Công ty CP Quản lý và XDCT giao thông 236: Hành trình xây dựng và phát triển

(PLM) -   Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bảo trì, sửa chữa và xây dựng các công trình giao thông đường bộ, đảm bảo giao thông tại các địa bàn có đường quản lý đi qua, Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng công trình giao thông 236 (Công ty 236) kể từ ngày cổ phần hóa đến này đã có những bước tiến vượt bậc. Trên con đường phát triển ấy, Công ty 236 đã trải qua những thăng trầm để vươn tới thành công.
Trụ sở Công ty CP Quản lý và XDCT giao thông 236
Trụ sở Công ty CP Quản lý và XDCT giao thông 236

Hơn 30 năm hình thành và phát triển

Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 tiền thân là Phân Khu quản lý đường bộ 236 được thành lập theo quyết định số 936/QĐ/TCCB-LĐ ngày 03/6/1992 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, sửa chữa thường xuyên, trung tu và đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ được giao.

Năm 1998 theo quyết định số 473/1998/QĐ/TCCB-LĐ ngày 25/03/1998 của Bộ GTVT chuyển đơn vị sự nghiệp kinh tế Phân khu quản lý đường bộ 236 thành Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích và đổi tên thành Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 236 với ngành nghề kinh doanh chủ yếu quản lý, khai thác duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đường bộ, sửa chữa lớn và xây dựng cơ bản nhỏ, đảm bảo giao thông khi thiên tai, địch họa xẩy ra trên địa bàn có đường quản lý đi qua ...

Ngày 21/11/2005, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 4413/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt phương án chuyển đổi Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 236 thành Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng công trình giao thông 236 với vốn điều lệ được xác định là 13.735.000.000 đồng. Trong đó, cổ phần nhà nước là 332.000 cổ phần chiếm 24,17% vốn Điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp chiếm 55,83% vốn Điều lệ tương đương với 766.800 cổ phần; cổ phần bán đấu giá công khai là 274.700 cổ phần chiếm 20% vốn Điều lệ với giá bán khởi điểm 10.000 đồng/1cổ phần.

Sau khi xác định lại phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang cổ phần (sau khi công ty trả lại phần vốn lưu động cho nhà nước), Bộ GTVT đã có quyết định số 1181/QĐ-BGTVT ngày 30/5/2006 về việc điều chỉnh vốn điều lệ của Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 236 là 11.235.000.000 đồng tương đương 1.123.500 cổ phần. Trong đó, số cổ phần do nhà nước nắm giữ là 334.300 cổ phần chiếm 29,8% vốn Điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 766.800 cổ phần chiếm 68,2% vốn Điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai là 22.400 cổ phần chiếm 2% vốn Điều lệ.

Ngày 24/8/2006, Bộ GTVT có Quyết định số 1760/QĐ-BGTVT về việc chính thức đổi tên Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ 236 thành Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236.

Đến ngày 29/09/2006, Công ty chính thức hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0100109561 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp.

Tại thời điểm ngày 31/12//2016 (trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán UPcoM), Hội đồng quản trị Công ty 236 gồm các ông: Nguyễn Văn Tự - Chủ tịch HĐQT (sở hữu 56.300 cổ phiếu chiếm 5,01% vốn điều lệ), ông Phạm Ngọc Trương, Thành viên HĐQT – giữ chức Giám Đốc Công ty (sở hữu 180.850 cổ phiếu, chiếm 16,1% vốn điều lệ), các ông Phạm Ân Trường (sở hữu 81.800 cổ phiếu, chiếm 7,28% vốn điều lệ), Vũ Tuấn Toàn (sở hữu 56.500 cổ phiếu chiếm 5,03% vốn điều lệ), Dương Bá Đoàn (sở hữu 69.550 cổ phiếu chiếm 6,19% vốn điều lệ) là Thành viên HĐQT – giữ chức Phó Giám đốc Công ty. Thời điểm này, Ban giám đốc Công ty 236 còn ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1979) - sở hữu 33.005 cổ phiếu chiếm 2,9% vốn điều lệ và Kế toán trưởng của Công ty 236 là bà Lương Thị Bích Hương (SN 1966) – sở hữu 5.600 cổ phiếu chiếm 0,5% vốn điều lệ công ty.

