Từ nhu cầu thực tế đến tâm huyết với ngành sư phạm
Người sáng lập và CEO của iChiland, giảng viên Phan Thư tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Trung. Sau khi ra trường, cô không lựa chọn theo nghề dạy học mà lấn sân sang lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nhưng nghề giáo như một cái duyên, ở bất cứ môi trường nào, cô Phan Thư đều được giao phó trách nhiệm đào tạo tiếng Trung cho đồng nghiệp.
Về sau, giảng viên Phan Thư dần cảm nhận được tâm huyết với việc dạy học tiếng Trung. Cô bắt đầu tập hợp đội ngũ của mình để xây dựng iLanguage (tiền thân của iChiland) với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái đào tạo ngoại ngữ bài bản với song ngữ Anh - Trung. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, cô Phan Thư và đồng nghiệp nhận ra, tại Việt Nam rất thiếu ngữ liệu đào tạo tiếng Trung. Vấn đề đào tạo song ngữ chưa thực sự chất lượng, do đó, nhóm cộng sự quyết định thành lập iChiland với mong muốn giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về tiếng Trung.
Cô Phan Thư (áo trắng, ở giữa hàng đầu) cùng các đồng sự. |
Cô Phan Thư sau đó đã cất công sang Trung Quốc, tìm hiểu về các loại sách học tiếng Trung, những tư liệu cần thiết cho việc giảng dạy. Ban đầu là dịch thuật sang tiếng Việt để người học dễ tiếp thu hơn. Vậy nhưng, trong quá trình đó nhóm phát hiện nhiều thông tin sai lệch về Việt Nam, cộng thêm phương pháp học chưa thực sự phù hợp với người học trong nước. Đó là động lực để iChiland quyết tâm xây dựng giáo trình và sách học riêng cho người Việt.
Để làm được điều đó, cô Phan Thư cùng đồng nghiệp đã đọc nhiều đầu sách dạy tiếng Trung, tỉ mỉ ghi chép những điểm tốt và bất cập còn tồn tại; đánh giá khả năng tiếp thu của người học theo từng độ tuổi khác nhau. Ngoài ra, những giáo viên tại iChiland cũng học hỏi phương pháp dạy tiếng Trung của giáo viên bản địa để nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Bản thân cô Phan Thư đã có chứng chỉ IPA (International Profession Certificate Association) chứng nhận là Giáo viên Tiếng Trung ở bậc Senior (bậc cấp cao) – cũng là người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu chứng chỉ này.
Sau một thời gian tích luỹ, giáo trình tiếng Trung của iChiland ra đời với tiêu chí quan trọng nhất là đề cao yếu tố Việt Nam. Điều này được khẳng định ở chính logo của iChiland, hình tượng con trâu mang tên “iNiu”. Đây là động vật gần gũi và quen thuộc với văn hóa Việt Nam với nền văn minh lúa nước; biểu tượng của sự chân thật, lương thiện, kiên trì, không bỏ cuộc và bám đuổi tới cùng của mục tiêu; trâu trong tiếng Trung là 牛 (Níu): có nghĩa là “ngầu, cừ, cute” và mang một nét khỏe mạnh, cá tính, màu sắc rất riêng.
Chú trâu iNiu, người bạn đồng hành với trẻ em trong việc học tiếng Trung. |
Giáo trình của iChiland bao gồm các tiêu chí: chú ý đến yếu tố đất nước, con người Việt Nam; giáo viên được dạy trực quan, truyền cảm hứng; người học thích thú học tiếng Trung; lồng ghép được những nét văn hoá đặc sắc Trung Hoa; mang cuộc sống vào trong sách; tạo tính chủ động cho người học,…
CEO Phan Thư chia sẻ: “Đến hiện tại, tôi có thể khẳng định iChiland đã đi đúng hướng, khi những người học, nhất là ở lứa tuổi nhỏ đều tiếp thu tốt các giáo trình. Nhiều học sinh đã đạt được YCT (Kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Trung Quốc quốc tế dành cho đối tượng học sinh tiểu học và trung học mà ngôn ngữ thứ nhất không phải tiếng Trung Quốc), HSK (Kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Trung Quốc quốc tế dành cho các đối tượng mà ngôn ngữ thứ nhất không phải tiếng Trung) và CEFR (Khung tham chiếu Châu Âu)”.
