Hoạt động đấu thầu có mục đích góp phần nâng cao hiệu quả, giảm lãng phí, thất thoát, tiêu cực đối với các dự án có nguồn vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị là chủ đầu tư, quá trình xây dựng giá dự toán cần thực hiện nghiêm túc để tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Mới đây, theo các tài liệu của phóng viên nắm được, tại gói thầu “Gói thầu B4: Mua sắm, lắp đặt thiết bị trường học thuộc dự án Xây dựng mới trường THCS Trưng Vương” do Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Nha Trang làm chủ đầu tư có dấu hiệu nâng giá thiết bị vật tư, đưa ra các tiêu chí gây “khó dễ” với nhà thầu.
Cụ thể, ngày 12/1/2023, ông Nguyễn Đình, Giám đốc BQL Dự án các công trình xây dựng Nha Trang ký quyết định số 12/QĐ-BQLDANT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH A.Q Khánh Hòa, Công ty TNHH Sản Xuất – Thương Mại Tiến Đạt và Công ty Cổ phần Trung Việt Hưng, giá trúng thầu: 3.326.327.000 đồng.
Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho Liên danh Công ty TNHH A.Q Khánh Hòa, Công ty TNHH Sản Xuất – Thương Mại Tiến Đạt và Công ty Cổ phần Trung Việt Hưng. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại gói thầu này, một số vật tư thiết bị của gói thầu có cùng thông số kỹ thuật và yêu cầu nhưng được nhà thầu chào giá cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay và cao hơn đơn vị khác nhiều lần.
Điển hình như Máy chiếu DLP + màn chiếu (bao gồm vật tư phụ kiện và lắp đặt hoàn thiện) giá nhà thầu chào là 20.000.000 VNĐ, giá trên thị trường chỉ là 15.500.000 VNĐ, chênh lệch khoảng 4.500.000 VNĐ/bộ.
Đàn Organ + chân để đàn giá nhà thầu chào là 12.500.000 VNĐ, giá thị trường 9.790.000 VNĐ; Máy nóng lạnh TOSHIBA RWF-W1664TV (K1) giá nhà thầu chào 5.000.000 VNĐ, giá thị trường 3.190.000 VNĐ; Máy tính xách tay DELL INSPIRON 15 3511 giá nhà thầu chào 16.000.000 VNĐ, giá thị trường 11.890.000 VNĐ; Ti vi + phụ kiện lắp đặt hoàn thiện LG LED 55UP7550PTC giá nhà thầu chào 11.155.000 VNĐ, giá thị trường 9.990.000 VNĐ…
Một số vật tư thiết bị của gói thầu được nhà thầu chào giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. |
Có ý kiến cho rằng, chủ đầu tư có dấu hiệu nâng giá thiết bị trong đấu thầu, vi phạm vào các hành vi bị cấm theo Luật Đấu thầu 2013 khi giá nhiều sản phẩm cao hơn thị trường.
Cũng tại gói thầu nêu trên, tại Chương III tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, chủ đầu tư lại đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có cam kết có đại lý bảo hành tại TP Nha Trang – Khánh Hòa hoặc có hợp đồng nguyên tắc với đại diện có khả năng thực hiện bảo hành tại TP Nha Trang – Khánh Hòa.
Điều này được cho là làm hạn chế các nhà thầu tại các huyện ở tỉnh Khánh Hòa và nhà thầu ngoài tỉnh tham gia dự thầu, khi mà trong thời gian nộp hồ sơ dự thầu không phải đơn vị nào cũng kịp ký kết các hợp đồng với các đại lý bảo hành tại trung tâm thành phố Nha Trang.
Chủ đầu tư đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có cam kết có đại lý bảo hành tại TP Nha Trang – Khánh Hòa. |
Không chỉ vậy, tại chương V Yêu cầu kỹ thuật, chủ đầu tư có dấu hiệu đưa ra các yêu cầu về công nghệ, nhãn hiệu. Theo đó, đối với Máy chiếu DLP + màn chiếu, chủ đầu tư yêu cầu sản phẩm mang thương hiệu tương đương máy chiếu Panasonic PT-LW367, công nghệ LCD; Thiết bị máy tính để bàn cho học sinh và giáo viên, chủ đầu tư yêu cầu máy tính tương đương sản phẩm FPT Elead T7400i, bộ vị xử lý Intel ® Core tm i3 10105 Processor (3.70Ghz Max tubor 4.4 Ghz/6GB Intel ®)… Mục Trang trí: ảnh Bác, 5 điều Bác Hồ dạy, non sông Việt Nam, chủ đầu tư đưa ra yêu cầu phải là khung nhôm định hình Việt – Nhật.
Chủ đầu tư có dấu hiệu đưa ra các yêu cầu về công nghệ, nhãn hiệu. |
Trong khi đó, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu thì pháp luật quy định những hành vi bị cấm. Một trong những hành vi đó là nêu những yêu cầu cụ thể về xuất xứ hàng hóa, về nhãn hiệu hàng hóa. Hoặc cũng có thể sự khéo léo của chủ đầu tư khi đưa nhãn hiệu vào và kèm theo câu chữ “tương đương”.
Cụ thể, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013, các hành vi bị cấm trong đấu thầu: Không đảm bảo công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi: Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng các hình thức đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế…
Tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính Phủ, Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, HSMT không được nêu yêu cầu về xuất xứ cụ thể của hàng hóa. HSMT/Hồ sơ yêu cầu không được nêu những đặc tính, tiêu chuẩn cá biệt của hàng hóa nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Về những vấn đề trên, ngày 2/8/2023, BQL Dự án các công trình xây dựng Nha Trang có công văn số 636/BQLDANT gửi UBND thành phố Nha Trang về việc cung cấp thông tin phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam.
Theo nội dung công văn, gói thầu trên đã được Cty CP Định giá và Tư vấn Đầu tư Đà Nẵng (có đủ điều kiện năng lực) thẩm định giá. Việc đánh giá và chấp thuận đơn vị trúng thầu trên nguyên tắc: Nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm, có đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu HSMT và có giá đề nghị trúng thầu (đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)) không vượt giá gói thầu được phê duyệt, không xem xét cụ thể đơn giá của từng nội dung chi tiết.
Quá trình triển khai, nhà thầu cung cấp đầy đủ vật tư, thiết bị cho gói thầu với chủng loại, thông số kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của HSMT và hợp đồng, đã được các bên liên quan tổ chức kiểm tra, nghiệm thu theo đúng quy định.
Từ đó, BQL Dự án các công trình xây dựng Nha Trang cho rằng, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đảm bảo đúng quy đinh pháp luật, không có việc ưu ái nhà thầu trong báo cáo đánh giá HSDT, cài cắm tiêu chí hạn chế nhà thầu trong HSMT.
Như vậy, BQL Dự án các công trình xây dựng Nha Trang chỉ trả lời chung chung rằng “không có việc ưu ái nhà thầu”. Và cái cách của BQL Dự án các công trình xây dựng Nha Trang chỉ cần không vượt quá giá gói thầu được phê duyệt là được...