20 năm chặng đường hình thành và phát triển Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội

(PLM) - Viện Luật So sánh (Comparative Law Institute - CLI), tiền thân là Trung tâm Luật So sánh, là Viện nghiên cứu duy nhất của Trường Đại học Luật Hà Nội. Viện Luật so sánh hiện nay là một trong những cơ sở nghiên cứu, đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực luật so sánh với rất nhiều thành tích đạt được trong 20 năm qua.
20 năm chặng đường hình thành và phát triển Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội

Quá trình xây dựng và phát triển

Viện Luật so sánh trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, có tiền thân là Trung tâm Luật so sánh, được thành lập vào năm 2004. Ban đầu Trung tâm chỉ gồm 03 thành viên: 01 Giám đốc, 01 Phó Giám đốc và 01 trợ lý hành chính với trang thiết bị, cơ sở vật chất rất ít ỏi; thực hiện 3 chức năng chính là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và xây dựng nguồn tư liệu.

Năm 2014, Viện Luật so sánh được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Luật so sánh. Viện Luật so sánh có ban lãnh đạo viện gồm: Viện trưởng PGS.TS. Bùi Đăng Hiếu và Phó Viện trưởng PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương; 2 trung tâm trực thuộc là Trung tâm nghiên cứu so sánh luật công và Trung tâm nghiên cứu so sánh luật tư với những định hướng giảng dạy, nghiên cứu theo từng lĩnh vực đặc thù khác nhau.

Trung Tâm nghiên cứu so sánh Luật công thực hiện các nghiên cứu so sánh pháp luật về lĩnh vực luật hình sự, hành chính, hiến pháp... và hiện phụ trách giảng dạy các học phần theo phân công như Luật so sánh ứng dụng, Nghề luật và phương pháp học luật, Xây dựng lập luận pháp lý và viết trong hành nghề luật. Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu so sánh Luật công hiện nay là TS. Đào Lệ Thu. Phó Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu so sánh Luật công hiện nay là TS. Phạm Quý Đạt.

Trung Tâm nghiên cứu so sánh Luật tư thực hiện các nghiên cứu so sánh pháp luật về các lĩnh vực như pháp luật dân sự, thương mại, cạnh tranh, lao động, môi trường... và phụ trách giảng dạy các học phần Luật so sánh, Hợp đồng so sánh ( tiếng Anh), Pháp luật quản trị nhân sự, Tiếng Việt pháp lý.... Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh Luật tư hiện nay là TS. Đặng Thị Hồng Tuyến.

Sau 20 năm hình thành và phát triển, Viện Luật so sánh đã có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, gồm 10 giảng viên, nghiên cứu viên; trong đó có 02 phó giáo sư, 05 Tiến sĩ và các Thạc sĩ đều là những người được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế. Qua đó tạo nên môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả đã giúp Viện Luật so sánh không ngừng phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu, kết quả to lớn.

20 năm với những thành tựu to lớn

Về nghiên cứu khoa học

Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Viện Luật so sánh trong suốt những năm qua luôn giữ vững tinh thần nghiêm túc, say mê nghiên cứu khoa học, công tác nghiên cứu khoa học của Viện ngày càng khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Trong 20 năm qua, các nhà khoa học của Viện đã thực hiện viết nhiều giáo trình, tập bài giảng để phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Bên cạnh đó, tích cực thực hiện và chủ biên – đồng chủ biên nhiều sách tham khảo, chuyên khảo có giá trị hỗ trợ rất tốt cho người học và những người nghiên cứu khác. Giai đoạn từ 2004 đến 2018, Viện xuất bản 01 giáo trình, tham gia biên soạn 07 giáo trình. Nổi bật là Giáo trình Luật So sánh xuất bản lần đầu 2008 và liên tục được tái bản để phục vụ cho Trường Đại học Luật Hà Nội và các cơ sở đào tạo luật khác trên cả nước giảng dạy học phần này và những nhà nghiên cứu về lĩnh vực luật so sánh nói chung. Giai đoạn từ 2019 đến nay, Viện viết mới 01 giáo trình Luật So sánh năm 2021, tham gia viết 09 giáo trình khác; xuất bản 09 cuốn sách tham khảo, chuyên khảo.

Bên cạnh đó, Viện Luật so sánh đã thực hiện rất nhiều các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp với số lượng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Cụ thể: Viện thực hiện 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 14 đề tài cấp cơ sở; các viên chức của Viện tham gia với tư cách là tác giả, đồng tác giả 03 đề tài cấp Nhà nước, 02 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài cấp Tỉnh cùng rất nhiều các đề tài cấp cơ sở khác. Các đề tài được nghiệm thu được đánh giá cao cả về lý luận và thực tiễn và xếp loại xuất sắc có tỉ lệ gần 90% trở thành các tài liệu tham khảo hữu ích trong nghiên cứu và giảng dạy khoa học pháp lý cũng như có những đóng góp quan trọng trong hoạt động lập pháp và ứng dụng thực tiễn ở địa phương.

