Tây Ninh: Cần làm rõ nhiều "bất thường" trong Dự án Bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng

(PLM) - Phản ánh tới Báo Pháp luật Việt Nam, một số người dân trong diện thu hồi đất để thực hiện Dự án Bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng tại Tây Ninh cho biết họ ủng hộ chủ trương chính sách, pháp luật của nhà nước nhưng có quá nhiều điểm "bất hợp lý", thiếu "minh bạch" trong quá trình triển khai nên họ không thể tự nguyên giao đất chính quyền.
 Dự án Bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh
Dự án Bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Dự án Bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Biên làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài bờ kè 1.780m, với tổng mức đầu tư hơn 234 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 118 tỷ đồng; chi phí thiết bị hơn 1,2 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 1,6 tỷ đồng; chi phí tư vấn hơn 5,4 tỷ đồng; chi phí khác hơn 1,5 tỷ đồng; chi phí đền bù giải phòng mặt bằng hơn 82 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 24 tỷ đồng.

Đất nông nghiệp áp giá bồi thường cao hơn rất nhiều lần đất ở đô thị?

Theo một số người dân ở đường số 4, đường số 7 thuộc khu phố 1, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên phản ánh, chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa minh bạch về thông tin của dự án. Do vậy, những hộ ở liền kề với dự án này hoang mang không biết đất ở của gia đình họ có nằm trong dự án, bị thu hồi hay không nên không ít người dân nơi đây đã nhiều lần yêu cầu chính quyền địa phương và chủ đầu tư cung cấp tài liệu, bản vẽ Đồ an quy hoạch của dự án và chỉ giới của dự án, nhưng vẫn chưa nhận được lời giải đáp thỏa đáng.

Người dân đề nghị chính quyền tỉnh Tây Ninh xem xét lại chính sách bồi thường để đảm bảo quyền lợi của người dân theo quy định pháp luật.

Người dân đề nghị chính quyền tỉnh Tây Ninh xem xét lại chính sách bồi thường để đảm bảo quyền lợi của người dân theo quy định pháp luật.

Theo Quyết định số 1641 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng chảy qua Trung tâm thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên có quy mô đầu tư xây dựng như sau:

Đền bù, giải phóng mặt bằng; san lấp – Tường chắn; hệ thống thoát nước; xây dựng mới bờ kè dọc suối Cần Đăng, tổng chiều dài 1.780m; thực hiện mới trạm biến áp 3 pha 400kva; hệ thống cấp nước toàn khu; sân đường nội bộ, cây xanh; hồ điều hòa diện tích 5.885 m2 và các khu phụ trợ: Nhà mát, nhà vệ sinh và giàn hoa, nhưng trên thực tế thì hiện nay một số hạng mục trên vẫn chưa được thi công.

Ngoài ra, một số người dân nơi đây còn có đơn gửi các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh để phản ánh về quyết định thu hồi, áp giá bồi thường của UBND huyện Tân Biên không đồng nhất và giá bồi thường thấp hơn nhiều so với đất thị trường tại gần khu vực bị thu hồi đất.

Được biết, tại Quyết định số 3216 ngày 29 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt giá đất cụ thể để lập phương án bồi thường về đất thực hiện dự án này được quy định như sau:

Đất ở đô thị tiếp giáp đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ đường Phạm Hùng đến ngã 5) có độ rộng nền đường nhựa trên 9m: 8.623.000 đồng/m2; đất ở tại đô thị tiếp giáp với đường số 4, khu phố 1, đường bê tông (đoạn từ đường Phạm Hùng đến hết tuyến) có độ rộng nền đường bê tông rộng khoảng 5m: 2.390.000 đồng/m2; đất ở tại đô thị tiếp giáp với đường số 7, đường bê tông (cặp Trung tâm y tế huyện Tân Biên) (đường Phạm Hùng – ngã ba thứ 1) có độ rộng nền đường bê tông khoảng 5m: 2.390 đồng/m2; đất ở tại đô thị tiếp giáp với độ rộng nền đường rộng 3,5m thuộc hẻm phụ 924.000 đồng/m2; đất ở tại đô thị không tiếp giáp đường( đất các vị trí bên trong) : 749.000 đồng/m2

