Vòng xoáy “tín dụng đen” ở Bình Thuận: Vay 7,9 tỷ, trả cả 100 tỷ vẫn chưa dứt nợ

(PLM) -  Số tiền vay ban đầu chỉ 7.9 tỷ đồng nhưng sau 15 tháng, qua nhiều lần bị ép trả lãi, chuyển nợ, vay thêm, gia đình bà Trần Thị Thuỷ (trú tại thôn Thắng Lợi, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đã phải trả hơn 40 tỷ đồng và bị chiếm đoạt 2 mảnh đất có giá trị 88 tỷ đồng nhưng vẫn không dứt được nợ.
Vòng xoáy “tín dụng đen” ở Bình Thuận: Vay 7,9 tỷ, trả cả 100 tỷ vẫn chưa dứt nợ

Video toàn cảnh quá trình vay và trả nặng lãi đến mức kiệt quệ của gia đình bà Trần Thị Thuỷ (trú tại thôn Thắng Lợi, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận)

Vào tháng 4/2019 do phải đáo hạn khoản vay nợ ngân hàng cho việc phát triển các vườn ươm cây giống, bà Trần Thị Thuỷ được giới thiệu gặp bà Lương Thị Minh Phúc (trú tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) để vay khoản tiền 7,9 tỷ đồng để đáo hạn các khoản vay ngân hàng.

Sau khi đáo hạn, ngân hàng thông báo bà Thuỷ không đủ điều kiện do quá tuổi lao động để tiếp tục vay ngân hàng. Từ đó bà Thuỷ phải chấp nhận trả lãi suất cho bà Phúc 0.45%/ngày (tương đương 13.5%/tháng – 162%/năm). Tính đến ngày 15/01/2021 bà Thủy đã trả được tổng số tiền lãi và gốc 41 tỷ 153 triệu đồng.

Do phải trả lãi suất ở lần vay đầu tiên quá lớn, tài chính gia đình bà Thủy có phần lao đao, bà Thủy tiếp tục phải vay bà Phúc 13,5 tỷ đồng với lãi suất 18%/tháng để đảo nợ và duy trì sản xuất.

Từ khoản nợ này, gia đình bà Thủy tiếp tục phải gồng gánh lãi suất cao, và dù đã cố gắng trả được 7 tỷ đồng tiền lãi, nhưng khoản nợ gốc hơn 7,9 tỷ đồng cùng lãi suất mỗi ngày khiến gia đình bà Thủy kiệt quệ, không thể cắt lãi.

Vòng xoáy tín dụng đen

Bẫy tín dụng đen tiếp tục bủa vây gia đình bà Thủy khi bà Phúc chuyển nợ cho bà Võ Thị Tường Vi và ông Nguyễn Quang Vinh, đều trú tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Lúc này, bà Thủy bị chuyển nợ sang bà Vi 9 tỷ đồng và tiếp tục bị chuyển nợ sang ông Vinh 8,5 tỷ đồng. Hoạt động chuyển nợ này tiếp tục được tính lãi 18%/ tháng. Cái khác biệt là, bà Thủy từ nợ 1 người đã thành con nợ của 3 người.

Theo bà Thủy, từ khi bị bà Phúc chuyển nợ, ông Vinh thường xuyên gây sức ép, buộc bà Thủy phải ký giấy nhận nợ một số chủ nợ khác của ông Vinh với số tiền là 32 tỷ đồng, dù bà Thủy không vay mượn những người này.

Đối với khoản nợ của bà Võ Thị Tường Vi, bà Thuỷ đã trả cho bà Vi 14 tỷ 860 triệu đồng tiền lãi, nhưng do lãi suất cao chồng chất dẫn đến bà Thủy không thể trả hết nợ gốc và lãi.

Khi rơi vào vòng xoáy này, bà Thủy bị dồn ép phải vay thêm bà Vi 28 tỉ đồng để trả nợ cho các khoản vay và lãi trước đó. Các lần vay nợ lãi này được đảm bảo tài sản thông qua “hợp đồng giả cách” chuyển nhượng 2 mảnh đất gia đình bà Thủy có giá trị khoảng 88 tỷ đồng.

Không lối thoát

Theo bà Thủy, mặc dù đã thu trước tiền lãi 6 tháng của khoản vay 28 tỷ đồng nhưng bà Vi vẫn âm thầm hợp thức hóa quyền sử dụng đồng thời chuyển nhượng 2 thửa đất này cho các cá nhân khác. Hiện tại, 2 thửa đất đã được chuyển nhượng cho bên thứ 3.

Ngay sau khi sang tên thành công 2 thửa đất của gia đình bà Thủy cho mình, bà Vi tiếp tục làm đơn khởi kiện bà Thủy đòi 39,7 tỷ đồng tiền gốc và lãi tại tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Trong khi vụ việc cho bà Thuỷ vay lãi nặng đang được Công an huyện và Tòa án huyện thụ lý, thì bà Vi lại ngang nhiên chuyển nhượng 2 thửa đất của bà Thủy cầm cố cho người thứ 3, đồng thời bà Vi tiếp tục đưa máy ủi, máy cuốc vào 2 mảnh đất cầm cố thế chấp của Bà Thuỷ, huỷ hoại tài sản, phá dỡ toàn bộ cổng sắt, đập bỏ toàn bộ tường rào bao quanh 2 mảnh đất, san ủi làm biến dạng mảnh đất di chuyển cột mốc ranh giới, làm thất thoát tài sản nguyên vật liệu để trong 2 mảnh đất với tổng trị giá thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, suốt quá trình dính vào tín dụng đen, gia đình bà Thủy liên tục bị đe dọa, o ép, khiến đời sống gia đình bị đảo lộn, bản thân bà Thủy phải chịu những áp lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần.

Như vậy, chỉ bắt đầu từ khoản vay hơn 7,9 tỷ đồng ban đầu, sau khoảng 2 năm gia đình bà Thủy đã phải trả hơn 40 tỷ đồng và bị chiếm đoạt 2 thửa đất trị giá khoảng 88 tỷ đồng nhưng vẫn không thể trả hết nợ. Hiện tại, dù có cố gắng trả nợ đi bao nhiêu chăng nữa, gia đình bà Thủy vẫn không có lối thoát khi lỡ sa chân vào bẫy tín dụng đen.

Theo Công an xã Hàm Thắng, thời gian qua Công an xã có nhận được thông tin của Bà Thủy trình báo bị nhóm người lạ kéo đến nhà đòi nợ và đe dọa, gây mất an ninh trật tự. Mỗi lần xảy ra, Công an xã đã bố trí lực lượng đến, đảm bảo an ninh trật tự theo thẩm quyền được giao.

Được biết, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu Công an huyện Hàm Thuận Bắc điều tra xác minh theo đơn tố cáo và hiện tại Công an huyện Hàm Thuận Bắc đang quá trình xác minh điều tra ban đầu.

Qua tìm hiểu của Pháp luật Media, Báo Pháp Luật Việt Nam, gia đình Bà Thuỷ là gia đình cách mạng có công bảo vệ đất nước, chồng bà Thủy là cán bộ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại Phú Quốc.

Báo pháp Luật Việt Nam kính đề nghị Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Thuận sớm vào cuộc điều tra làm rõ hành vi cho vay lãi nặng, hủy hoại và chiếm đoạt tài sản công dân nhằm trả lại công bằng cho một gia đình có công với cách mạng.

Pháp luật Media sẽ tiếp tục thông tin vụ việc...

Cùng chuyên mục