Phát huy thế mạnh là có trình độ ngoại ngữ tốt, các viên chức của Viện có số lượng rất nhiều các công trình nghiên cứu thực hiện bằng tiếng Anh một cách độc lập hoặc hợp tác cùng các nhà nghiên cứu nước ngoài. Bên cạnh đó là các bài tạp chí đăng trên các tạp chí nằm trong danh mục xếp hạng ISI hoặc Scopus.

Những kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật của các viên chức đã và đang công tác ở Viện đã tạo ảnh hưởng lớn và mang lại giá trị lan tỏa cả về khía cạnh nghiên cứu học thuật, ứng dụng lập pháp và công tác học tập, giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu pháp luật trong phạm vi cả nước. Những kết quả nghiên cứu khoa học của các viên chức Viện được trình bày tại những diễn đàn, tọa đàm, hội thảo tiếp tục được thực hiện với chất lượng ngày càng có chiều sâu, thiết thực và có ảnh hưởng mạnh mẽ và tích cực trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, vị thế của Viện ngày càng được khẳng định, uy tín chuyên môn của Viện ngày càng cao, đồng thời Viện cũng thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc phát triển khoa học luật so sánh cũng như nâng cao vị thế và hình ảnh của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Về công tác đào tạo

Trong 20 năm hoạt động vừa qua, Viện Luật so sánh đã tham gia giảng dạy các học phần trong lĩnh vực luật học so sánh cho hàng chục khoá sinh viên, học viên ở các hệ đào tạo khác nhau của Trường đối với các ngành đào tạo khác nhau. Các học phần so sánh được Viện Luật so sánh giảng dạy như: Luật so sánh, Luật hợp đồng so sánh đã cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết để hành nghề trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, góp phần đào tạo ra những luật gia toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh việc luôn luôn phát triển, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy những năm gần đây, Viện Luật so sánh còn phụ trách thêm một số học phần kỹ năng trong chương trình đào tạo của trường và đã được người học nhiệt tình đón nhận. Các học phần mới đã góp phần rèn luyện các kỹ năng quan trọng cho sinh viên luật phục vụ việc hành nghề trong tương lai.

Song song với hoạt động giảng dạy, việc hướng dẫn các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên thực hiện luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp cũng là một trong những hoạt động thường xuyên được Viện chú trọng. Bên cạnh đó, các giảng viên của VLSS cũng là cố vấn học tập của các lớp chính quy ở những khóa đào tạo khác nhau, có vai trò hỗ trợ sinh viên lên kế hoạch học tập sao cho phù hợp với năng lực và điều kiện của từng em; đồng thời là những người đồng hành, giúp đỡ các em trong cuộc sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời đề xuất với Nhà trường và Viện để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Qua đó mang lại hiệu quả cao nhất cho công tác quản lý sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo phương thức tín chỉ của Nhà trường.

Về công tác xây dựng nguồn tư liệu

Viện Luật so sánh là đơn vị chuyên môn duy nhất của trường có chức năng xây dựng nguồn tư liệu nước ngoài. Nhận thức được vai trò, sứ mệnh quan trọng của mình ở lĩnh vực công tác này, trong 20 năm hoạt động và phát triển vừa qua, Viện Luật so sánh luôn quan tâm và đạt nhiều kết quả có giá trị trong lĩnh vực này. Viện Luật so sánh đã tổ chức biên dịch và xuất bản thành công nhiều tài liệu luật của nước ngoài. Các tài liệu đã được tổ chức biên dịch thành công thuộc đa dạng chuyên ngành luật, đến từ nhiều quốc gia khác nhau và từ nhiều ngôn ngữ gốc khác nhau. Cho đến nay, các tài liệu này vẫn thường xuyên được các nhà nghiên cứu, nhà lập pháp, giảng viên, học viên trong và ngoài trường sử dụng cho quá trình nghiên cứu, ứng dụng lập pháp và học tập của mình, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của họ về việc tìm hiểu pháp luật nước ngoài. Chất lượng và sự uy tín trong công tác tổ chức biên dịch luật nước ngoài thể hiện ở việc Viện Luật so sánh luôn cẩn thận, cầu toàn trong việc mời các chuyên gia giỏi về ngôn ngữ, am hiểu về chuyên môn trực tiếp biên dịch hoặc tham gia hội đồng thẩm định bản dịch.

