Quảng Ninh: Xi măng Cẩm Phả tự xây dựng quy chế riêng trong đấu thầu?

(PLM) - Mặc dù mới được thành lập, thế nhưng Công ty CP Vận tải thương mại Đông Bắc Trường Sơn đã có thể liên tiếp trúng các gói thầu có giá trị lên tới cả trăm tỷ đồng do Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả làm chủ đầu tư.
Quảng Ninh: Xi măng Cẩm Phả tự xây dựng quy chế riêng trong đấu thầu?

Tiêu chí chọn nhà thầu như “đo ni đóng giày”

Tại gói thầu “Cung cấp than nhập khẩu hoặc pha trộn nhập khẩu Quý II năm 2023” do Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả làm chủ đầu tư có nhiều dấu hiệu đưa ra tiêu chí để ưu ái nhà thầu tham dự ở hồ sơ mời thầu.

Mặc dù pháp luật về đấu thầu không có quy định cụ thể về số năm có báo cáo tài chính, tuy nhiên trong các mẫu hồ sơ mời thầu trước đây lẫn Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT thì thường số năm được hướng dẫn từ 03 đến 05 năm.

Tuy nhiên, tại gói thầu này, chủ đầu tư đưa ra yêu cầu: Doanh thu năm 2021 tối thiểu là: 150 tỷ đồng. Số lượng hợp đồng: Có tối thiểu 01 hợp đồng, hợp đồng có nội dung cung cấp than nhập khẩu hoặc pha trộn nhập khẩu, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là 70.262.500.000 VNĐ.

Trụ sở Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả.

Trụ sở Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả.

Vào tháng 3/2023, chủ đầu tư thông báo kết quả phê duyệt lựa chọn nhà thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty CP Vận tải thương mại Đông Bắc Trường Sơn, giá trúng thầu là 90.612.500.000 vnd, thời gian thực hiện 45 ngày.

Việc đưa ra tiêu chí về năng lực tài chính chỉ yêu cầu trong năm 2021, không yêu cầu doanh thu bình quân của 3 đến 5 năm tài chính gần nhất đang bị cho là “đo ni đóng giày” - (thiết kế sao cho hợp khả năng) để ưu ái nhà thầu, làm hạn chế các nhà thầu khác tham dự.

Trong khi đó, Công ty CP Vận tải thương mại Đông Bắc Trường Sơn chỉ là một doanh nghiệp còn “non trẻ”, mới được thành lập ngày 27/02/2020, đăng ký thay đổi lần 1 ngày 20/08/2022, người đại diện pháp luật ông Phạm Anh Chương với vốn điều lệ 15 tỷ đồng.

Điều này càng được củng cố khi mà tại “Dự án: Cung cấp than nhập khẩu hoặc than cám (4a) pha trộn nhập khẩu Quý III năm 2023” do Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả làm chủ đầu tư, đơn vị này lại đưa yêu cầu: Doanh thu bình quân hằng năm (không bao gồm thuế VAT) của 03 năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu có giá trị tối thiểu là 148,5 tỷ đồng; Hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự: Đã hoàn thành có quy mô (giá trị) tối thiểu: 76,230 tỷ đồng.

Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả có đang dùng quy chế riêng trong lựa chọn nhà thầu?
Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả có đang dùng quy chế riêng trong lựa chọn nhà thầu?

Điều trùng hợp là Công ty CP Vận tải thương mại Đông Bắc Trường Sơn nằm trong liên doanh công ty trúng thầu gói thầu dự án nêu trên. Qua đây có thể thấy, việc yêu cầu số năm có báo cáo tài chính trong hồ sơ mời thầu được Công ty CP Xi măng Cẩm Phả áp dụng vô cùng “linh hoạt”, khác với hướng dẫn trong Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tự ban hành quy chế mua sắm để cho thuận tiện?

Liên quan đến vấn đề trên, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Đặng Xuân Hùng, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả cho biết, các gói thầu của Công ty có hai sự lựa chọn là đấu theo quy chế công ty xây dựng do Viettel hướng dẫn và đấu theo Luật Đấu thầu.

Theo ông Hùng, gói thầu cung cấp than quý II được đấu theo quy chế, bởi Luật Đấu thầu có hướng dẫn đối với gói thầu phục vụ cho mua sắm thường xuyên của doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự ban hành quy chế mua sắm để cho thuận tiện. Gói thứ hai được đấu theo Luật Đấu thầu thì nó chặt chẽ. Việc đấu theo quy chế thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới hơn, đó là lý do vì sao yêu cầu doanh thu 01 năm, năm gần nhất hoặc trong 03 năm gần nhất.

“Tuy nhiên, trong quá thực hiện sau khi đấu xong, có thể là nhà thầu mới thành lập thật, có thể không bằng như nhà thầu cũ, đặc biệt về năng lực thì bọn anh điều chỉnh lại”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, tại mục Năng lực tài chính – Tài liệu gửi kèm nhằm đối chứng với các số liệu tài chính mà Nhà thầu kê khai, chủ đầu tư yêu cầu Bản gốc hoặc bản sao Báo cáo tài chính năm 2021 và “đã được kiểm toán”. Điều này có thể làm hạn chế các nhà thầu là doanh nghiệp theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn tham gia.

Tại Thông tư số 08/2022/TT/BKHĐT của Bộ KH&ĐT, để đánh giá năng lực tài chính của nhà thầu, nhà thầu phải nộp báo cáo tài chính để cung cấp thông tin chứng minh tình hình tài chính theo quy định của HSMT. Việc nộp báo cáo tài chính được kiểm toán chỉ được áp dụng đối với đối tượng thực hiện theo quy định của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP. Nếu doanh nghiệp không thuộc đối tượng phải kiểm toán theo quy định trên thì không phải đính kèm báo cáo tài chính được kiểm toán trong HSDT.

Mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn không thuộc đối tượng bắt buộc phải thực hiện kiểm toán theo quy định của Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 và Điều 15 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP. Do đó, với việc yêu cầu nói trên, nhiều nhà thầu có khả năng cung ứng hàng hóa vẫn không thể dự thầu.

Cùng chuyên mục