“Rượu vào lời ra”
Phiên tòa “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về sức khỏe” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiến hành xét xử vào một sáng nắng chang chang. Nguyên đơn, bị đơn đều đã trên 40 tuổi, ngụ cùng xóm ở ngoại ô thành phố. Người đàn ông dáng xù xì, kham khổ. Người phụ nữ thì mặt mũi hốc hác. Cả hai đều toát lên vẻ nhọc nhằn, cơ cực.
Vụ việc xảy ra vào một buổi chiều cách đây đã hai năm. Hôm đó, nhà hàng xóm vừa đổ xong móng nền nhà, nên mời mọi người trong xóm đến uống ly rượu. Bị đơn và chồng nguyên đơn đều tham gia. Trong lúc uống rượu, bị đơn cho rằng vì bức xúc khi chồng nguyên đơn sỉ nhục mình là “kẻ bị vợ bỏ”, nên anh đã “trả miếng” bằng cách sỉ nhục anh này rằng vợ anh ta “lấy trai”. Chồng nguyên đơn nghe vậy thì tức tối, cầm điện thoại gọi vợ đến, để “ba mặt một lời”.
Nguyên đơn đang đi chùa ở gần nhà liền vội vã chạy về. Theo nguyên đơn, khi chị về đến ngang nhà bị đơn thì thấy bị đơn đang đuổi đánh chồng mình. Chị liền chạy vào can, nên cũng bị đánh. Bị đơn dùng tay liên tục đấm vào mặt chị khiến chị gãy ba cái răng cửa, mặt mày sưng húp, bầm tím, phải nằm viện điều trị nhiều ngày, với chi phí hơn 13 triệu đồng.
Di chứng từ việc bị gãy răng, ảnh hưởng đến dây thần kinh khiến tai chị điếc, trở trời cơ hàm đều đau nhức. Chưa kể, mặt mũi sưng húp, bầm tím khiến chị phải nghỉ việc ở nhà suốt hai tháng trời, mất thêm thu nhập hai tháng lương là 7,2 triệu đồng. Nguyên đơn yêu cầu phía bị đơn phải bồi thường chi phí thuốc men và tiền mất thu nhập, với tổng số tiền là 20 triệu đồng.
Tại phiên tòa, bị đơn thừa nhận mình là người có lỗi. Anh cho rằng tại hôm ấy trong người có bia rượu, nên trong khi nói qua nói lại, nhiều khi đã nói không đúng thực tế. “Tôi biết mình nói sai, nên mới bỏ về trước. Nhưng khi về đến gần nhà thì chồng nguyên đơn đuổi theo, rồi vợ anh ta cũng chạy đến. Cả hai vợ chồng rượt đánh tôi. Khi tôi xô ra thì chị ta ngã va vào tường rụng răng”, bị đơn nói.
Nguyên đơn tức tối chồm lên: “Mình ra trước tòa, có răng thì mình phải nói rứa. Để tòa còn phân xử. Anh suy nghĩ lại đi. Đừng có ăn gian nói dối”.
Tòa hỏi bị đơn: “Khi nguyên đơn nằm viện, anh có đến thăm không?”. “Có chớ. Tui đến thăm, đưa tiền bồi thường mà chị ta không lấy. Nói tui “cứ đợi mà đi tù đi”. Tui đi làm thợ hồ, tiền không có nhiều. Chị ta đòi cả chục triệu, tui xin đưa dần dần nhưng chị ta không đồng ý”. “Sau lần đó anh có đến nhà nguyên đơn nữa không?”, tòa hỏi. “Có chớ. Tới xin lỗi mà chị không chịu. Nói muốn đưa tôi đi tù thôi”.
Nguyên đơn nghe đến đây thì có vẻ tức đến đỏ mặt. Giọng chị ấm ức: “Tui nằm viện, anh ta có hề tới thăm mô, cũng không động viên, không cho tấm bánh. Lúc tôi xuất viện về nhà, anh ta uống say rồi tìm đến nhà tôi. Chồng tôi bảo nếu say rồi thì về đi, khi khác tỉnh rồi đến nói chuyện. Có phải anh uống say rồi đến nhà tôi định gây chuyện, để chồng tôi đánh anh, vậy là huề phải không?”, chị hỏi bị đơn.
