Sạt nghiệp vì khiếu kiện
Theo bà Sáu, gia đình bà không hề nhận được quyết định thu hồi đất cũng như phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Ngoài ra mức giá áp đặt đền bù thấp hơn quy định bấy giờ: “Chỉ có cán bộ tới kiểm đếm tài sản, sau đó họ cũng không đưa lại biên bản cho chúng tôi xem. Còn huyện chỉ ban hành một thông báo chung thu hồi đất của nhiều hộ”, bà Sáu nói.
Không đồng tình với mức giá bồi thường cũng như quy trình thu hồi đất nên bà Sáu liên tục khiếu nại đến các cấp chính quyền. Ngày 22/10/2008, bà bị chủ tịch xã Thạch Hòa ra quyết định xử phạt hành chính 500 ngàn đồng vì không trả lại đất đúng thời hạn theo quyết định thu hồi, buộc tháo dỡ nhà cửa, chuyển đồ đạc ra khỏi đất quy hoạch.
Hơn hai tháng sau, phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thất ra quyết định thi hành quyết định xử phạt của chủ tịch xã Thạch Hòa. Đến ngày 24/2/2009, đoàn cưỡng chế của UBND huyện đã cưỡng chế hộ bà Sáu bàn giao mặt bằng. Toàn bộ đồ đạc gia đình người bị cưỡng chế được đưa về trụ sở HTX nông nghiệp bỏ hoang của xã.
Ngồi thẫn thờ trước hiên căn nhà cấp bốn xập xệ, bà kể vợ chồng ly hôn hơn 30 năm nay. Từng là giáo viên mầm non, nhà cửa khang trang nhưng cuộc sống gia đình bà Sáu đảo lộn từ ngày bị cưỡng chế thu hồi đất. Cũng vì vướng vào khiếu kiện, bà phải nghỉ dạy, bị cán bộ địa phương liệt vào thành phần “cá biệt” do thường xuyên gửi đơn tố cáo vượt cấp.
Dẫn khách dạo quanh một vòng nơi ở tạm, chủ nhà nói chính quyền địa phương “phân” cho nửa gian nhà kho của công trình hợp tác xã bỏ hoang để ở tạm cùng hai hộ dân khác, tổng cộng có 13 người.
Nhà kho hợp tác xã xây lâu nay xuống cấp thấm dột khắp nơi nên bà phải mua thêm bạt nilon về che, còn bếp nấu ăn dùng mấy tấm tôn cũ quây nên, bà lo lắng: “Chính quyền nói tôi ở tạm đây chờ sắp xếp đất tái định cư. Nhưng chỉ nói miệng chứ không có văn bản nào cả, chẳng biết đợi tới bao giờ”.
Cũng từ ngày vướng vào khiếu kiện, kinh tế gia đình bà Sáu dần sa sút. Con gái lấy chồng, con trai công tác xa nhà, thi thoảng cuối tuần mới về thăm nhà nên chỉ có một mình bà chèo chống. Đến khi cạn kiệt kinh tế, bà đẩy xe kéo bán trà đá dạo hai bên cao tốc kiếm tiền sống qua ngày.
Gian nhà kho bỏ hoang nơi bà Sáu ở tạm hơn chục năm nay. |
Bế tắc “tìm” đối tượng khởi kiện
Chuyện khiếu kiện của bà Sáu có lẽ đây là vụ khiếu kiện hành chính “oái oăm” bậc nhất Việt Nam. Đầu tiên bà khiếu nại rồi làm đơn khởi kiện chủ tịch xã Thạch Hòa ra tòa. Bà cho rằng lãnh đạo xã xử phạt 500 ngàn đồng vượt thẩm quyền, trái pháp luật. Sau đó chính quyền huyện “nương” theo hành vi này để ban hành quyết định cưỡng chế, gây thiệt hại cho gia đình bà. Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu bồi thường 1,2 tỷ đồng.
