Tham tụng Hà Tông Huân phá án gian dâm giết người

Hà Tông Huân quyết tìm ra thủ phạm (Hình minh hoạ)
Hà Tông Huân quyết tìm ra thủ phạm (Hình minh hoạ)
(PLO) -Hà Tông Huân (1697 – 1766) là người Thanh Hoá, đỗ Bảng nhãn năm 1724, làm quan dần đến chức Tham tụng (tương đương Tể tướng), giữ quyền nghị luận chính sự tại phủ chúa Trịnh. Tài năng của ông không những lộ rõ ở những quyết sách phú quốc cường dân mà còn cả lúc xét án, khiến người đời thán phục.

Sách “Sơn cư tạp thuật” là tài liệu duy nhất chép về vụ án này, dưới tiêu đề “Xét xử theo tình hình thực tế”. Nay xin theo đó mà thuật lại như sau.

Xác anh lính trong ruộng ngô

Thời Lê Hiển Tông (1740 – 1786) và chúa Trịnh Doanh (1740 – 1767) một năm nọ, dân làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, trấn Sơn Tây đang tất bật thu hoạch ngô thì phát hiện một bộ xương người, với chiếc áo chưa phân huỷ hết. Đó là áo lính, trên áo có tên người chết. 

Qua điều tra, nha môn sở tại biết được, có người lính tên như vậy, là người làng khác cùng thuộc huyện Thạch Thất, đang làm nghĩa vụ tại kinh đô Thăng Long, từng xin phép về thăm nhà từ mấy tháng trước nhưng rồi không thấy trở lại. 

Vợ anh lính khi biết xác chết đích thị là chồng mình, một mực cho rằng dân làng Phùng Xá đã giết chồng chị ta để cướp của, thưa kiện lên tận nha môn trấn Sơn Tây. Một người cùng làng, đã đỗ Sinh đồ, cũng lên dinh Trấn thủ kêu oan giúp gia đình người xấu số. Quan Trấn thủ Sơn Tây cho người về bắt dân Phùng Xá tra khảo. Dân làng không nhận tội nhưng không có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng, cuối cùng không chịu nổi sự thúc bách khảo tra của quan Trấn thủ, họ đành nhận liều nhưng rồi lặn lội đến tận kinh thành kêu oan.

Phủ chúa Trịnh tiếp nhận cáo trạng, giao Tham tụng Hà Tông Huân điều tra lại toàn bộ vụ án. Một người khác là Nguyễn Nghiễm (thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du sau này) được cử làm Bồi thẩm, hợp sức cùng Hà Tông Huân tái thẩm.

Cảnh xử án thời xưa
Cảnh xử án thời xưa

Quan Tham tụng tra rõ ngay gian

Tham tụng họ Hà và Bồi thẩm họ Nguyễn cùng xem lại văn án. Nguyễn Nghiễm cho rằng bản án đã tuyên không có gì bất hợp lí nên thôi không hỏi đến nữa. Riêng Hà Tông Huân cứ tiếp tục đọc đi đọc lại. Đêm đã khuya, ông buồn ngủ quá và thiếp đi. Trong lúc mơ màng, ông thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến trước mặt và khẳng định chắc nịch: “Thủ phạm ở đây. Dân làng mắc oan. Ông hãy làm sáng tỏ việc này đi”.

Hà Tông Huân bừng tỉnh, ngẫm nghĩ mãi về câu nói của ông lão trong mơ. Sau đó, ông quyết định mở cuộc điều tra lại vụ án, tự mình xét hỏi các nhân vật có liên quan.

Ông sai người đi bắt vợ anh lính và viên Sinh đồ đến nhà riêng rồi ông ngồi sau bức rèm để tra hỏi. Khi hỏi hai người có biết nhau không, cả hai đều nói không quen biết. Rồi không biết nhau thì hà cớ gì cả hai cùng lên dinh trấn kiện dân làng Phùng Xá? Chị vợ nói vì thương chồng chết oan nên đi kiện; anh Sinh đồ thưa vì là đồng hương, dù không giao tình nhưng thương cảnh vợ goá chồng thác oan nên muốn nghĩa hiệp kêu thưa giúp. 

