10 năm chịu tiếng oan của người vợ biệt động Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
Là vợ chính thức nhưng để tạo vỏ bọc cho chồng là chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động, bà Đặng Thị Thiệp chịu mang tiếng "gái trẻ giật chồng người" suốt 10 năm.

Bà Thiệp (tên thật là Đặng Thị Tuyết Mai) sinh năm 1944 trong một gia đình "cộng sản nòi". Cha của bà từng là trưởng ty công an tỉnh Quảng Ngãi. Năm bà 11 tuổi được cha dự định đưa ra Bắc tập kết nhưng đến vĩ tuyến 17, phần vì tàu quá đông, phần vì tin rằng hai năm sau sẽ tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà, bà và một số người họ hàng ở lại.

Chiến tranh ập đến, cô gái mới lớn Đặng Thị Thiệp phiêu dạt lên Đà Lạt, ban ngày học nghề đan len, ban đêm học chữ. Ít lâu sau, bà được đưa về chiến khu, dự kiến ra Bắc để đi học. Ở đó, bà gặp chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, bí danh Năm U.Som). Ông Lai xin cấp trên cho cô Thiệp về Sài Gòn học vì thuận tiện hơn là mạo hiểm vượt Trường Sơn ra miền bắc.

Năm 1965, bà Thiệp theo ông Lai về thành phố. Theo yêu cầu của tổ chức, ông phải tìm căn nhà thuận tiện cho việc đào hầm chứa vũ khí chuẩn bị cho một trận đánh lớn.

Đặng Thị Thiệp và người con trai đầu Trần Vũ Đông. Ảnh gia đình cung cấp.

Dưới vỏ bọc nhà thầu khoán giàu có, đảm nhiệm việc làm nội thất cho Dinh Độc Lập, ông Lai chở bà đi xem và mua rất nhiều nhà. Căn nhà số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (nay là đường Trần Quý Cáp, quận 3) là nơi được lựa chọn. Lần đầu nghe ông nói chuyện với chủ nhà, lấy lý do "mua nhà cho vợ bé" rồi chỉ vào mình, bà Thiệp giật mình nhưng không dám phản đối vì hiểu, ông cần bà đóng giả để hợp thức hoá chuyện mua nhà cũng như hỗ trợ hoạt động cách mạng. Hai người sống cùng nhau sẽ ít bị soi mói, ông dễ dàng đào hầm và vận chuyển vũ khí về cất giấu.

Mua nhà và đào hầm xong, hai người thay phiên nhau canh gác để bảo vệ căn cứ. Hơn hai năm, đêm đến ông bà hầu như không ngủ vì sợ bị theo dõi. Cùng hoạt động, đồng cam cộng khổ, tình cảm của bà Thiệp với người chiến sĩ biệt động dần nảy nở. Bà gọi đó là duyên nợ.

Tháng 5/1966, tổ chức chấp thuận cho ông Lai và bà Thiệp kết hôn và hoạt động đơn tuyến ở Sài Gòn.

Hai đứa con lần lượt ra đời. Để tiếp tục đóng vai vợ bé của nhà thầu khoán, trong giấy khai sinh của con, bà Thiệp đều để trống phần tên cha. Thậm chí khi con tập nói, bà cũng dạy con kêu ông Lai bằng bác.

Dù chính thức là vợ ông Trần Văn Lai, trong mắt hàng xóm bà là "con giúp việc dụ dỗ ông chủ" hay "gái trẻ giật chồng người". Hàng xóm xung quanh nhìn bà bằng con mắt khinh bỉ. Người ta dùng những từ tồi tệ nhất để chửi rủa, miệt thị bà. Nhiều lần bà bị những vợ sĩ quan lính Việt Nam Cộng hoà đánh chửi, giật mất tài sản với lý do "mày giựt chồng người ta được thì tao giựt đồ của mày được".

"Lúc đó tôi phải tự nhủ, làm bé là dưới mắt người đời thôi. Họ ghét là mình đang diễn tròn vai, chồng mình sẽ an toàn, cơ sở cách mạng sẽ được bảo vệ", bà Thiệp nói.

Anh Trần Vũ Bình (người con thứ ba) kể, có lần tức tối vì bị trẻ con hàng xóm chửi là con hoang, mẹ là vợ bé, mấy anh chị em định trả đũa thì bị bà Thiệp phát hiện, đánh "nát mông". "Sau này, tôi mới hiểu những lần đứng lặng ở góc nhà nhìn chị em chúng tôi tức tối, bà là người đau nhất. Bà chịu mọi thiệt thòi vì mục đích bảo vệ chồng con, bảo vệ bí mật kháng chiến", anh Bình tâm sự.

Ông Mai Hồng Quế, bà Đặng Thị Thiệp (cùng áo trắng) và đại diện Bộ tư lệnh Thành phố kiểm tra hầm chứa vũ khí trong căn nhà tại đường Võ Di Nguy, Tân Bình (nay là đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận), cuối năm 1967. Ảnh gia đình cung cấp.

Tối mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, biết sắp có cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập và Bộ Tổng tham mưu của địch, ông Lai bắt bà và các con nằm rạp dưới nền nhà, dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không được chạy ra ngoài, đề phòng đạn lạc. Khoảnh khắc nhìn ông Lai đánh hai chiếc xe ôtô chở đầy vũ khí đi, bà nghẹt thở vì biết rất có thể ông sẽ không bao giờ trở về.