Tháng 8/2009, tòa án huyện Thạch Thất đưa vụ kiện ra xét xử. HĐXX thông báo trong quá trình tòa giải quyết vụ án, người bị kiện đã ra quyết định bãi bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Sáu ban hành trước đó.
Tòa án xét thấy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có căn cứ song đối tượng khởi kiện trong vụ án là quyết định hành chính không tồn tại nữa nên không có cơ sở xem xét.
Về yêu cầu bồi thường thiệt hại, tòa sơ thẩm nhận định các thiệt hại nguyên đơn kê khai không phải phát sinh trực tiếp từ quyết định xử phạt của chủ tịch xã mà nếu có thì phát sinh sau khi bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế của UBND huyện Thạch Thất nên cũng không chấp nhận. Bà Sáu kháng cáo.
Tháng 4/2010, tòa án TP Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm. Riêng yêu cầu bồi thường, tòa hướng dẫn khởi kiện ở vụ án dân sự khác.
Bà Sáu từ đó chuyển sang khởi kiện quyết định cưỡng chế của UBND huyện Thạch Thất đòi bồi thường thiệt hại. Tòa án Hà Nội khi tiếp nhận hồ sơ đã chuyển sang CQĐT vì có dấu hiệu phạm tội hình sự. Công an TP Hà Nội có thông báo trả lời công dân, nêu rõ hành vi ra quyết định xử phạt của chủ tịch xã Thạch Hòa có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ nhưng không có dấu hiệu vụ lợi hoặc động cơ cá nhân nên không cấu thành tội phạm.
Đối với phó chủ tịch huyện ban hành quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định của cấp dưới là chủ tịch xã, CQĐT kết luận lãnh đạo huyện thiếu trách nhiệm nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó CQĐT không khởi tố vụ án hình sự mà kiến nghị UBND huyện xử lý hai cán bộ trên.
Chờ mãi không thấy tòa án thụ lý hồ sơ, bà Sáu mò mẫm đến các tòa án hỏi han. Được một số người tư vấn trong sự việc của mình phải khởi kiện Quyết định số 174/QĐ-UBND ngày 23/1/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng mới đúng đối tượng.
Thế là ngày 15/7/2016 bà Sáu nộp đơn khởi kiện yêu cầu hủy một phần Quyết định 174, nhưng đúng 1 tháng sau tòa án Hà Nội trả lại đơn với lý do: Quyết định phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường chung cho cả dự án, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với hộ bà Sáu.
Đối với yêu cầu khởi kiện đề nghị xem xét “biên bản áp giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng”, tòa trả lời đây không phải quyết định hành chính của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nên không phải đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.
Không đồng tình với những trả lời trên, tháng 11/2016, bà Sáu tiếp tục nộp đơn khởi kiện Quyết định 174 lần hai. Tòa án TP Hà Nội ra công văn trả lại đơn khởi kiện với lý do yêu cầu khởi kiện này đã được tòa xem xét giải quyết trước đó nên không giải quyết lại lần nữa.
Nguyên đơn cho rằng các cơ quan tố tụng cố tình đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài vụ án nên đã làm đơn khiếu nại lên tòa án cấp cao tại Hà Nội: “Có tất cả 3 quyết định của các cấp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi, vậy mà kiện cái nào người ta cũng trả lời chưa đúng đối tượng”, bà Sáu nói.
Luật sư Trần Mạnh Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: Theo quy định khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng sẽ có phương án đền bù tổng thể và phương án cụ thể với từng hộ. Nếu cho rằng việc đền bù chưa thỏa đáng, vi phạm pháp luật thì bà Sáu bám vào quyết định phê duyệt dự án đền bù đối với gia đình mình để khởi kiện hành chính. Trường hợp không nhận được phương án riêng, bà Sáu có thể khởi kiện một phần của quyết định phê duyệt dự toán bồi thường chung.