Đáng chú ý, ngày 31/05/2017, là ngày giao dịch đầu tiên Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 (mã CK: C36) niêm yết trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 13.700 đ/cổ phiếu và số cổ phiếu lưu hành là 1.123.500 cổ. Tuy nhiên, đến ngày 07/01/2022, Công ty 236 đã chính thức hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM (theo thông báo số 3655/TB-SGDHN ngày 15/12/2021 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội).

Đến tháng 7/2022, Công ty 236 tăng vốn điều lệ từ 11,235 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng. Thời điểm này, ông Nguyễn Văn Tự không còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty 236 mà thay thế ông Nguyễn Văn Tự đảm nhận chức vụ này là ông Phạm Ngọc Trương - Thành viên HĐQT - Giám đốc Công ty.

Theo danh sách công bố, ngày 01/9/2022, HĐQT Công ty 236 gồm: ông Phạm Ngọc Trương – Chủ tịch HĐQT nắm giữ 279.563 cổ phần (tương đương 18,6% vốn điều lệ); ông Dương Bá Đoàn -Thành viên HĐQT, Giám đốc Công ty nắm giữ 92.857 cổ phần (tương đương 6,2%); ông Phạm Ân Trường - Thành viên HĐQT, PGĐ Công ty nắm giữ 109.212 cổ phần (tương đường 7,3%); ông Nguyễn Văn Sơn – Thành viên HĐQT, PGĐ Cty nắm giữ 63.958 cổ phần (tương đương 4,3%) và ông Nguyễn Minh Hiển – Thành viên HĐQT, PGĐ Công ty nắm giữ 62.396 cổ phần (tương đương 4,2%).

Tiếp đó, đến ngày 19/12/2023, Công ty cổ phần quản lý và xây dựng công trình giao thông 236 có thông báo số 906 /TCKH/2023 về việc Đăng ký và nộp tiền mua cổ phần tăng vốn Điều lệ năm 2023. Theo đó, Công ty CP quản lý và xây dựng công trình giao thông 236 tăng vốn Điều lệ năm năm 2023 từ 15 tỷ lên 25 tỷ, tương đương tăng 66,667%.

Cụ thể, tăng vốn điều lệ gồm 2 hình thức như sau: Một là, tăng từ lợi nhuận để lại chưa phân phối. Theo đó, mỗi 100 cổ phần cổ đông sở hữu sẽ được chia 15 cổ phần từ lợi nhuận để lại và một phần quỹ Đầu tư sản xuất để tăng vốn điều lệ.

Hai là, tăng từ quyền chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000đ/1 cổ phần. Theo đó, mỗi 100 cổ phần cổ đông sở hữu sẽ được quyền mua 51,667 cổ phần để lại để tăng vốn điều lệ.

Cần khách quan và công tâm đánh giá các trường hợp nhà thầu có cá nhân vi phạm

Thời gian qua, một số cơ quan chức năng đã công khai các quyết định cấm đấu thầu đối với một số cá nhân sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả khi tham gia đấu thầu trong đó có công ty 236.

Theo các chuyên gia, việc cấm tham gia đấu thầu với các cá nhân vi phạm là chính đáng để kịp thời ngăn ngừa các nhân sự “dởm” thi công các công trình sử dụng vốn ngân sách nhưng việc đánh giá và xử lý trách nhiệm liên đới của nhà thầu từng sử dụng loại nhân sự này nên cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng, cần phải công tâm và khách quan để tránh loại bỏ những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm khi vô tình sử dụng nhân sự “dởm” tham gia đấu thầu.