Cả đêm không ngủ, đôi mắt bà Thiệp cứ ngóng mãi ra phía trước cửa nhà, hy vọng nghe được tiếng chồng mở cửa. Nhận được tin nhiều đồng đội của ông hy sinh, bà lật đật lên bàn thờ người vợ cũ của ông thắp nhang khấn vái. Bà tin, ở một nơi xa xôi nào đó, người phụ nữ quá cố ấy cũng đang cùng bà đợi ông về.

Ba ngày trôi qua, chủ tiệm tạp hoá gần nhà báo tin có người gọi điện, nhắn bà sang nghe. "Con có ốm không?", ông Lai ở đầu dây bên kia hỏi. "Con không ốm!", bà trả lời theo đúng quy ước của hai người. Con không ốm nghĩa là gia đình vẫn bình an, cơ sở chưa bị vỡ. Nhưng ông Lai vẫn bị lộ bởi hai chiếc xe ôtô ông hay đi bị phát hiện nằm ở hiện trường trận đánh Dinh Độc Lập. Ông bị truy nã nên phải lui vào hoạt động bí mật, tá túc ở nhà người quen, thỉnh thoảng mới tạt về nhà.

Trong một lần sang Campuchia để cố tìm cách kết nối lại với tổ chức, ông Lai bị ngã nước, thập tử nhất sinh. Bà Thiệp tìm thuốc, chạy chữa khắp nơi nhưng ông ngày một yếu dần. "Ổng dặn tôi mua cái bao đựng xác của lính Mỹ, lỡ ổng chết thì cho vào bao đưa xuống hầm rồi đổ đất lên, đợi ngày giải phóng thì báo với tổ chức", bà kể. Nhưng may mắn đã đến, bà được mách một thầy thuốc Nam nổi tiếng ở Chợ Lớn nên vét hết tiền bạc trong nhà, tìm đến mua cho ông 30 thang thuốc. Ông Lai được cứu sống.

Những năm tháng sau đó, bà phải tự mình kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng và tiếp tế cho chiến khu. Bất cứ khi nào đơn vị cần hỗ trợ tiền bạc, người phụ nữ ấy luôn thay chồng đem đến tận nơi.

Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên phó tư lệnh Bộ Chỉ huy quân khu Sài Gòn - Gia Định, kiêm tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn xác nhận: "Sau Mậu Thân, ông Trần Văn Lai phải hoạt động bí mật. Một tay bà Mai (tức bà Thiệp) làm lụng, gửi tiền, thuốc men ra cho chiến khu".

Năm 1970 và 1974, người chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai hai lần bị địch bắt giam ở Quảng Ngãi. Bà Thiệp gửi con cho hàng xóm, vay mượn, nhặt nhạnh từng đồng bạc để chuộc ông về. "Tôi tự nhủ mình phải mạnh mẽ không chỉ vì mình là mẹ, mà mình có thể phải gánh vác cả trách nhiệm của một người cha bất cứ lúc nào", bà nhớ lại.

Ngày 30/4/1975, trong dòng người hò reo mừng chiến thắng, bà Thiệp đứng lặng một góc, đôi mắt ầng ậc nước. "Lúc đó tôi chỉ muốn hét lên thật to: Tôi không phải vợ bé, tôi không giật chồng", bà kể. Với mọi người, niềm vui của ngày 30/4 là ngày kết thúc chiến tranh, là ngày thống nhất hay đoàn tụ nhưng với bà đó còn là ngày bà được cởi bỏ cái mác "vợ bé" sau gần 10 năm ròng hàm oan.

Cuộc sống sau năm 1975 vô cùng khó khăn, gánh nặng kinh tế đổ dồn trên đôi vai người vợ. Bà lao vào kiếm tiền, học người ta xay rau má bán, bán than, nuôi heo... miễn sao các con được đến trường học chữ.

Thời chiến, người phụ nữ hy sinh ước mơ đi học để cùng chồng phụng sự cách mạng. Lúc hoà bình, bà lại gác lại việc học để lo cho các con. Bà kể: "Giải phóng xong, tôi 31 tuổi, vẫn có thể xin đi học để thoả ước mơ ngày trẻ. Nhưng mình làm mẹ, chỉ nghĩ cho mình thì ai kiếm tiền để nuôi con. Tôi chọn để con được đến trường, có kiến thức, sau này giúp ích cho xã hội". Dưới sự gồng gánh của bà, 6 người con đều tốt nghiệp đại học và thành công trên nhiều lĩnh vực.

"Có một điều mẹ tôi dặn dò mãi, là cán bộ tuyệt đối không được lấy một đồng của nhân dân. Bà bảo, cuộc đời mẹ chỉ mong các con có được hai thứ là chữ nghĩa, hiểu biết và đạo đức trong sạch, điều mà mẹ và ba tôi dành cả cuộc đời để giữ gìn", anh Bình tâm sự.

Bà Đặng Thị Thiệp thắp hương chồng tại nhà riêng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, ngày 20/4/2022. Ảnh: Tuệ Minh.

Năm 2015, bà Thiệp từ chối làm giấy tờ để đề nghị phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. "Tôi và chồng cũng như các đồng đội ngày xưa chiến đấu vì mong muốn đất nước được thống nhất, không phải vì bất cứ danh hiệu nào cả. Tôi mãn nguyện khi các con cháu đều hiểu và trân quý sự hy sinh của cha ông. Vậy là đủ", bà Thiệp nói.

Chiều ngày cuối tháng 4, đốt nén nhang cắm lên bàn thờ chồng và người vợ đầu của ông, bà Thiệp đứng lặng hồi lâu, mắt đỏ hoe: "Chỉ những ai đã từng sống trong thời chiến mới hiểu được giá trị của hoà bình. Cái giá của hòa bình vô cùng đắt, phải đánh đổi bằng máu xương và khổ đau của rất nhiều người".

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.