Ai là chủ sở hữu Vodka men?

(PLM) -   Như Pháp luật media - Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa thông tin về những lùm xùm liên qua đến việc tranh chấp cổ phần tại công ty Vodka men giữ ông Phạm Kinh Kha và các cổ đông. Vậy Vodka Men là của ai? và ai là chủ nhân thực sự, mời bạn đọc theo từng "lát cắt" nhỏ mà phóng viên đễ tìm hiều để có cách nhìn và tìm ra câu trả lời khách quan nhất.
Kho của công ty Hương Vang (Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Vodka Men)
Kho của công ty Hương Vang (Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Vodka Men)

Trong quá trình tìm hiểu những dấu hiệu vi phạm pháp luật tại công ty rượu Vodka, phóng viên Pháp luật media phát hiện có dấu hiệu việc ông Kha đã ngụy tạo sổ cổ đông, tự ý nâng số cổ phần của mình ở công ty cổ phần Hương Vang (Công ty Hương Vang, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Vodka Men) từ 43% lên 70%.

Vì sao ông Phạm Kinh Kha đã được ưu ái?

Với số cổ phần chiếm 70% cộng với 5% cổ phần của em ruột Kha ở đây, thì ai ai cũng hiểu cty Hương Vang là của Kha. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên cho thấy chính ông Kha là người đã dùng nhiều cách nhằm che mắt cơ quan chức năng và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhóm cổ đông chiếm cổ phần lớn hơn (52%) ở Hương Vang. Và nguyên nhân tại sao ông Kha khăng khăng cho rằng mình là người nắm giữ 70% cổ phần của công ty Hương Vang trong suốt thời gian dài?

Trao đổi với LS Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Hà Nội) cho biết : "Tôi thấy nhóm cổ đông nắm giữ 52% quá kiên nhẫn và quá hiền. Thực tế ông Kha chiếm cổ phần thiểu số so với nhóm cổ đông 3 người của ông Chương nhưng vẫn để ông Kha coi thường các cổ đông và pháp luật, gây thiệt hại quá nhiều cho cổ đông và Công ty’".

"Dĩ nhiên, có thể nguyên nhân là do Kha từng là cháu rể của ông Chương. Nhưng từ năm 2018, Kha không còn là rể nữa và quan hệ làm ăn càng cần phải xác lập rõ ràng là cổ đông với nhau, cùng bình đẳng trước pháp luật và phải tuân thủ pháp luật", LS Truyền cho biết thêm

Về vấn đề này ông Lê Văn Chương, đại diện cho nhóm 3 cổ đông chiếm 52% cổ phần công ty Hương Vang phân trần: "Công bằng mà nói thì ông Kha là 1 trong 2 người sáng lập công ty Hương Vang và là 1 trong 3 người có công lớn trong việc chuyển hướng sang sản xuất rượu Vodka men. Từ năm 2005 đến năm 2020, Kha là chủ tịch, người đại diện pháp luật của Hương Vang. Kha cũng được các cổ đông và HĐQT Hương Vang giao làm Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty Aroma (doanh nghiệp quản lý nhà máy sản xuất rượu Vodka men ở Hưng Yên) trong hơn 10 năm qua. Chính vì thế, Kha đã được các cổ đông tưởng thưởng xứng đáng với công sức, đóng góp".

Có lẽ vì vừa là người sáng lập, vừa có công lớn trong việc phát triển, mở rộng ngành nghề trong công ty, đồng thời được sự ưu ái của các cổ đông còn lại...Nên ông Kha được "tín nhiệm" trong việc điều hành, quản lý công ty Hương Vang.

Từ được "nuông chiều" đến âm thầm "thâu tóm" công ty

Tuy nhiên, theo ông Chương, từ năm 2010, khi thị trường của công ty mở rộng, phát triển, năng lực quản lý của Kha bộc lộ rõ sự hạn chế, đại hội đồng cổ đông của công ty đã bàn, thống nhất rút Kha khỏi vị chí lãnh đạo Hương Vang để Kha tập trung mảng sản xuất (chủ tịch Công ty Aroma). Tuy nhiên, ông Kha không muốn chuyển giao và tìm mọi cách củng cố quyền lực của mình, đồng thời xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông và những người có công phát triển Vodka men.

"Đúng là trước đây Kha là cháu rể của tôi nên cả 3 cổ đông có sự nhân nhượng, thậm chí tạo điều kiện để Kha khắc phục những sai lầm, cùng phấn đấu vì mục tiêu phát triển công ty ngày càng lớn mạnh. Tiếc là càng ngày Kha càng bộc lộ rõ bản chất không thể chấp nhận được. Nhân cách của Kha có vấn đề nên từ năm 2018, Kha không còn là cháu rể của tôi nữa. Cũng từ đó, Kha dùng mọi thủ đoạn nhằm hạn chế thậm chí bôi nhọ các cổ đông khác. Kha rút ruột, chiếm đoạt tài sản công ty. Có nhiều tiền trong tay, Kha đã được một số người có thế lực giúp sức. Nhưng nay chúng tôi quyết tâm nhờ pháp luật can thiệp, xử lý, không thể để Kha coi thường uật pháp, liên tục ngụy tạo, vi phạm pháp luật và gây thiệt hại quá lớn cho công ty. Chúng tôi sẽ không để Vodka men tiếp tục lao dốc vì Kha", ông Chương cho biết thêm.

Cụ thể, ngày 9.9.2018, ông Kha tự lập sổ cổ đông mới, nâng cổ phần của mình từ 43% lên 70%; ngày 5.6.2019, ông Kha lấy tư cách là Chủ tịch HĐQT và ‘cổ đông chiếm 70%’ cùng với 5% cổ phần của em ruột Kha là PTT, tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường công ty Hương Vang.

Đại hội diễn ra với 3 người tham dự là ông Kha và 2 em ruột là PTT, P.T.V.H. Bà H là em út, không có cổ phần nhưng giữ vai trò Thư ký Đại hội! Đại hội thông qua hình thức phạt tiền 3 cổ đông HTHG, NTTH, Lê Văn Chương (khi 3 cổ đông này ngăn cản ông Kha chuyển kho hàng trị giá khoảng 140 tỷ đồng của Công ty Hương Vang về Công ty Bảo Lam (công ty của cá nhân ông Kha và người thân). Biên bản đại hội của 3 anh em ông Kha cũng ghi nội dung:

"Vào thời điểm năm 2015, 2 cổ đông Vũ Thị Tú và Tạ Hương Lan rút vốn khỏi công ty Hương Vang. Tổng số cổ phần của 2 cổ đông tại thời điểm rút vốn tương đương 27% cổ phần của Công ty Hương Vang. Để nhận chuyển nhượng 27% cổ phần của 2 cổ đông trên, theo đề nghị của ông Kha, Công ty Hương Vang đã sử dụng tiền cổ tức chưa rút của Kha để thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, tại thời điểm chuyển nhượng, bà G (HTTG) không ghi ông Kha là bên nhận chuyển nhượng số cổ phần trên. Thay vào đó, bà G ghi nhận bà G là bên nhận chuyển nhượng số cổ phần đó. Bởi vậy, ông Kha yêu cầu bà G trả lại ông Kha toàn bộ cổ phần nêu trên và đề nghị Công ty Hương Vang ghi nhận ông Kha là cổ đông sở hữu 27% cổ phần nêu trên trong sổ cổ đông của công ty". (trích trong văn bản)

Sau đó, cả ông Kha và em ruột là ông P.T.T đã biểu quyết thông qua việc: ‘Công ty Hương Vang ghi nhận tổng số cổ phần phổ thông của Công ty Hương Vang do ông Phạm Kinh Kha sở hữu là 700.000 cổ phần tương đương 70% tổng số cổ phần của Công ty Hương Vang.’

Tuy nhiên, trên thực tế năm 2015 khi bà Tú và bà Lan đăng ký bán lại 27% cổ phần Hương Vang, bà H.T.H.G đã đăng ký mua và được chấp thuận. Sau khi hoàn tất hợp đồng mua bán, cổ phần của bà H.T.T.G tại Hương Vang nâng lên từ 5% lên 32%.

