Bộ sưu tập 1.000 ấm chén tử sa xác lập Kỷ lục Thế giới

(PLM) - Sáng 28/5, tại TPHCM, Liên minh Kỷ lục Thế giới và Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA) ủy quyền cho Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Kỷ lục Thế giới cho “Tâm Trà Diệu Bảo” - bộ sưu tập gồm 1.000 ấm chén tử sa ở nhiều niên đại, có số lượng nhiều nhất thế giới.
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm nhận bằng xác lập Kỷ lục Thế giới với Bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo”
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm nhận bằng xác lập Kỷ lục Thế giới với Bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo”

Phát biểu tại lễ vinh danh, ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO châu Á – Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay bày tỏ: Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam luôn quan tâm và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, coi việc tham gia đóng góp công sức vào gìn giữ và vun đắp các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình. “Ấm tử sa” là một loại ấm trà làm từ loại đất sét tử sa đặc biệt chỉ có ở vùng Nghi Hưng, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Đến nay, đây là nơi duy nhất trên thế giới có sản xuất loại ấm - chén này và đã ngừng khai thác hơn 20 năm nay. Bởi vậy, ấm chén tử sa được coi là cổ vật quý hiếm và để sở hữu ấm chén tử sa chính hiệu không phải điều dễ dàng. Bộ sưu tập “Tâm trà diệu bảo” không chỉ đặc biệt về số lượng mà còn mang giá trị sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế. Nhiều ấm chén trong bộ sưu tập có niên đại từ thời nhà Thanh trải dài cho đến nay, là những "di sản văn hóa, biểu trung thẩm mỹ của từng thời đại, phản ánh phong cách sáng tác mỗi thời kỳ".

Trước khi được công nhận Kỷ lục Thế giới, vào tháng 10/2022, Tổ chức Kỷ lục châu Á cũng đã ủy quyền cho Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng xác lập Kỷ lục châu Á cho bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo” của trà sư Ngô Thị Thanh Tâm. Vào tháng 4/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức công bố và trao tặng Kỷ lục Việt Nam với nội dung: “Tâm Trà Diệu Bảo” - Bộ sưu tập ấm - chén tử sa đa dạng về kiểu dáng có số lượng nhiều nhất Việt Nam”.

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao Bằng chứng nhận vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể với bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo”

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao Bằng chứng nhận vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể với bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo”

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã bắt đầu tìm tòi và nghiên cứu từ năm 1993 khi còn sinh sống và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc). Với đam mê trà và ấm tử sa, sau gần 30 năm tìm tòi và sưu tập, trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã có trên 1.000 ấm tử sa cùng với nhiều bộ chén từ nguyên liệu quý hiếm, độc đáo. Bộ sưu tập ấm chén tử sa của trà sư Ngô Thị Thanh Tâm gồm cả những mẫu cổ vật tử sa quý giá.

Đó là những sản phẩm được làm nên bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nổi tiếng thuộc làng nghề thủ công Nghi Hưng, có niên đại kéo dài từ thời nhà Minh, nhà Thanh cho đến ngày nay. Mỗi chiếc ấm tử sa có một kiểu dáng, một biểu đạt triết lý riêng mà người thưởng ấm phải hòa được tâm mình với tâm nghệ nhân mới thấu hiểu được sự kết hợp tài hoa của ba đỉnh cao trong một sản phẩm khi tạo ra những chén trà ngon và mang mùi vị riêng biệt.

Một vài chiếc ấm tử sa trong bộ sưu tập của trà sư Ngô Thị Thanh Tâm

Một vài chiếc ấm tử sa trong bộ sưu tập của trà sư Ngô Thị Thanh Tâm

Được biết, tử sa - đất cát màu tím (theo nghĩa đen) là tên gọi của loại đất sét đặc biệt chỉ có ở vùng Nghi Hưng này. Đất sét tử sa thường gặp 3 loại chính: đất màu tím, đất màu xanh và đất màu đỏ. Ngoài ra còn có thể có loại đất màu vàng, màu đỏ cam, màu vàng nhạt… Ấm Tử sa được ca ngợi là loại ấm tốt nhất dùng để pha trà, bởi về công năng đặc biệt có từ chất liệu và cách thức chế tạo. Ấm tử sa dùng để pha trà thơm ngon hơn rất nhiều so với ấm thông thường do đặc tính giữ nhiệt của đất tử sa được chế tác và nung ở nhiệt độ khác nhau. Tuy nhiên, điều độc đáo nhất mà người sành ấm tử sa đam mê đó chính là nghệ thuật chuyển tải thông điệp văn hóa trà được nâng lên thành Trà đạo qua hình dáng ấm và minh họa thơ ca, hội hoạ, thư pháp... khắc trên ấm.

Tại buổi lễ, ngoài Kỷ lục Thế giới, trà sư Ngô Thị Thanh Tâm còn được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao Bằng chứng nhận vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể với bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo”.