iChiland cho ra đời sách học tiếng Trung
Không chỉ dừng lại ở giáo trình, những người tâm huyết với việc dạy tiếng Trung tại iChiland đã cho ra đời bộ sách cùng tên được NXB ĐHQG Hà Nội in ấn và phát hành. Đối tượng hướng tới của bộ sách là thiếu nhi, thiếu niên có độ tuổi từ 6 đến 15, các em có tinh thần học tốt và đang trong giai đoạn tìm kiếm một ngoại ngữ yêu thích để học.
Để phù hợp hơn với lứa tuổi, sách đưa các nhân vật dẫn dắt vào các bài học, đó là Diệp Phương, Gia Huy (người Việt Nam), quận chúa Tú Châu, công tử Vương Minh (người Trung Quốc), hoàng tử Mike và quận chúa Emma (người Anh) cùng với linh vật của giáo trình là chú trâu iNiu. Lý do iChiland đặt tên nhân vật theo 3 quốc gia để thể hiện ngôn ngữ mà hệ sinh thái đang giảng dạy; đặc biệt là thể hiện được tinh thần “toàn cầu hoá” của thế hệ trẻ hiện nay.
Cuốn sách “Tiếng Trung trẻ em” do cô Phan Thư là chủ biên chính. |
Đúng theo tinh thần giảng dạy tiếng Trung của iChiland, sách hội tụ đầy đủ các yếu tố về văn hoá, con người Việt Nam; ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, được xây dựng độc quyền, khoa học, sáng tạo, hoàn chỉnh nội dung, hình thức, âm thanh phù hợp với đặc điểm về ghi nhận ngôn ngữ, tâm lý lứa tuổi từ 6-15 ở Việt Nam. Bộ sách như một câu chuyện với các nội dung, hình ảnh, cùng các hoạt động thú vị, gắn liền với sự trưởng thành trong tư duy, nhận thức của các tuyến nhân vật. Từ vựng trong giáo trình được chọn lựa tỉ mỉ, chi tiết phù hợp với từng cấp độ.
Sách được chia thành các chủ đề: Giới thiệu bản thân, gia đình, trường học, sở thích, thời gian và thời tiết, ước mơ, định hướng nghề nghiệp thông qua các hình ảnh sinh động, bài hát, câu chuyện, bài thơ phù hợp với chủ đề bài học, giúp tăng hứng thú cho người học, giúp ghi nhớ sâu hơn và dễ dàng vận dụng vào thực tế.
Mỗi bài học bao gồm các nội dung: Khởi động - Mẫu câu - Bài khóa - Từ mới - Bài tập - Bài đọc - Điểm văn hóa - Chữ Hán - Bài hát/bài thơ. Có thể nói, đây là bước đệm trong hành trình đi tìm hiểu và khám phá một ngôn ngữ mới, một nền văn hóa đầy bản sắc.Kèm theo tập sách sẽ có 24 video bài giảng của giáo viên, người học có thể thực hành nghe, nói cùng các bài học để nhanh tiến bộ hơn.
Lớp học iChiland với những thiếu niên được học giáo trình tiếng Trung do người Việt biên soạn. |
Chia sẻ về mục tiêu giảng dạy tiếng Trung của bộ sách, cô Phan Thư nhấn mạnh: “Mục đích chúng tôi viết sách dạy tiếng Trung nhằm đưa người học tiếp thu ngôn ngữ này dễ dàng hơn. Các em chăm chỉ học tập các bài học, thường xuyên thực hành theo các dạng bài tập và video sẽ đạt được các mốc học tập tương đương các chứng chỉ YCT, HSK và CEFR theo chuẩn châu Âu hiện hành. Từ đó, có trình độ giao tiếp tốt, trang bị kiến thức để học ở những cấp độ cao hơn”.