Bên cạnh đó, hàng năm, các viên chức của Viện thường xuyên tư vấn cho Trung tâm Thông tin thư viện của Trường bổ sung những tài liệu mới, đặc biệt là các tài liệu ngoại văn, có giá trị cho việc nghiên cứu, học tập của các giảng viên, học viên của Trường. Đây cũng là một hoạt động rất có ý nghĩa, có thể giúp cán bộ, giảng viên, học viên của trường dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các thông tin pháp lý của nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Định hướng phát triển Viện Luật so sánh trong tương lai

Trong giai đoạn 2025 – 2030, Viện Luật so sánh mong muốn được nâng cấp và mở rộng cơ cấu tổ chức, cơ cấu nhân sự và phạm vi lĩnh vực hoạt động. Đặt mục tiêu “Kết nối văn hóa pháp lý toàn cầu”, Viện Luật so sánh hướng tới cung cấp cho các nhà nghiên cứu, thực hành pháp luật và học viên, sinh viên một không gian mở, để phát triển những ý tưởng pháp lý, phục vụ cộng đồng. Trong đó, định hướng phát triển Viện được xác định:

(i) Nâng cấp Viện Luật so sánh theo hướng mở rộng phạm vi, lĩnh vực nghiên cứu, không gói gọn chỉ ở việc nghiên cứu so sánh luật mà còn thêm các lĩnh vực khác về chính sách và pháp luật. Để thực hiện được định hướng nâng cấp và mở rộng phạm vi hoạt động, cơ cấu tổ chức của Viện cần được bổ sung một số đơn vị trực thuộc phụ trách các mảng hoạt động mới của Viện. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu mở rộng phạm vi lĩnh vực nghiên cứu sau khi nâng cấp, việc bổ sung thêm nhân sự nghiên cứu viên cho Viện trong thời gian tới là thực sự cần thiết. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, Viện cần mở rộng mạng lưới cộng tác viên nghiên cứu cả trong và ngoài nước.

(ii) Xây dựng mạng lưới liên kết các cơ sở nghiên cứu luật học. Để nâng cao vị thế của Viện Luật so sánh cũng như nâng cao giá trị của các sản phẩm nghiên cứu, nâng cao chất lượng của hoạt động đào tạo, Viện cần xây dựng mạng lưới liên kết các cơ sở nghiên cứu luật học so sánh cũng như các tổ chức nghiên cứu khoa học pháp lý của Việt Nam để phục vụ công tác trao đổi học thuật, chia sẻ thông tin và phối hợp thực hiện các hoạt động chuyên môn mang tầm cỡ quốc gia. Đồng thời, Viện sẽ tăng cường kết nối với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu về luật so sánh cũng như các tổ chức nghiên cứu khoa học pháp lý nước ngoài. Nhà trường cần ký kết nhiều hơn các thoả thuận hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện, cơ sở cho Viện đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nghiên cứu và giảng dạy, với mục tiêu nâng tầm, phát triển lĩnh vực luật học so sánh và các lĩnh vực khoa học pháp lý khác thuộc phạm vi hoạt động của Viện.

(iii) Cần xây dựng kế hoạch mở chương trình đào tạo thạc sĩ ngành luật so sánh. Việc mở chương trình đào tạo thạc sĩ ngành luật so sánh là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như định hướng phát triển của Viện đã được quy định, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của đào tạo luật hiện đại trên thế giới. Ngoài ra, việc mở chương trình đào tạo thạc sĩ luật so sánh còn giúp khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực nghiên cứu luật học so sánh cũng như đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học pháp lý chuyên sâu theo hướng tiếp cận so sánh của người học.

(iv) Tiếp tục chú trọng nghiên cứu pháp luật nước ngoài và nghiên cứu luật so sánh. Sản phẩm của các hoạt động nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu và đào tạo luật học, đối với công tác xây dựng pháp luật, đối với công tác quản lý nhà nước, cũng như phục vụ quá trình hài hoà hoá pháp luật. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu so sánh pháp luật sẽ giúp các nhà nghiên cứu, các luật gia, các giảng viên, học viên có thể tiếp cận, nâng cao hiểu biết, có những đánh giá khách quan về pháp luật quốc gia cũng như pháp luật nước ngoài, từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nâng cao chất lượng, vị thế của các luật gia Việt Nam trong trường quốc tế.

(v) Chú trọng công tác xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật nước ngoài để tạo tiền đề cho các hoạt động nghiên cứu so sánh, hỗ trợ trước hết việc nghiên cứu và giảng dạy của các giảng viên trong và ngoài Viện; hỗ trợ các khoa chuyên môn, hỗ trợ các nghiên cứu sinh tìm hiểu pháp luật nước ngoài trong quá trình thực hiện luận án tiến sĩ; hỗ trợ học viên, sinh viên trong nghiên cứu khoa học và học tập; hỗ trợ các hoạt động của Bộ tư pháp, hoạt động lập pháp và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Tiếp nối những thành công của thế hệ đi trước, tập thể giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội đang tiếp tục truyền thống tự hào, là những người giữ lửa, tiếp tục tham gia các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học với phương châm: trí tuệ, tâm huyết, hiệu quả nhằm tạo nên giá trị và thương hiệu đào tạo luật của Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung và Viện Luật so sánh nói riêng.Với những kết quả đã đạt được, Viện Luật so sánh vinh dự được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen cho tập thể đơn vị, ghi nhận những thành tựu của chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển./.