So kè mặc cả
Tòa hỏi bị đơn, nguyên đơn yêu cầu bồi thường 20 triệu, anh có đồng ý không? Bị đơn giãy nảy, “Tôi chỉ chấp nhận bồi thường tiền 3 cái răng. Chứ chị ta thay nguyên cả hàm răng hô, sao bắt tui đền hết được. Tui chỉ chấp nhận bồi thường 5 triệu tiền viện phí. Tiền mất thu nhập, tui không đồng ý bồi thường”.
“Mình phá hình thức của người ta. Mà người ta có tội tình chi mô. Giờ tui còn phải ra viện vô viện vì đau, tai cũng bị điếc. Anh đòi bồi thường 5 triệu, anh cũng phải suy nghĩ cho tui chứ”, nguyên đơn nói.
“Tui chỉ bồi thường được ngang đó thôi. Thu nhập tui rất thấp. Ở nhà còn mẹ già, con dại. Tui đi phụ thợ hồ, lấy tiền mô bồi thường”, bị đơn giằng co. Nguyên đơn “méc” với tòa: “Anh ta là chủ thầu. Chồng tôi mới đi phụ thợ hồ, còn làm thuê cho anh ta. Nếu nói khó khăn, sao khó bằng nhà tui. Giờ đến tòa, anh ta than nghèo, chỉ giỏi “giả chết” thôi”.
“Tui không có nhiều tiền. Chị bớt xuống một ít đi”, bị đơn yêu cầu. “Tui cũng cực lắm. Hai vợ chồng đi làm thuê nuôi con. Tiền viện phí toàn bộ phải đi vay. Hai năm nay vẫn chưa trả được”, nguyên đơn nói rồi chỉ tay người phụ nữ ngồi bên cạnh: “Đây, bà này đứng ra vay tiền giùm tôi. Hôm nay ra tòa bả đi theo để lấy tiền đây. Giờ tui giảm 3 triệu tiền viện phí, chỉ lấy 10 triệu để trả nợ thôi. Tiền mất thu nhập tôi cũng không đòi nữa”. “10 triệu vẫn nhiều. Tôi chỉ đồng ý bồi thường 7 triệu thôi”, bị đơn mặc cả.
Vị hội thẩm khuyên bị đơn: “Chị đã rất thiện chí trong việc hòa giải, thì anh cũng phải có thiện chí. Chị cũng phải vay mượn tiền để trả viện phí. Mức 7 triệu mà anh đưa ra là quá thấp. Mình là hàng xóm của nhau, sau này còn ra vào gặp nhau. Chị đã giảm 3 triệu viện phí, giảm luôn 2 tháng mất thu nhập, anh còn cò kè”.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia tố tụng tại phiên tòa nói với bị đơn: “Anh đừng nghĩ nguyên đơn lợi dụng anh. Nếu anh bị gãy 3 cái răng cửa, anh có ra đường được không? Anh đừng nghĩ chị lợi dụng để thay răng. Răng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đến hệ thần kinh. Anh nói khó khăn, thì chị cũng khó khăn. Nhưng pháp luật quy định phải bồi thường thì anh phải thực hiện thôi”.
Tòa hỏi bị đơn: “Anh có đồng ý bồi thường 10 triệu như yêu cầu của nguyên đơn không?”. “Không”, bị đơn nói.
Nguyên đơn hỏi bị đơn: “Nếu 7 triệu, anh trả một lần để tui trả nợ được không?”. “Không. Phải cho tui trả 2 lần. Chứ nhà tui đào đâu ra một lúc 7 triệu”, mặt bị đơn như đưa đám.
Giờ tòa nghị án, cuối cùng cả bị đơn lẫn nguyên đơn đã thống nhất thỏa thuận, bị đơn sẽ bồi thường 7 triệu, chia làm hai lần. Vì thỏa thuận thành công, nên bị đơn chỉ phải trả 175 ngàn đồng tiền án phí (được giảm 50%).
Tòa tan rồi mà chủ nợ đi cùng nguyên đơn còn chì chiết: “Đã nói rồi, phải đòi bằng được 20 triệu. Không thì để tòa xử. Ai bảo bà “giảm giá”. Hắn “bần” như vậy, còn giảm tiền xuống làm chi”. Nguyên đơn rầu rĩ: “Thôi, đòi được đồng nào hay đồng đó, để tui còn trả nợ. Chứ hai năm rồi”.