Nỗi khổ kéo dài…
Chồng mất sớm, 10 năm qua chị Đoàn Thị Huệ (SN 1973), ở thôn Đâu Kênh (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ) phải bươn chải đủ nghề mưu sinh kiếm tiền ăn học cho 4 con và người mẹ chồng già yếu.
Tôi tìm đến nhà chị Huệ, ngôi nhà xập xệ cuối thôn hiện ra trước mắt tôi, đó cũng chính là nơi ươm mầm cho những con chữ để thoát đi cảnh nghèo khó hiện tại.
Bắt gặp chị Huệ trong bộ áo mưa cũ kĩ, khi chị đang đứng trên nóc nhà che lại mái tôn, công việc ấy có lẽ chỉ giành cho những người đàn ông. Cũng đã 10 năm qua, trách nhiệm gánh vác làm một người cha cũng như người mẹ một mình chị quán xuyến.
|
Ngôi nhà chị Huệ nơi ươm mầm con chữ cho các con |
Cả căn nhà chị vật giá trị nhất có lẽ là chiếc tivi đen trắng. Gặp chúng tôi, chị vội rót ly nước ngồi kể chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình, chị nghẹn ngào: “Cách đây 10 năm chồng tôi mất vì mắc bệnh hiểm nghèo khi đứa con út vừa tròn 8 tuổi.
Chồng mất tôi phải một mình nuôi 4 đứa con thơ dại cùng người mẹ già quanh năm đau ốm, nhiều đêm không ngủ được ngồi nhìn các con mà không cầm được nước mắt. Hồi chồng còn sống, gia cảnh đã vất vả huống hồ bây giờ chồng mất. Một mình làm sao nuôi nổi các con với mẹ già đây..”
Thế rồi, để có tiền trang trải cho gia đình, chị Huệ phải cố gắng hết sức đi bốc vác gỗ thuê cho một xưởng cưa cách nhà khoảng 2 km với mức tiền công 100 nghìn đồng/ngày... Ngoài ra, chị trồng lúa trên 1 sào ruộng của gia đình.
Làm được một thời gian thì chị bị mắc căn bệnh gai cột sống cổ với những cơn đau hành hạ thường xuyên khiến chị không thể trụ nổi với nghề bốc vác nặng nhọc. Chị đành phải chuyển sang làm những công việc nhẹ hơn như làm cỏ, gặt lúa thuê...với thu nhập bấp bênh.
Chị Huệ ngậm ngùi: “Năm ngoái đi khám ở bệnh viện, bác sĩ bảo tôi bị gai cột sống cổ phải phẫu thuật mới khỏi. Chú xem, gia đình tôi đến bữa cơm còn độn khoai, độn sắn thì lấy đâu ra tiền để đi chữa trị. Mấy tháng nay, tôi phải cố gắng hết sức làm thuê, làm mướn dành dụm tiền với ý định mua cho cháu út chiếc xe đạp cũ để đi học, vì trường của cháu học ở xa nhưng cũng không mua nổi. Thương con nhưng đành phải chịu...”.
Suốt thời gian nói chuyện, không lúc nào chị ngừng hỏi tôi câu hỏi quen thuộc: “Chú đi nhiều có thấy gia đình ai khổ giống nhà chị không ”.
Căn bếp lạnh tênh, khi cơn mưa nặng hạt kéo đến, những mảnh tôn củ kĩ không che nổi những giọt nước thấm xuống ngôi nhà ướt đẫm, ở nhà nhưng chị Huệ vẫn mang áo mưa. Cháu Võ Văn An, cậu con trai thứ 2 của chị bộc bạch: “Mùa mưa là vậy đó chú, để có bữa cơm cho mấy chị em mẹ phải che mưa để nấu ăn. Có nhà bếp cũng như không, mùa bão đến gần không biết ngôi nhà này sập lúc nào không hay..”
|
Chị Huệ chuẩn bị cơm tối cho các con bên căn bếp đẫm nước mưa |
Cháu không muốn nghỉ học….
Chị Huệ có 4 người con. Hiện tại cô con gái lớn đang học lớp 12 trường THPT Quảng Trị, cháu út đang học lớp 3, lo cái ăn đã vất vả nhưng trang trải cho các cháu không phải là điều đơn giản, nhất là đối với một người phụ nữ mang trên mình căn bệnh gai cột sống và không có một công việc ổn định.
Tôi hỏi về điều mong muốn của Lan cô con gái lớn của chị, nếu có một ước muốn cháu muốn điều gì, cô bé không chần chờ suy nghĩ mà nói ngay: “Cháu muốn được đi học, cháu không muốn nghỉ học”. Tôi nghẹn đứng lại, thiết nghĩ điều đi học là cái đơn giản mà hiện tại mỗi gia đình ai cũng có thể làm cho con cái, sao ở vào hoàn cảnh của cháu lại khó đến vậy.
Gạt đi giọt nươc mắt, Lan chia sẻ tiếp câu chuyện: “Năm nào cũng vây, để có tiền giúp mẹ và duy trì việc học, cháu phải đi ở thuê, giữ em cho nhà khá giả vào những tháng hè, để kiếm tiền mua sách vở cho mình và em út… Rảnh rỗi thì mấy chị em giúp mẹ làm việc nhà để mẹ bớt khổ đi..”
Rướm nước mắt, chị Huệ nói: “Nhiều lúc chị cũng bế tắc lắm, cũng không biết mình có lo nổi cho các con không? Nhưng gạt nhanh cái suy nghĩ ấy để cố gắng thôi chú ơi, giờ chỉ biết cố gắng hết sức cho con thôi, chị cũng muốn các con chị không phải tủi..”
Bù lại vất vả, chị Huệ hạnh phúc hơn khi các con luôn biết nghe lời, chăm ngoan học giỏi. Đó chính là niềm động lực, cũng như niềm an ủi của một mảnh đời bất hạnh đang đè nặng trên đôi vai chị, để chị cố gắng bước tiếp trên đoạn đường nuôi con chữ cho các con của mình.
Bà Phan Thị Lành (60 tuổi), hàng xóm chị Huệ tiếp nối câu chuyên : “Con Huệ tội lắm chú ơi, hắn hiện tại vừa là cha cũng như làm mẹ mấy đứa nhỏ, hàng xóm ai cũng thương hết, tui cũng nể. Một mình mà nuôi 4 đứa con với người mẹ già đến hôm ni..”
Biết vất vả là thế, nhưng chị Huệ không bao giờ than vãn với con cái. Nuốt nước mắt vào trong chị luôn vui vẻ lạc quan để các con cố gắng. Bởi lẽ động lực hiện tại của các con đó chính là chị. Cuộc sống của chị và các con vơi bớt đi phần nào khi hàng xóm xung quanh vẫn luôn giúp đỡ khi mẹ con chị bế tắc, khi thì cho khoai sắn hay cho mượn tiền để đóng học phí cho các cháu…
Chia tay chị, cũng là lúc trời sập tối. Chứng kiến bữa cơm đạm bạc của gia đình chị, bên ngọn đèn yếu ớt của ngôi nhà xập xệ ấy, vẫn vang vọng những tiếng cười hồn nhiên của các cháu.
Dẫu biết rằng cuộc sống vẫn còn đó những nhọc nhằn, cười để vơi bớt đi khó khăn, để hướng đến một điều tốt hơn mà ít nhất đó chính là các cháu vẫn được tới lớp như bao bạn cùng trang lứa.