Hỏi đi hỏi lại vẫn vậy, Hà Tông Huân liền dùng hình tra khảo. Được một lúc, chị vợ chịu không nổi, ngỏ ý xin nói nhưng khi nói thì vừa khóc vừa ấp úng không thành lời. Có điều, lúc nói chị ta cứ chốc chốc lại quay sang nhìn viên Sinh đồ, khiến Hà Tông Huân càng thấy giữa hai người này có điểm mờ ám. Nghĩ vậy, ông thôi không tra hỏi, ra lệnh giam hai người lại, dặn thuộc hạ để hai người ở chung phòng và bí mật theo dõi động tĩnh của họ trong đêm.

Sáng hôm sau, lính canh vào báo, hai người họ ban đêm ôm nhau ngủ hệt như vợ chồng. Chi tiết họ không biết nhau bị loại ngay lập tức, Hà Tông Huân vững tin rằng hai người này có gian tình với nhau. Rất có thể họ vì tư tình nên đã lập mưu giết hại anh lính. 

Nhưng vì sao xác anh lính lại được tìm thấy ở ruộng ngô cách làng anh ta rất xa? Hay hung thủ đích thực là người làng Phùng Xá? Để làm rõ những nghi ngờ, Hà Tông Huân cho gọi viên Sinh đồ, dõng dạc nói điều ông nghi hoặc nhưng chưa có chứng cứ, rằng: “Mày thông dâm với vợ tên binh nhất, rồi lập mưu giết chồng nó. Nay âm hồn chồng nó về tố giác với ta. Liệu mày có thể trốn tránh được không?”

Không phải dạng vừa, viên Sinh đồ ra sức biện bạch và kêu oan. Không bằng không chứng, Hà Tông Huân chẳng thể nói gì thêm, truyền lệnh bãi đường và triển khai điều tra theo hướng khác.

Ông cho gọi viên chỉ huy của anh lính, viên Hương trưởng nơi làng anh Sinh đồ để hỏi thông tin. Họ khai rằng ngày ấy tháng ấy, anh lính xin về thăm nhà; ngày nọ tháng nọ, viên Sinh đồ rời làng ra đi, hai thời điểm cách nhau không xa. Có thêm một số thông tin giá trị như vậy, Hà Tông Huân liền mở rộng diện điều tra, sai người hỏi han chủ các quán trọ trên đường từ làng anh lính đến Phùng Xá. Khi hỏi đến chủ quán trọ làng Phùng Xá thì bà ta chẳng may vừa qua đời, nhưng con gái bà, năm đó chừng 13 tuổi vẫn nhớ rành mạch sự việc xảy ra ở quán vào thời điểm anh Sinh đồ trẩy kinh.

Cô gái sau khi nhận mặt anh Sinh đồ, liền kể rõ sự việc diễn ra vài tháng trước rằng: “Cháu nhớ khoảng mấy tháng trước, anh lính từ kinh đô về làng, còn người học trò thì từ làng lên kinh đô, hai bên gặp nhau ở trong quán của cháu. Uống trà xong, mỗi người đi một hướng khác nhau. Đến hôm sau, lại thấy người học trò đi qua đây”. 

Lời nói của cô gái là đầu mối cực kì quan trọng, anh Sinh đồ và anh lính có quen nhau. Anh Sinh đồ là người cuối cùng gặp anh lính, sau đó anh lính mất tích. Mọi nghi ngờ về hung thủ giờ đây đổ dồn về phía anh Sinh đồ. Hà Tông Huân thăng đường xét xử, phân tích thấu đáo mọi lẽ khiến anh Sinh đồ dẫu vẫn cố cãi nhưng lí lẽ yếu dần nhưng vẫn chưa nhận tội. Hà Tông Huân quyết tâm làm đến cùng. Ông kết hợp dùng hình với đấu tranh tâm lí, rốt cuộc đã khiến viên Sinh đồ phải cúi đầu nhận tội, cung khai tất cả.

