Đắk Lắk: Cần xem xét lại việc không khởi tố đối với hành vi tháo dỡ làm hư hỏng tài sản của công ty Sachi

(PLM) -  Theo quy định hiện hành, không có quy định nào cho phép bên cho thuê được vứt bỏ đồ đạc, tháo dỡ công trình, tài sản của bên thuê ra khỏi khu vực thuê. Ngay cả trong trường hợp bên thuê vi phạm nghĩa vụ nghiêm trọng hợp đồng thuê hoặc kể cả trường hợp hết hạn hợp đồng.
Đắk Lắk: Cần xem xét lại việc không khởi tố đối với hành vi tháo dỡ làm hư hỏng tài sản của công ty Sachi

Nhiều tài sản bị hư hỏng

Hợp đồng cho thuê kho xưởng là một dạng hợp đồng cho thuê tài sản, là sự thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê. Các bên cho thuê và bên thuê đều có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật và thực hiện các điều khoản trong hợp đồng đã giao kết.

Trong trường hợp một trong các bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc hợp đồng thuê hết hạn mà hợp đồng không có điều khoản thỏa thuận về việc bàn giao, trả lại tài sản là kho xưởng thì các bên sẽ phải thoả thuận, nếu phát sinh tranh chấp, các bên phải làm thủ tục khởi kiện để toà án có thẩm quyền giải quyết.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào cho phép bên cho thuê nhà ở được tự ý dọn đồ đạc của bên thuê ra ngoài cho dù hợp đồng hết thời hạn hay bên thuê có hành vi vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng.

Thậmchí, nếu bên cho thuê tự ý di chuyển đồ đạc của bên thuê dẫn tới mất mát, hư hỏng tài sản của bên thuê thì bên cho thuê còn có thể bị bên thuê khởi kiện yêu cầu trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại.

Toàn bộ tài sản, tư liệu sản xuất của Công ty Sachi bị hư hỏng, không thể tái sử dụng

Toàn bộ tài sản, tư liệu sản xuất của Công ty Sachi bị hư hỏng, không thể tái sử dụng

Gần đây, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc công ty TNHH Sachi Cao Nguyên, có địa chỉ ở Lô 2 – 3, đường số 5, Khu công nghiệp Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phản ánh về việc toàn bộ kho xưởng, máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất của công ty Sachi bị bên cho thuê là Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Hương Vị Việt (Công ty Hương Vị Việt) di chuyển ra khỏi khu vực nhà xưởng mà không có sự đồng ý của công ty Sachi, dẫn tới nhiều tài sản bị hư hỏng hoàn toàn.

Cụ thể, theo phản ánh, ngày 18/4/2018, Công ty Sachi và Công ty Hương Vị Việt có ký kết hợp đồng kinh tế, theo nội dung hợp đồng, công ty Hương Vị Việt cho công ty Sachi thuê 300m2 tại Lô 2-3, Đường số 5, Khu công nghiệp Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột để xây dựng làm kho xưởng sản xuất, thời hạn thuê là 05 năm. Số tiền thuê hàng năm là 135 triệu đồng. Số tiền thuê này được thanh toán vào tháng 5 hàng năm.

Việc thực hiện hợp đồng được hai bên triển khai bình thường, tuy nhiên, đến tháng 5/2020, do tình hình dịch bệnh Covid phức tạp, công ty Sachi gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên đã chậm thanh toán thuê kho xưởng cho bên công ty Hương Vị Việt.

Tuy nhiên, khi Hợp đồng thuê kho xưởng giữa công ty Sachi và công ty Hương Vị Việt vẫn còn hiệu lực, thì đến tháng 7/2020, Công ty Hương Vị Việt đã ký kết với Công ty cà phê Hà Lan Việt Nam cho thuê lại khu vực kho xưởng Công ty Sachi đang thuê, mà công ty Sachi không hề hay biết.

Tiếp theo, đến tháng 8 và tháng 9/2020, Công ty Hương Vị Việt gửi thông báo yêu cầu Công ty Sachi tháo dỡ và di chuyển thiết bị, máy móc, nguyên liệu sản xuất ra khỏi khu vực nhà xưởng.

Không đồng ý với các yêu cầu này, Công ty Sachi đã có văn bản phúc đáp lại Công ty Hương Vị Việt trên tinh thần hợp tác, thỏa thuận, hỗ trợ trong thời kỳ dịch bệnh, Công ty Sachi đề nghị Công ty Hương Vị Việt tiếp tục cho Công ty Sachi được thuê và Công ty Sachi sẽ thanh toán số tiền thuê theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, không đồng ý với đề nghị của Công ty Sachi, ngày 24/10/2020, Công ty Hương Vị Việt tổ chức thuê người tiến hành tháo dỡ kho xưởng, di dời máy móc, nguyên liệu sản xuất của Công ty Sachi ra khỏi khu vực nhà xưởng.