Hợp đồng chuyển nhượng CP công ty Hương Vang giữ bà V.T.T và bà H.T.H.G có xác nhận của ông Phạm Kinh Kha

Hợp đồng chuyển nhượng CP công ty Hương Vang giữ bà V.T.T và bà H.T.H.G có xác nhận của ông Phạm Kinh Kha

Đáng chú ý việc chuyển nhượng cố phần này đã được thông qua và thống nhất trong cuộc họp Đại hội cổ đông với sự tham dự của 100% cổ đông của Công ty Hương Vang. Toàn bộ các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa bà H.T.T.G và 2 cổ đông rút vốn, các biên bản họp HĐCĐ về chuyện thay đổi chuyển nhượng cổ phần, các nghị quyết, biên bản, hồ sơ để gửi lên Phòng ĐKKD để thay đổi tỷ lệ sở hữu đều có chữ ký của ông Kha với tư cách là Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật.

Có dấu hiệu phạm tội tham ô và làm giả tài liệu

Bẻ cong sự thật, kể từ khi lập sổ cổ đông mới mạo nhận số cổ phần của mình và kết quả "Đại hội bất thường" của 3 anh em ruột của ông Kha, trong các văn bản báo cáo gửi cơ quan chức năng như Sở KHĐT HN, TAND quận Ba Đình, TAND thành phố Hà Nội, Thanh tra Bộ Tư pháp... ông Kha đều khẳng định Kha chiếm 70% cổ phần Hương Vang, tức là 2 anh em ông Kha chiếm 75% cổ phần Hương Vang!

Theo tài liệu PV thu thập được cũng cho thấy, cùng thời điểm ngụy tạo sổ cổ đông công ty Hương Vang, ông Kha đã lôi kéo hàng trăm nhân sự của Hương Vang về làm việc cho công ty Bảo Lam. Đồng thời, ông Kha tự ý chuyển tài sản và chuyển chức năng phân phối, kinh doanh rượu Vodka từ Hương Vang về Bảo Lam, biến Hương Vang chỉ còn là "cái xác" như bà P.T.V.H chia sẻ với phóng viên.

Trước động thái nhằm chiếm trọn quyền sở hữu công ty Hương Vang của ông Kha, nhóm 3 cổ đông do ông Chương đại diện đã tiến hành tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông. Theo biên bản Họp tại đại hội và tờ trình công ty Hương Vang gửi, đến tháng 6.2021, Phòng đăng ký Kinh doanh, Sở KHĐT Hà Nội đã cấp giấy CNĐKKD lần 9 cho Công ty Hương Vang, trong đó chính thức công nhận bà H.T.H.G là Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty Hương Vang.

Từ đây, ông Kha không còn là Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Hương Vang nữa. Sau đó, bà H.T.H.G đã 3 lần gửi công văn đề nghị ông Kha bàn giao con dấu, hồ sơ, tài sản của Công ty Hương Vang nhưng đến thời điểm này ông Kha vẫn không bàn giao. Vì vậy, tháng 11.2021, ông Lê Văn Chương đã làm đơn tố giác tội phạm, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật hình sự của ông Kha.

Về số tài sản khoảng 400 tỷ đồng (cả dài hạn và ngắn hạn) của Công ty Hương Vang (tính đến cuối năm 2020), mới đây trả lời chất vấn của phóng viên, bà P.T.V.H (được ông Kha ủy quyền) cho rằng "giờ không còn gì để bàn giao". Còn về vấn đề liên quan đến số cổ phần của các cổ đông Hương Vang, người phát ngôn do ông Kha ủy quyền cho rằng: "Cổ phần là hoạt động riêng và là bí mật riêng của công ty".

Đại diện của ông Phạm Kinh Kha trong buổi làm việc với các cơ quan báo chí

Đại diện của ông Phạm Kinh Kha trong buổi làm việc với các cơ quan báo chí

Cũng theo LS Nguyễn Thế Truyền cho rằng: Hành vi làm giả sổ cổ đông của ông Kha vi phạm Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về ‘Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức' có thể bị phạt tối đa 7 năm tù. Còn tài sản của Hương Vang nếu trên thực tế không còn như bà H nói và như ông Chương tố cáo thì ông Kha có dấu hiệu rất rõ của tội tham ô hoặc chiếm đoạt tài sản".

Vị LS này ủng hộ việc ông Chương tố cáo các hành vi của ông Kha đến cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật.

Pháp luật media - Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc

Cùng chuyên mục