Phủ chúa Trịnh (Phục dựng theo tranh cổ)
 Phủ chúa Trịnh (Phục dựng theo tranh cổ)

Tranh luận đến cùng vì công lí

Theo lời khai của tên Sinh đồ, sau khi anh lính nhập ngũ, vợ anh ta và hắn đã lén lút tư thông. Mối tình vụng trộm và trái đạo này ngày một đi quá xa. Vợ anh lính vì quá mê say người tình nên bảo tên Sinh đồ làm thế nào giết được anh lính thì ả sẽ về sống bên hắn trọn đời.

Tên Sinh đồ nghe thế, lấy làm phải. Hắn đem theo dao, khăn gói rời làng lên kinh với ý định tìm gặp rồi hạ sát anh lính. Chẳng ngờ, khi vào nghỉ chân ở quán trọ làng Phùng Xá, hắn tình cờ gặp anh lính trên đường về thăm nhà, cũng đang ngồi nghỉ ở đấy. Anh lính nhận ra người làng, vui vẻ đến bắt chuyện, hồ hởi hỏi thăm mọi điều.

Tàn cuộc trà, hai người từ biệt nhau, mỗi người đi một ngả nhưng tên Sinh đồ chỉ vờ đi mà thôi. Đi được một quãng, hắn theo lối tắt chạy đón đường anh lính, rồi thình lình rút dao đâm chết. Gây án xong, hắn kéo xác anh lính giấu vào ruộng ngô, rồi hôm sau quay lại quán Phùng Xá nghỉ ngơi trước khi về làng.

Mấy tháng sau, nghe biết xác anh lính được phát hiện, hắn bàn với ả nhân tình đâm đơn kiện dân làng Phùng Xá để vụ án nhanh kết thúc và chúng được vô can. Diễn biến tiếp theo thì mọi người đều đã rõ.

Làm rõ chân tướng vụ việc, Hà Tông Huân quyết sửa bản án mà Trấn thủ Sơn Tây đã tuyên, minh oan cho dân làng Phùng Xá và trị tội tên Sinh đồ. Ông bàn với Nguyễn Nghiễm nhưng Nguyễn Nghiễm cho rằng bản án trước đã định, không có gì đáng ngờ, chẳng nên tuỳ tiện thay đổi vì như vậy là trái với phép tắc triều đình. Và Nguyễn Nghiễm dứt khoát không chịu kí vào bản kết luận cuối cùng.

Hà Tông Huân tranh luận đủ đường nhưng không sao thuyết phục được Nguyễn Nghiễm, bèn đem hết sự trạng tâu bày với chúa Trịnh. Chúa Trịnh Doanh xem xong tờ tâu, liền phán ngay rằng: “Một đằng thì giữ phép tắc, còn một đằng thì xét xử theo tình hình thực tế. Cách xét xử của cả hai đều phải. Song xử án phải dựa vào thực tế, mưu gian xảo của tên Sinh đồ đã lộ rõ hết cả, nên căn cứ vào hành vi giết người mà xử tội nó thôi”.

Tiếp nhận ý chỉ của chúa, Hà Tông Huân chính thức khép lại vụ án, trừng trị đích đáng tên Sinh đồ và ả nhân tình theo luật pháp. 

Nhờ công minh và không sợ tranh biện vì lẽ phải với đồng liêu, Hà Tông Huân đã buộc kẻ thủ ác phải đền tội. Ông quả xứng với lời bình phẩm của nhà bác học Phan Huy Chú (thế kỉ XIX): “Ông bụng dạ thản nhiên, rộng rãi, không câu nệ nhỏ nhặt. Khi thi thố những việc to tát, việc gì cũng xong. Ở triều hơn 30 năm, trải làm tướng văn, tướng võ, công danh hiển hách. Lại thích tác thành người hậu tiến, học trò của ông đỗ đạt rất nhiều” (Lịch triều hiến chương loại chí).