Hải Phòng: Cần làm rõ dấu hiệu huỷ hoại tài sản của đơn vị thi công

(PLM) - Chưa có biên bản xử lý vi phạm hành chính, chưa có quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước, thế nhưng một đơn vị thi công lại tự cho mình quyền phá đầm để đặt ống bơm cát.
Hải Phòng: Cần làm rõ dấu hiệu huỷ hoại tài sản của đơn vị thi công

Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư phản ánh của ông Nguyễn Tuấn Anh, trú tại tổ 3, phường Nam Hải, quận Hải An, Thành phố Hải Phòng về việc một đơn vị thi công “vượt quyền” tự tổ chức cưỡng chế tháo dỡ ao đầm, có dấu hiệu hủy hoại tài sản công dân.

Theo nội dung đơn, gia đình ông Tuấn Anh đang khai thác và nuôi trồng thủy sản tại khu vực cửa sông Cẩm thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng từ năm 2009 đến nay. Trong quá trình khai hoang, sử dụng ông Tuấn Anh cũng không hề thấy cơ quan, đơn vị nào kiểm tra, nhắc nhở hay lập biên bản vi phạm hành chính. Do đó, ông Tuấn Anh đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức để cải tạo, gây dựng đầm nuôi tôm và từng bước thu được nhiều thành quả.

Người dân phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của mới cải tạo được đầm nuôi trồng thủy sản như hiện nay.

Người dân phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của mới cải tạo được đầm nuôi trồng thủy sản như hiện nay.

Mãi đến năm 2023, khi có một đơn vị thi công lắp đường ống bơm cát phục vụ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, ông Tuấn Anh mới được biết khu vực gia đình ông đang nuôi trồng thủy sản lâu nay nằm trong quy hoạch.

Ông Tuấn Anh cho biết, tại buổi làm việc ngày 10/8/2023 giữa UBND phường Tràng Cát, đại diện Công ty TNHH MTV 17 (Cty 17) là đơn vị thi công, ông đã trình bày về quá trình sử dụng đất và hoàn toàn nhất trí, ủng hộ các chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước và thành phố.

“Tại đây tôi cũng đã trình bày nguyện vọng với phía đại diện Công ty 17 là nên hỗ trợ tôi một phần kinh phí do tôi đã trót đầu tư, bỏ nhiều công sức, tiền của cải tạo và cho tôi thời gian để di dời, vận chuyển vật nuôi đi chỗ khác”, ông Tuấn Anh cho biết.

Sơ đồ vị trí đầm được người dân đo vẽ từ những năm 2020.

Sơ đồ vị trí đầm được người dân đo vẽ từ những năm 2020.

Trong khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung thì ngày 28/06/2024, có một nhóm người được cho là công nhân của Công ty 17 đưa máy xúc và các thiết bị rà phá bờ đầm của gia đình ông Tuấn Anh, làm vỡ hết bờ đầm và thiệt hại toàn bộ con giống đang nuôi ở trong đầm. Ước tính giá trị thiệt hại con giống vào khoảng 1 tỷ đồng, đó là chưa kể đến hệ thống bờ bao, bờ kè, cống dẫn thoát nước được đầu tư xây dựng lên tới hàng tỷ đồng.

Theo ông Tuấn Anh thì nếu công trình ao đầm của gia đình ông có xây dựng trái phép, vi phạm thì trách nhiệm, thẩm quyền xử lý thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành thực hiện.

“Việc đơn vị thi công tự tổ chức phương tiện, nhân công đến khu đầm đang nuôi trồng thủy sản để phá bờ đầm, trong khi không có biên bản vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước, không được giao nhiệm vụ là trái luật, có dấu hiệu hủy hoại tài sản của công dân. Việc tôi sai đến đâu tôi sẽ chịu trách nhiệm với nhà nước, còn tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc đơn vị thi công hủy hoại tài sản của tôi”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.

Trước sự việc trên, ông Tuấn Anh đã làm đơn trình báo lên Công an phường Tràng Cát, Đồn Biên phòng Tràng Cát và một số cơ quan nhà nước về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhóm người trên.

Việc đơn vị thi công tự ý phá dỡ bờ đầm khiến người dân bị thiệt hại nặng nề.

Việc đơn vị thi công tự ý phá dỡ bờ đầm khiến người dân bị thiệt hại nặng nề.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Tràng Cát cho biết, việc này cũng có một phần lỗi khi bên thi công không thông báo với người dân, biết rõ ràng cái đầm ấy phải có gì bên trong nhưng họ vẫn tự phá.

Ông Nghĩa cho rằng, đáng nhẽ thấy vậy ít nhất phải thông báo với người dân là công trình sắp thi công, cũng phải báo cáo về quận chỉ đạo Biên phòng để họ tham gia vào.

“Họ tự phá, phá chỗ này nó vỡ chỗ kia, nước đẩy vào nên nó vỡ hết, tài sản mất nhiều hay ít thì không biết được việc đó. Vụ việc đang được Công an thụ lý hồ sơ”, ông Nghĩa cho biết.

Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Tràng Cát trong buổi làm việc với phóng viên.

Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Tràng Cát trong buổi làm việc với phóng viên.

Cũng theo ông Nghĩa thì khi đơn vị được nhà nước bàn giao quản lý thì cần cắm các mốc giới, thể hiện chủ quyền của mình và chịu trách nhiệm bảo vệ. Tuy nhiên việc này chưa thật hoàn chỉnh, việc cắm mốc, cờ tiêu chưa xác định được, chưa khẳng định được chủ quyền vì nếu bàn giao rồi thì phải có trách nhiệm bảo vệ.

Ông Nghĩa cho biết thêm, phía đơn vị thi công đã có báo cáo về quận và UBND quận đã có văn bản chỉ đạo đến phía bộ đội Biên phòng.

Theo đó, ngày 3/7/2024, Công ty 17 có công văn số 536/CV-CT gửi UBND quận Hải An và một số đơn vị khác về việc một số hộ dân gây cản trở thi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải.

Sau đó, ngày 15/7/2024, UBND quận Hải An có công văn số 1696/UBND-VP gửi Đồn Biên phòng Tràng Cát, Công an quận và một số đơn vị liên quan. UBND quận giao Đồn Biên phòng Tràng Cát chủ trì, phối hợp với Công an quận… kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm các hộ dân cản trở thi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, báo cáo UBND quận kết quả thực hiện trước ngày 25/7/2024.

Đáng chú ý, trong công văn gửi các cơ quan chức năng, phía Công ty 17 lại không hề đề cập đến việc đơn vị này tự ý huy động máy móc, nhân lực đến khu đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Tuấn Anh để tổ chức "giải phóng mặt bằng".

Theo tìm hiểu được biết, vị trí đầm nuôi trồng thủy sản này đã có từ trước khi có dự án. Cụ thể, dự án mới được bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công ngày 22/12/2022, trong khi hộ ông Tuấn Anh đã nuôi trồng và thuê trích đo từ những năm 2020.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin diễn biến sự việc tới bạn đọc.

Cùng chuyên mục