Theo bà Phương, việc Công ty Hương Vị Việt tự ý đập phá, tháo dỡ nhà xưởng, di chuyển nguyên liệu, máy móc sản xuất ra khỏi xưởng đã gây hư hỏng toàn bộ nguyên liệu sản xuất, nhiều máy móc, thiết bị… không thể sử dụng dẫn tới thiệt hại lớn về kinh tế cho Công ty Sachi.

Bà Phương chia sẻ: “Toàn bộ nguyên liệu sản xuất, máy móc, thiết bị, sản phẩm… đều bị đập phá, tháo dỡ vứt bỏ ra ngoài trời dẫn đến hư hỏng hoàn toàn không còn giá trị sử dụng. Tổng giá giá trị bị thiệt hại 2,5 tỷ đồng”.

Có hay không dấu hiệu của việc hủy hoại tài sản?

Trước sự việc trên, bà Phương đã làm đơn tố cáo gửi đến Công an thành phố Buôn Ma Thuột và cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đắk Lắk về hành vi tự ý đập phá, tháo dỡ tài sản của Công ty Sachi do hành vi của ông Nguyễn Văn Hồng – Giám đốc Công ty Hương Vị Việt gây ra có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác được quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự.

Ngày 22/4/2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk có văn bản trả lời đơn số 493/TLĐ-PC02(Đ5) gửi bà Nguyễn Thị Phương. Theo đó, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk xác định: Nội dung tố cáo của bà Phương đối với công ty Hương Vị Việt là tranh chấp hợp đồng kinh tế, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan cảnh sát điều tra. Phòng Cảnh sát hình sự có Hướng dẫn số 1366/HĐ-PC02 về việc hướng dẫn bà Phương và ông Nguyễn Chí Danh là Giám đốc Công ty Sachi khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột để được giải quyết về việc tranh chấp dân sự.

Cũng theo văn bản trả lời này, Phòng Cảnh sát hình sự cũng xác định, trong quá trình thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng, Công ty Hương Vị Việt phối hợp với cá nhân khác di chuyển tài sản của Công ty Sachi ra ngoài vị trí kho cho thuê. Việc di dời tài sản trên thì Công ty Hương Vị Việt có kê lót, chông thấm, phủ bạt đề bảo quản, đồng thời lập biên bản và có sự chứng kiến của ông Nguyễn Đức Thảo – Tổ trưởng tổ bảo vệ Khu Công nghiệp Tân An.

Không đồng ý với kết luận của Công an tỉnh Đắk Lắk, bà Phương cho biết: “Việc Công ty Hương Vị Việt nếu có tranh chấp thì đó chỉ là tranh chấp về việc thuê mặt bằng kho để sản xuất. Nếu có tranh chấp thì hai bên bàn bạc thống nhất, nếu không thỏa thuận được thì hai bên khởi kiện đến tòa án nhân dân để giải quyết. Việc Công ty Hương Vị Việt tự ý đập phá, tháo dỡ tài sản, thiết bị… ra khỏi kho gây thiệt hại đó là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Vì theo Luật dân sự không có điều khoản nào quy định: khi một bên có vi phạm hợp đồng thì bên kia có quyền tự ý đập phá, tháo dỡ tài sản của bên vi phạm, do đó việc cơ quan điều tra công an tỉnh Đắk Lắk cho rằng hành vi đập phá, tháo dỡ tài sản… gây thiệt hại rất nghiêm trọng là do tranh chấp dân sự nhưng không nêu ra cụ thể tranh chấp dân sự được quy định tại điều, khoản nào của Luật dân sự nhưng lại hướng dẫn làm đơn khởi kiện đến toàn án dân sự để giải quyết là hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật.”

Bà Phương cũng khẳng định, Công ty Hương Vị Việt không có quyền tự ý đập phá, tháo dỡ tài sản của công ty Sachi. Trong trường hợp bên thuê là công ty tôi không di chuyển tài sản thì bên Công ty Hương Vị Việt cũng phải tiến hành khởi kiện ra tòa án cóthẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

Trước sự việc trên, bà Phương mong muốn Công an tỉnh Đắk Lắk, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan có liên quan sớm xem xét lại việc không khởi tố đối với hành vi của tự ý tháo dỡ, di dời tài sản của công ty Hương Vị Việt.

Cùng chuyên mục