Điều đáng nói, cũng theo Quyết định số 3216 trên, việc áp giá bồi thường đối với đất nông nghiệp đoạn đường Phạm Hùng đến ngã 5 có giá cao hơn rất nhiều lần so với đất ở đô thị ở khu vực bên trong. Cụ thể, đất nông nghiệp (trồng cây lâu năm, trồng cây hàng năm khác, trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản) tiếp giáp đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn đường Phạm Hùng đến ngã 5) có độ rộng nền đường nhựa trên 9m tính từ mép đường hiện trạng vào sâu mỗi bên 100m và các thửa đất không tiếp giáp mặt tiền đường nhưng nằm trong phạm vi 100m, cùng loại đất, cùng một chủ sử dụng đất có thửa đất tiếp giáp mặt tiền đường, thuộc vị trí 1, xã loại 1 (thị trấn Tân Biên). Theo đó, phạm vi vào sâu khoảng 40 mét (đối với các thửa đất nằm trong cùng thửa đất ở) 6.671.000 đồng/m2; phạm vi từ sau khoảng 40 mét đến hết mét thứ 100 (đối với các thửa đất nằm trong cùng thửa đất ở): 2.668.000 đồng/m2…

Theo người dân việc áp giá bồi thường trên giữa đất nông nghiệp và đất ở đô thị chênh lệch một cách bất thường khi đất nông nghiệp lại được áp giá đền bù cao hơn đất ở đô thị khoảng cách rất xa. Người dân cho rằng, việc áp giá bồi thường của cơ quan chức năng không chỉ thấp mà còn chênh lệch, thiếu đồng bộ, không sát với thực tế đất đai của thị trường tại địa phương.

Bởi theo một số người dân địa phương số tiền bồi thường đất ở đô thị quá thấp, nhận tiền đền bù đất ở đô thị cả trăm m2, xong cũng không mua nổi được mảnh đất nhỏ ở nông thôn để cắm dùi nương thân.

Lý giải việc áp giá "bất thường" mà người dân phản ánh, tại Báo cáo số 1298 của Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh cho biết, căn cứ vào đặc điểm, pháp lý của khu đất và các thông tin thu thập được từ khu đất cần định giá đất, đơn vị tư vấn đã lựa chọn phương pháp so sánh trực tiếp tại Điều 3 của Thông tư 36.

Không đồng tình, theo một số người dân cho rằng chỉ dùng phương pháp so sánh để áp giá đất bồi thường là không thực tế, không khách quan và không đầy đủ, đúng các quy định và không sát với giá đất thực tế trên thị trường, vì đất ở đô thị trên thị trường đối với mặt đường liên xã mua/bán khoảng với giá 30 đồng/m2.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, Bí thư Huyện Tân Biên Thành Từ Dũ cho biết, Huyện ủy có nhận được đơn phản ánh của người dân và trách nhiệm giải quyết các vấn đề thuộc bên Chủ tịch UBND huyện.

Chất lượng công trình có đảm bảo?

Theo như người dân tại địa phương, hiện nay đơn vị thi công chở vật liệu xây dựng, đất và chất thải rắn đổ san lấp và không đảm bảo vệ sinh môi trường, thường xuyên gây khói bụi, nguy cơ gây ô nhiễm. Thậm chí san lấp lấn cả lòng sông suối, ngăn chặn dòng chảy… tuy nhiên cũng không thấy cán bộ kiểm tra, giám sát.

Ông Nguyễn Minh Thành – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Biên làm việc với PV

Ông Nguyễn Minh Thành – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Biên làm việc với PV

Để làm rõ những vấn đề người dân phản ánh vấn đề giám sát, thực hiện thi công đảm bảo tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình trên, Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Minh Thành – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Biên (chủ đầu tư ) dự án này. Tại buổi làm việc ông Thành không trả lời được những câu hỏi mà người dân phản ánh. Ông Thành lấy lý do cần báo cáo cấp trên và liền điện thoại cho ai đó, sau đó ông Thành từ chối cung cấp thông tin.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thành – Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, sẽ cung cấp thông tin cho phóng viên sau khi đi công tác nước ngoài về.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc./.

Cùng chuyên mục