Ninh Bình: Huyện Yên Khánh nâng cao chất lượng mùa vụ, hướng đến nền nông nghiệp xanh

(PLM) - Là một huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Khánh ngày càng được chú trọng. Từ việc chuyển đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng,... đến áp dụng khoa học kĩ thuật, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao chất lượng mùa vụ và hiệu quả kinh tế.
Ninh Bình: Huyện Yên Khánh nâng cao chất lượng mùa vụ, hướng đến nền nông nghiệp xanh

Những năm về trước, xã Khánh Trung, là một trong hai xã của huyện Yên Khánh được chọn là nơi thí điểm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Từ đó đến nay, mô hình sản xuất lúa này đã được nhân rộng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Yên Khánh.

Nổi bật trong sản xuất vụ Mùa năm 2022 của huyện Yên Khánh là giảm diện tích lúa gieo sạ, tăng diện tích lúa cấy. Cụ thể, trong tổng diện tích 7.684 ha lúa, đã có 3.920 ha lúa cấy (chiếm 51%); trong đó, diện tích cấy bằng máy là 700 ha (chiếm 10%). Hay trong vụ Đông xuân năm 2022-2023, tỷ lệ diện tích cấy tay, cấy máy, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện đã đạt 50% tổng diện tích gieo cấy. Trong đó, diện tích áp dụng cấy máy là 20%. Những việc làm này đã làm giá trị sản xuất lúa trên 1 ha đất canh tác tăng cao. Hơn chục năm trước, huyện Yên Khánh là một trong những huyện đi đầu trong việc ứng dụng phương thức gieo sạ trong sản xuất lúa. Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng, phương thức sản xuất này đã bộc lộ nhiều yếu điểm. Từng có những thời điểm, tỷ lệ lúa gieo sạ của huyện Yên Khánh đạt trên 80% nhưng hiệu suất về kinh tế thu về không tương xứng. Từ khi áp dụng mô hình sản xuất lúa hữa cơ, người nông dân đã giảm được công sức lao động và chi phí chi trả cho hóa chất bảo vệ thực vật.

Thành công bước đầu từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ, xã Khánh Trung có thể được xem là giải pháp đột phá để tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở huyện Yên Khánh. Với hiệu quả kinh tế đem lại, các diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ của huyện Yên Khánh đã liên kết với đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm, tăng kinh tế cho người nông dân.

Ngoài việc thay đổi phương thức sản xuất lúa hữu cơ, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Yên Khánh cũng khiến cho hiệu quả kinh tế tăng cao. Ví như vụ xuân năm 2016, toàn huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã chuyển đổi hơn 132 ha đất trồng lúa sang trồng cây có giá trị và nuôi trồng thủy sản. Đến nay, Yên Khánh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như xã Khánh Thành đã chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng có giá trị kinh tế như: dưa chuột, bí xanh, cà chua, mướp đắng, ổi, chanh đào…; Xã Khánh Vân chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây thuốc lào…; Xã Khánh Nhạc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng dưa lê, hành lá, dưa bao tử; xã Khánh Công chuyển đất trồng lúa sang trồng cây

dược liệu và rau các loại; xã Khánh Trung chuyển đất trồng lúa sang trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa lê, măng tây.... Các loại cây trồng được lựa chọn để canh tác trên những diện tích đất đã chuyển đổi là cây đặc sản, thuận lợi về đầu ra tiêu thụ sản phẩm hoặc được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa

Bên cạnh đó, cơ giới hóa được tăng cường, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cũng được xã Yên Khánh áp dụng đồng bộ để giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng, giá trị nông sản. Một trong những điểm sáng của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng là xã Khánh Trung. Từ khâu đầu đến khâu cuối của sản xuất lúa ở đây đều đã được cơ giới hóa. Từ máy cày bừa, máy gặt đập liên hợp, giàn gieo mạ khay, máy cấy, máy bay phun thuốc không người lái, cũng đã được đầu tư .Không chỉ riêng xã Khánh Trung, trên địa bàn huyện Yên Khánh đã có nhiều xã, HTX ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo, mang lại hiệu quả cao, như: HTX Đồng Xuân Tiến, xã Khánh Thành; HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc; HTX Nam Cường, xã Khánh Cường…

Không chỉ có những đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, huyện Yên Khánh còn đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ diện tích lúa của địa phương sẽ được cấy bằng máy hoặc cấy bằng tay. Ngoài duy trì mở rộng diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, huyện sẽ xây dựng các mô hình sản xuất chuẩn hữu cơ, kết hợp với làm du lịch, từ đó giúp cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhờ những chủ trương đúng, trúng và cách làm phù hợp của cấp ủy, chính quyền huyện Yên Khánh, các quyết sách trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp.