Chiếm đoạt hệ thống phân phối và rút ruột nhân sự công ty?
Sự việc nghiêm trọng tại hãng rượu từng chiếm thị phần số một Việt Nam về dòng vodka này xuất phát từ đơn tố giác tội phạm của ông Lê Văn Chương, đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 52% cổ phần của Công ty CP Hương Vang, chủ sở hữu thương hiệu rượu Vodka men và nhiều sản phẩm rượu khác. Dưới Hương Vang là các công ty con và công ty thành viên có tư cách pháp nhân độc lập, lớn nhất trong số này là Công ty cổ phần Rượu bia NGK Aroma, có trụ sở ở tỉnh Hưng Yên. Ông Kha chiếm 43% cổ phần của Công ty CP Hương Vang và giữ chức Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Công ty. Đồng thời, ông Kha cũng là Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Aroma (công ty con chuyên sản xuất các sản phẩm rượu).
Theo đại diện của nhóm cổ đông, tháng 8/2018, trước thực trạng kinh doanh của Công ty giảm sút trong nhiều năm, trong khi đó ông Kha liên tục mắc nhiều vi phạm trong điều hành và có dấu hiệu thiếu minh bạch tài chính, các cổ đông đã gửi yêu cầu ông Kha triệu tập họp đại hội đồng cổ đông khẩn cấp để cứu vãn công ty. Tuy nhiên, ông Kha đã không triệu tập họp nên tháng 10/2018, nhóm cổ đông đã triệu tập họp đại hội đồng cổ đông theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty, bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của công ty CP Hương Vang.
Đại diện Công ty Hương Vang làm việc với cơ quan báo chí |
Kể từ sau thời điểm đó, lợi dụng mình vẫn còn là đại diện pháp luật của công ty Hương Vang, ông Kha đã tự ý chuyển phần lớn tài sản của công ty sang một pháp nhân mới là Công ty CP Đầu tư và Thương mại Bảo Lam do ông thành lập. Ông Kha và một số nhân sự của mình đã dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí là ép buộc các nhân viên của Công ty CP Hương Vang chuyển sang ký hợp đồng làm việc với Công ty Bảo Lam. Đồng thời, ông cũng ra văn bản thông báo tới các đại lý phân phối, bán rượu Vodka men về việc Bảo Lam sẽ thay thế Hương Vang là đơn vị phân phối toàn bộ các sản phẩm của Vodka men.
Dù các cổ đông và nhiều lao động kịch liệt phản đối nhưng ông Kha vẫn lấy tư cách là người đại diện pháp luật của Hương Vang và Aroma để thực hiện việc rút ruột hệ thống phân phối và kho hàng hoá, người lao động, các tài sản (ô tô, máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ…) của Công ty Hương Vang. Để duy trì việc làm, hàng trăm lao động của Hương Vang đã chuyển sang làm việc tại Bảo Lam. Hệ thống phân phối cùng hàng trăm lao động là công sức hàng chục năm gây dựng của cổ đông và tập thể cán bộ, nhân viên Hương Vang bỗng chốc bị ông Kha ngang nhiên chiếm đoạt.
‘Hô biến’ gần 400 tỷ đồng tài sản của Hương Vang!
Mặc dù các cổ đông liên tục gửi ý kiến phản đối và nhiều lần yêu cầu gặp gỡ để giải quyết, yêu cầu ông Kha chấm dứt hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty Hương Vang và của cổ đông nhưng ông Kha vẫn ngang nhiên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật của mình. Báo cáo tài chính tại thời điểm 31.12.2020 của công ty Hương Vang thể hiện, tổng tài sản ngắn hạn của công ty Hương Vang là hơn 349 tỷ đồng; tổng tài sản dài hạn là hơn 45 tỷ đồng, được cơ quan thuế và các cơ quản quản lý nhà nước ghi nhận. Tuy nhiên, ngày 18.1.2022, tại buổi làm việc với phóng viên một số báo đài ở trụ sở công ty Bảo Lam, bà Phạm Thị Việt Hương (em ruột ông Phạm Kinh Kha), cho biết: Thực tế thời điểm này công ty Hương Vang không còn hoạt động, công ty chỉ còn 2 người đóng bảo hiểm. Nhân viên công ty không còn ở công ty Hương Vang, tất cả chỉ còn số không thôi!
Trên hành trình đòi lại quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông và công ty, sau 2 lần tổ chức đại hội bất thành, tháng 11/2020, các cổ đông Hương Vang đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bầu Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật mới, được Sở KHĐT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 9 công nhận thay đổi. Từ 11/06/2011 đến 16/07/2021, Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật mới của Công ty CP Hương Vang đã 3 lần gửi công văn yêu cầu ông Phạm Kinh Kha tới trụ sở công ty để thực hiện bàn giao toàn bộ tài sản, con dấu, giấy tờ tài liệu của công ty. Tuy nhiên đến nay, ông Kha không những không chấp nhận bàn giao mà còn phát hành văn bản mạo nhận số cổ phần sở hữu và vu khống Chủ tịch HĐQT mới, gửi tới các cổ đông và rất nhiều đối tác của Công ty.
Trong buổi làm việc với nhóm phóng viên, khi được hỏi vì sao ông Kha không chịu bàn giao số tài sản (gần 400 tỷ đồng) cho đại diện pháp luật mới thì một trong những lý do được bà Hương đưa ra là ‘không còn gì để bàn giao’! Cũng theo bà Hương, một số tài sản như server (hệ thống máy tính chủ), con dấu, giấy tờ pháp lý, các giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ… hiện do nhóm cổ đông còn lại (nhóm chiếm 52% cổ phần - PV) đang sử dụng.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Chương cho biết: số tài sản được bà Hương nhắc tới ở trên thực tế là những hồ sơ, giấy tờ tài liệu và tài sản bắt buộc phải lưu giữ tại trụ sở Công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty và hiện vẫn được bảo toàn tại trụ sở công ty Hương Vang tại số 31-33 phố Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội. Theo ông Chương tổng giá trị tài sản này là rất nhỏ (chưa tới 5 tỷ đồng) so với số tài sản ông Kha hiện đang nắm giữ để phục vụ cho hoạt động của công ty CP đầu tư và thương mại Bảo Lam (hơn 20 ô tô con và xe tải, nhiều máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ sản xuất…). Đặc biệt, tài sản là kho hàng hoá của Hương Vang trị giá hơn 140 tỷ đồng đã bị ông Kha tẩu tán và bán, thu tiền vào tài khoản của người nhà. Khi phóng viên hỏi về số tiền này, bà Hương không trả lời cụ thể tiền đang ở đâu.
Bên cạnh đó, nhiều các tài sản khác trị giá hàng trăm tỷ đồng của Hương Vang cũng chưa rõ ông Kha đã chuyển đi đâu? Ai đã chiếm đoạt số tài sản này? Tại buổi làm việc với các phóng viên hôm 18.1, bà Hương thừa nhận ông Kha đã bị cơ quan An ninh điều tra triệu tập nhưng không tiết lộ nội dung ông Kha đã trả lời những gì trước cán bộ điều tra.
Pháp luật media - Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc