để các quốc gia khác hiểu và đánh giá cao về đất nước và con người Việt Nam. Từ đó xây dựng nên những cầu nối văn hoá vững chắc, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hoà bình giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Đọc thêm

Đưa công tác gia đình đi vào chiều sâu, hiệu quả

Giá trị của gia đình được xác định là một trong 4 giá trị quan trọng cần được ưu tiên để xây dựng trong tình hình mới. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hội LHPNVN)
(PLVN) - Thực tiễn cho thấy, một trong những mấu chốt của việc chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác gia đình nói chung, xây dựng hệ giá trị gia đình nói riêng phụ thuộc rất lớn vào vai trò người đứng đầu ở các tỉnh, thành, địa phương. Bài học kinh nghiệm chính là nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó phong trào xây dựng gia đình phát triển và mang lại kết quả tốt.

Ghi nhận 1 ca tử vong, TP HCM cảnh báo dịch sốt xuất huyết

Ảnh minh họa
(PLVN) - Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết tại TP HCM giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên từ tuần 37 đến nay số ca mắc có xu hướng tăng liên tục hàng tuần và đã có 1 trường hợp tử vong. Ngành y tế TP HCM cảnh báo nguy cơ ca bệnh sốt xuất huyết vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Chương Mỹ (Hà Nội): Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân

Quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Chương Mỹ đã làm thay đổi diện mạo các xã.
(PLVN) -  Với tầm nhìn hiện đại hóa nông thôn, huyện Chương Mỹ đang triển khai mạnh mẽ các chương trình xây dựng nông thôn mới, kết hợp tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao đời sống người dân. Qua các mô hình kinh tế hiệu quả và đầu tư cơ sở hạ tầng, Chương Mỹ không chỉ đổi mới diện mạo nông thôn mà còn mở rộng cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng, hướng tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu vào năm 2030.

'Vẽ' cờ Tổ quốc từ những tấm giấy đỏ đặc biệt

Lá cờ Tổ quốc hình thành từ quá trình tích cực tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo gần 20 năm qua của Thiếu tá Phạm Văn Hiếu. (Ảnh: Văn Hiếu)
(PLVN) - Không cần dùng đến bút vẽ hay màu vẽ, nhiều gương mặt tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện đã tạo nên bức tranh lá cờ Tổ quốc đỏ tươi, lấp lánh từ chính những tấm giấy chứng nhận hiến máu của mình. Những lá cờ được tạo thành từ những tấm giấy đỏ đặc biệt không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng mà còn lan tỏa thông điệp sâu sắc về tinh thần đoàn kết và trách nhiệm với cộng đồng.

Thực hiện bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số

Buổi truyền thông về bình đẳng giới góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 8 tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang. (Ảnh: Hội LHPN tỉnh Hà Giang)
(PLVN) - Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền và tăng cường vai trò đóng góp của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, nổi bật trong số đó là việc thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

'Yêu mới ghen' hay bạo lực giới - góc nhìn từ cơ quan giám định pháp y

Hình minh họa
(PLVN) - Nhiều người vẫn quan niệm “yêu mới ghen” để từ đó dẫn đến các hành động sai lầm trong ứng xử, thậm chí là vi phạm pháp luật vì “cuồng yêu, cuồng ghen”. Nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, nhiều câu chuyện “tận mục sở thị” ở Trung tâm Pháp y Hà Nội đã để lại những vấn đề đáng để suy ngẫm…

Vì sao cứ phải 'trai xanh, gái hồng'?

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Afamily)
(PLVN) - Xã hội chúng ta vẫn đã và đang mặc định rằng, màu hồng (hay những màu sắc rực rỡ) là dành cho con gái, còn màu xanh (hay những gam màu lạnh) là dành cho con trai. Trong khi đó, theo các nghiên cứu, việc xóa bỏ định kiến giới trong màu sắc quần áo, đồ chơi không chỉ giúp trẻ phát triển cân bằng mà còn đóng góp vào việc thay đổi nhận thức xã hội về vai trò giới tính, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống. Hiện nay, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang nỗ lực xóa bỏ định kiến giới trong màu sắc quần áo, đồ chơi trẻ em.

Trở thành một phụ nữ đúng nghĩa

Ảnh minh họa. (Nguồn: TCNDN)
(PLVN) - Trong xã hội Việt Nam hiện nay dường như đã có sự chia phe của hai kiểu mẫu phụ nữ: kiểu mẫu “người mẹ” và kiểu mẫu “người tình”. Hai phe này thậm chí còn luôn chê trách, dè bỉu lối sống của nhau. Cách phân chia như vậy hình thành từ rất lâu đời, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới. Việc phân chia này là không tự nhiên và đến từ sự phân công lao động trong xã hội phụ hệ.

Pháp luật - Nền tảng thúc đẩy văn hóa bình đẳng giới

Các chính sách và chương trình như Đề án 1898 đã giúp nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực xã hội. (Ảnh: dangcongsan.vn)
(PLVN) - Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, pháp luật đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng văn hóa ứng xử về bình đẳng giới, hướng tới thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách giới trong xã hội.