Trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng vận dụng “trường hợp đặc biệt” nào trong đấu thầu?

(PLM) - Thừa nhận các hàng hóa đa phần đều là thiết bị thông dụng, sẵn có trên thị trường, thế nhưng chủ đầu tư vẫn “lạm dụng” cụm từ “hoặc tương đương” để đưa vào nhóm hàng hóa đặc thù trong công tác đấu thầu.
Trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng vận dụng “trường hợp đặc biệt” nào trong đấu thầu?

Cụ thể, tại gói thầu số 15: Thi công xây dựng công trình thuộc dự án nâng cấp, xây dựng mới trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng do trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư, ngày 19/12/2023, ông Dương Anh Dũng - Hiệu trưởng nhà trường ký quyết định lựa chọn nhà thầu, đơn vị trúng thầu là Liên danh Tuần Thái Lai - Cao Hà - Hoàng Kim - Tuấn Hậu. Giá trúng thầu là 47.980.214.414VND, thời gian thực hiện hợp đồng là 540 ngày.

Thông báo mời thầu của trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng.

Thông báo mời thầu của trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng.

Theo hồ sơ phóng viên thu thập được, tại chương V Hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư đưa ra hàng loạt tiêu chí về nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ của sản phẩm, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu, đơn cử như yêu cầu bồn tắm nằm phải là của hãng Fantiny Hàn Quốc.

Trong hồ sơ thiết kế bản vẽ, chủ đầu tư này còn nêu rõ cả nguồn gốc xuất xứ, mã hiệu thiết bị, hãng sản xuất cùng kích thước cụ thể. Có thể kể đến như máy bơm nước Pentax winner 300T, công xuất 3HP; máy bơm nước định lượng Clo Hanna BL5-2, xuất xứ Romani; Bình lọc cát bể bơi Aqua Series Q900 van đứng, công xuất Q=30M3/H, xuất xứ Trung Quốc; Bồn nhựa trộn hóa chất Clo khử trùng dung tích 500l Sơn Hà đứng; đầu trả nước sau lọc về bể bơi D60, nhựa ABS, xuất xứ Việt Nam, mã hiệu TB2828P, hãng sản xuất Tafuma; Bộ cấp nước bù bể bơi Emaux RO-7, sản xuất tại Trung Quốc; Hộp thu nước mặt Skimmer xuất xứ Đức, thương hiệu Midas; Hộp thu nước đáy bể bơi xuất xứ Tây Ban Nha, thương hiệu Kripslo…Những sản phẩm này đều được nêu đích danh tên, nguồn gốc xuất xứ và không được kèm cụm từ “hoặc tương đương”.

Hàng loạt thiết bị là hàng thông dụng nhưng vẫn được phía chủ đầu tư đưa vào nhóm hàng đặc thù.

Hàng loạt thiết bị là hàng thông dụng nhưng vẫn được phía chủ đầu tư đưa vào nhóm hàng đặc thù.

Liên quan đến những vấn đề trên, ngày 2/4/2024, trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng có văn bản số 106/TTCN phúc đáp thông tin về công tác hoạt động đấu thầu do trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư.

Theo văn bản phản hồi, đơn vị này cho biết, hồ sơ mời thầu được lập theo biểu mẫu 01B (hồ sơ mời thầu xây lắp qua mạng) và cho rằng mẫu 01B quy định: Trường hợp đặc biệt phải nêu nhãn hiệu, catolô của một nhà sản xuất nào đó, hoặc vật tư, máy móc, thiết bị nào đó để tham khảo, minh hoạ cho yêu cầu về mặt kỹ thuật của vật tư, máy móc, thiết bị thì phải ghi kèm cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu…

Nếu chiếu đúng theo biểu mẫu 01B như phía trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng trả lời cũng đã nói rõ “trường hợp đặc biệt” thì phải nêu và kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”. Thế nhưng, cũng tại văn bản trả lời nêu trên, trường Trung cấp nghề, tỉnh Cao Bằng lại khẳng định các thiết bị công trình trong phạm vi gói thầu đa phần là thiết bị thông dụng, sẵn có trên thị trường. Nếu trả lời như vậy thì không hiểu các sản phẩm được cho là “trường hợp đặc biệt” là sản phẩm nào?

Luôn khẳng định hồ sơ mời thầu không có bất kỳ quy định nào vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, các thiết bị công trình trong phạm vi gói thầu đa phần là thiết bị thông dụng, sẵn có trên thị trường, thế nhưng không hiểu vì sao đơn vị này vẫn đưa vào nhóm hàng hóa đặc thù, không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ để “chỉ định” sản phẩm trong gói thầu.

Ngoài ra, cụm từ “hoặc tương đương” chỉ được sử dụng trong đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ chứ không phải dùng trong nguồn gốc xuất xứ, bởi trên thế giới không thể có nước, nhóm nước tương đương.

Việc nêu nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng liệu có đúng luật?

Việc nêu nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng liệu có đúng luật?

Theo quy định của pháp luật, việc nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế là hành vi bị cấm trong đấu thầu, được quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013. Trong đó, việc nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế nằm trong nhóm hành vi bị cấm thứ 6 là "không bảo đảm công bằng, minh bạch".

Ngoài ra, tại Khoản a, Điều 5, Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (mà trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng viện dẫn là không vi phạm) cũng quy định rất rõ: “Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử”.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin!

Cùng chuyên mục