Hà Nội: Cần thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng tại xã Đông La

(PLM) -Chủ tịch UBND xã Đông La (Hoài Đức) Kiều Duy Tập cung cấp thông tin cho PV của Báo Pháp luật Việt Nam thiếu trung thực về kiểm tra hoạt động xây dựng, cũng như giấy tờ pháp lý liên quan đến 2 công trình nhiều tầng đang xây dựng cạnh đê tả Đáy (địa phận thôn Đồng Nhân, xã Đông La).
Công trình của hộ gia đình ông Trịnh Đắc Lam, xóm 4, thôn Đồng Nhân, xã Đông La xây dựng trên đất chưa được cấp sổ đỏ
Công trình của hộ gia đình ông Trịnh Đắc Lam, xóm 4, thôn Đồng Nhân, xã Đông La xây dựng trên đất chưa được cấp sổ đỏ

Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Kiều Duy Tập – Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết, công trình đã xây dựng xong phần thô 6 tầng cạnh đê tả Đáy của gia đình bà Trịnh Thị Ngọc, xóm 4, thôn Đồng Nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn đối với công trình xây dựng xong phần thô 5 tầng cạnh đê tả Đáy của gia đình ông Trịnh Đắc Lam, xóm 4, thôn Đồng Nhân đã được cấp sổ đỏ. Khi phóng viên đặt câu hỏi vậy, giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động xây dựng của 2 công trình này và giấy tờ sử dụng đất để kiểm soát hoạt động xây dựng có đúng vị trí, đúng diện tích hay không? Ông Tập khẳng định là có sổ đỏ nhưng trên thực thế, thì 2 công trình này hiện nay đều chưa có sổ đỏ.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông La Tạ Công Hợp khẳng định, 2 công trình nhà ở trên không có giấy tờ quản lý đất đai nào tại địa phương, ngoài bản đồ quản lý năm 1997 và 2 công trình này cũng đều chưa được cấp có thẩm quyền cấp sổ đỏ.

Theo Báo cáo số 08 ngày 19/1/2024 của UBND xã Đông La đối với 2 công trình trên cho thấy, đối với công trình thửa đất số 5, tờ bản đồ số 11 do ông Trịnh Đắc Lam làm chủ đầu tư xây dựng xong phần thô 5 tầng. Diện tích xây dựng tầng 1 là 750m2. Ngày 2/6/2023 UBND xã phối hợp với Đội Thanh tra xây dựng huyện Hoài Đức, hạt quản lý đê Hoài Đức – Hà Đông lập biên bản kiểm tra hiện trạng.

Tuy nhiên, đối chiếu thực tế tại biên bản kiểm tra của 3 đơn vị trên rất sơ sài, có dấu hiệu ghi biên bản thiếu trung thực so với thực tế hiện trạng công trình và xác định khoảng cách vị trí công trình với hành lang bảo vệ đê và quy định về hành lang thoát lũ.

Công trình hộ gia đình bà bà Trịnh Thị Ngọc cạnh đê tả Đáy

Công trình hộ gia đình bà bà Trịnh Thị Ngọc cạnh đê tả Đáy

Ông Lê Thiên Dương – Hạt trưởng Hạt quản lý đê Hoài Đức khẳng định 2 công trình xây dựng trên nằm trong vị trí hành lang thoát lũ của đê tả Đáy. Còn đối với kiểm soát hoạt động xây dựng, ông Dương cho rằng đó là trách nhiệm của UBND xã Đông La và Đội quản lý trật tự xây dựng huyện Hoài Đức.

Theo Chủ tịch UBND xã Đông La Kiều Duy Tập, hiện nay UBND xã Đông La chỉ có 2 biên bản phối hợp kiểm tra duy nhất đối với 2 công trình trên về hiện trạng khi đang thi công phần móng, ngoài ra trong quá trình 2 công trình này xây dựng đến nay chưa nhận được phản ánh vi phạm nào khác.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện Đội quản lý trật tự xây dựng cho biết có lập biên bản đối với 2 công trình này nhưng không cung cấp cho Báo Pháp luật Việt Nam được.

Phó Chủ tịch xã Đông La và cán bộ Đội quản lý trật tự xây dựng huyện Hoài Đức trao đổi thông tin với PV Báo PLVN

Phó Chủ tịch xã Đông La và cán bộ Đội quản lý trật tự xây dựng huyện Hoài Đức trao đổi thông tin với PV Báo PLVN

Cũng tại buổi làm việc, khi phóng viên đặt vấn đề về việc, nếu như 2 công trình này chưa được cấp có thẩm quyền cấp GCNQD đất (sổ đỏ), trong khi đó công trình xây dựng với diện tích lớn hàng trăm m2, thậm chí nhiều hơn, thì việc kiểm soát vị trí xây dựng, diện tích xây dựng như thế nào? Phó Chủ tịch xã Đông La Tạ Công Hợp không đưa ra được lời giải thích và cho rằng ở địa bàn huyện Hoài Đức hiện nay có hàng trăm hộ như thế!

Vậy, theo như trả lời của lãnh đạo UBND xã Đông La như vậy, thì câu hỏi đặt ra với cơ quan quản lý Nhà nước huyện Hoài Đức hiện nay và trong những năm qua như thế nào, thiết nghĩ, cấp thiết lãnh đạo thành phố Hà Nội cần sớm chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra toàn diện trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn không chỉ xã Đông La mà còn toàn địa bàn huyện Hoài Đức.

Được biết, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU về việc Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tạo sự chuyển biến trong hành động, trách nhiệm trong quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai bền vững. Theo đó, UBND Thành phố có Kế hoạch số 137/KH-UBND, ngày 5/5/2023, với các nội dung quan trọng về nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND cấp quận, huyện tham mưu việc chỉ đạo xử lý những tồn tại, vướng mắc về đất đai. Vậy đến nay UBND huyện Hoài Đức triển khai thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vấn đề trên như thế nào?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Cùng chuyên mục