Trong những ngày gần đây, dư luận cả nước xôn xao việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) thu hồi 110.000 cuốn sách giáo khoa (SGK), đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Động thái của NXBGDVN và Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) được cho là có tính cầu thị, trước ý kiến phản ánh của cử tri và công luận về những bất cập trong sách giáo khoa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống – NXBGDVN.
Tuy nhiên, trước con số 110.000 cuốn sách bị thu hồi và 38.000 cuốn sách được hủy và in lại của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống mà Bộ GD&ĐT nêu trong công văn số 104/BGDĐT trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại hội trường kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, dư luận xã hội không khỏi băn khoăn về tính thực tiễn của số liệu này. Bộ GD&ĐT chắc hẳn phải nắm được năm học 2021 – 2022, trên phạm vi cả nước có bao nhiêu em học sinh học lớp 6. Đồng thời, là cơ quan chủ quản của NXBGDVN, Bộ GD&ĐT hẳn cũng nắm rõ bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần sách giáo khoa trong cả nước. Số lượng 110.000 cuốn sách có lẽ chỉ tương đương với số học sinh lớp 6 của một thành phố lớn mà thôi. Vậy kế hoạch thu hồi sách này thực hiện theo văn bản nào, quy mô tổ chức thực hiện ra sao?
Có hay không việc 38.000 cuốn sách Khoa học Tự nhiên 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được hủy và in lại? |
Cũng trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội vừa qua, Đại biểu Quốc hội nêu lên những vấn đề mà công luận mới đây phản ánh về lỗi trong các cuốn sách Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2 và Ngữ văn 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống - NXBGDVN thiếu tính khoa học và tính giáo dục, thì Bộ GD&ĐT lại viện dẫn công văn số 5240/BGDDT từ hai năm trước (ngày 03/12/2020) về việc điều chỉnh ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của một nhà xuất bản không trực thuộc NXBGDVN. Điều này khiến dư luận xã hội và cử tri cả nước băn khoăn bởi vấn đề đó đã được giải quyết kịp thời ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từ tháng 11/2020. Toàn bộ văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội của Bộ GD&ĐT không hề đả động đến những sai phạm mà công luận đã nhiều lần nêu trong ba cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2 và sách Ngữ văn 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống – NXBGDVN.
Cần nhắc lại rằng, ngay từ đầu năm học 2021 – 2022, nhiều nhà giáo, phụ huynh học sinh và công luận đã nêu về một số lỗi trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của NXBGDVN, không có bài nào cho học sinh làm quen với việc tập viết chữ hoa, bỏ không dạy chữ P với tư cách là phụ âm đầu, khiến giáo viên và nhà trưởng phải tự điều chỉnh; đưa áng văn hay “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh từ chương trình Trung học cơ sở xuống dạy ở lớp 1, đẽo gọt, chế tác lại làm mất hoàn toàn hồn cốt cuả nguyên tác. Cũng ở cuốn sách Tiếng Việt 1 này, trong khi loay hoay tìm cách làm mới SGK, tác giả cuốn sách gần như không chú ý tới chủ trương giảm tải trong mỗi bài học cũng như tâm lý và sức khỏe của đối tượng người học là các em mới vào lớp 1 còn rất non nớt. Với mỗi bài học trên lớp, học sinh lớp 1 phải học nhồi nhét từ 3 - 4 âm, vần hoặc bớt đi nhiều vần; dồn chương trình dạy âm – vần mà các sách từ trước tới nay phải học 24 đến 26 tuần xuống còn 15 tuần, coi đó là thành tích của “đổi mới” SGK; bài tập giải ô chữ dài cả trang sách; yêu cầu học sinh lớp 1 nêu cảm nghĩ… Đặc biệt liên quan đến quyền tác giả, tác phẩm, hầu như các câu chuyện được tác giả SGK Tiếng Việt 1 sử dụng đều không ghi rõ nguồn, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ.
Đối với SGK Tiếng Việt 2, công luận đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề ngữ liệu thiếu tính giáo dục, vi phạm về bình đẳng giới, ảnh hưởng tới giáo dục nhân cách cho các em học sinh ở độ tuổi còn rất nhỏ.
Sách của NXB GDVN gặp nhiều vấn đề về ngữ liệu. |
Sau việc bài thơ “Bắt nạt” được đưa vào SGK Ngữ văn 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, dư luận cũng dậy sóng về một loạt vấn đề bất cập trong cuốn sách này. Tác giả cuốn sách đã không thực hiện đúng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: không dạy học sinh lớp 6 làm quen với các thể loại văn học mà dạy học sinh theo chủ đề cuộc sống như dạy học sinh tiểu học; không dạy thơ lục bát nhưng lại dạy các thể loại thơ tự do không chuẩn mực; đưa thể loại tùy bút lẽ ra phải dạy ở lớp trên xuống dạy ở lớp 6, trái với quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Những ý kiến về ba cuốn sách trên của công luận trong nhiều tháng qua phải chăng nằm ngoài những vấn đề mà Bộ GD&ĐT cần trả lời Đại biểu Quốc hội và công luận?!
Cũng trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ GD&ĐT cho biết, “NXBGDVN đã gửi tài liệu điều chỉnh thay thế các văn bản, các ngữ liệu chưa phù hợp để sử dụng trong dạy học, bảo đảm yêu cầu của Chương trình; chỉ đạo các nhà trường, giáo viên kịp thời sử dụng các văn bản ngữ liệu khác để thay thế”. Vậy tài liệu mà NXBGDVN gửi xuống các cơ sở giáo dục để thay thế là những tài liệu nào, thay thế những ngữ liệu trong cuốn sách nào, kèm theo công văn chỉ đạo nào của Bộ GD&ĐT?
Về việc chỉnh sửa những sai phạm trong SGK Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, văn bản số 104/BGDĐT-GDTrH ngày 12/01/2022 của Bộ GD&ĐT nêu rõ: “NXBGDVN đã tiếp thu, chỉnh sửa, và hướng dẫn giáo viên lưu ý vấn đề này trong sách giáo viên Khoa học tự nhiên 6”. Trên thực tế, khi phát hành SGK sẽ đồng thời phát hành sách giáo viên và một số sách tham khảo khác. Vậy tại sao SGK sai không sửa mà NXBGDVN lại chỉ sửa sách giáo viên?
Câu hỏi được đặt ra: Có hay không việc NXBGDVN đã thu hồi 110.000 cuốn sách đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6? Có hay không việc các cuốn sách Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2, Ngữ văn 6 đã được thay các ngữ liệu khác cho phù hợp hơn? NXBGDVN là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, vậy trách nhiệm đối với những tổn thất cho việc thu hồi, sửa chữa sách và những công việc liên quan khác sẽ thuộc về ai?