Trao đổi với PV, Công ty 236 cho biết, khi tuyển dụng nhân sự, nhà thầu không biết việc một số nhân sự sử dụng bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ giả mạo. Khi các loại giấy tờ này được bên mời thầu/chủ đầu tư xác minh thì nhà thầu mới biết. Khi được thông báo về hành vi sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả của các nhân sự, nhà thầu đã ngay lập tức sa thải nhân sự và có đề xuất về việc thay thế đối với các nhân sự này trong hồ sơ dự thầu nhưng không được bên mời thầu/chủ đầu tư chấp thuận. Việc ký hợp đồng lao động với nhân sự sử dụng bằng cấp giả, dùng nhân sự tham gia đấu thầu là “lỗi” vô tình, là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” chứ không phải là chủ đích của nhà thầu.

Theo một chuyên gia đấu thầu, ở một số gói thầu xảy ra tình trạng hồ sơ mời thầu yêu cầu quá nhiều bằng cấp, chứng chỉ đối với các nhân sự. Điều này cũng tạo áp lực cho nhà thầu trong việc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, phải huy động một lượng lớn nhân sự để tham gia đấu thầu (có thể là nhân sự của nhà thầu hoặc nhân sự do nhà thầu đi thuê) và việc thẩm tra nguồn gốc, chất lượng của “rừng” bằng cấp, chứng chỉ của các nhân sự tham gia đấu thầu không phải là điều dễ dàng đối với nhà thầu. Do đó sẽ có những trường hợp nhà thầu sử dụng nhân sự có bằng cấp, chứng chỉ giả ngoài mong muốn.

Đồng thời việc đánh giá đối với các trường hợp nhà thầu có cá nhân vi phạm, sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả cần khách quan và công tâm, cần cẩn trọng và cân nhắc các giải pháp xử lý, không nên vội vàng kết luận, quy chụp nhà thầu mà phải cân nhắc từng trường hợp cụ thể. Theo đó, cần sử dụng một vài chuyên gia thẩm định, đánh giá kỹ, sâu về việc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả của các nhân sự khi tham gia đấu thầu, phân tích xem có phải là lỗi cố ý của nhà thầu hay không. Nếu nhận thấy việc nhân sự sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả một cách tinh vi, trà trộn vào nguồn nhân lực của nhà thầu để tham gia đấu thầu mà không phải lỗi cố ý của nhà thầu thì cần xem xét để có các giải pháp xử lý phù hợp bởi bản thân nhà thầu cũng là “bị hại” trong vụ việc này.

Một chuyên gia về đấu thầu cũng cho biết, về nguyên tắc, nhà thầu chịu trách nhiệm đối với tính chính xác, trung thực của các tài liệu, thông tin đã nộp trong hồ sơ dự thầu. Thời gian qua, không ít nhà thầu bị loại ngay ở bước đánh giá về kỹ thuật do sử dụng nhân sự có bằng cấp, chứng chỉ giả bị chủ đầu tư/bên mời thầu phát giác. Đây là bài học đắt giá để các nhà thầu “khắc cốt ghi tâm”, cẩn trọng và sàng lọc kỹ lưỡng hơn đối với nguồn nhân sự của mình cũng như có sự rà soát kỹ đối với các nhân sự thuê, mượn ở bên ngoài khi tham gia đấu thầu bởi câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” là có thật, nhà thầu mất cơ hội việc làm do “sơ sẩy” trong việc kiểm tra, đối soát tính trung thực các tài liệu mà mình nộp trong hồ sơ dự thầu. Còn đối với cơ quan chức năng, người có thẩm quyền, chủ đầu tư/bên mời thầu khi phát hiện cá nhân vi phạm trong sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả trong các hồ sơ dự thầu cần lắng nghe nhà thầu, cho họ giải trình cụ thể, nếu thuyết phục thì cần có giải pháp hợp lý, công bằng và khách quan đối với nhà thầu, tránh loại bỏ hoặc vội vàng quy chụp, đưa ra các giải pháp không “thấu đáo” đối với các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực sự, không có động cơ “gian lận” để trúng thầu.

Cùng chuyên mục