Theo đơn kêu cứu của các ông Lý Văn Xu, Lý Văn Tuấn, Lý Văn Tú (trú tại thôn Hoàng Mai 3, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) gửi đến Toà soạn Báo PLVN cho biết: Năm 1990 cụ Lý Văn Sáu là bố của các ông Xu, Tuấn, Văn có dùng 06 thước ruộng trồng rau xanh tại cánh đồng Sau Thông thuộc thôn Hoàng Mai 3 xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, để đổi lấy 609,2m2 đất ao tại xóm Ngòi, thôn Hoàng Mai 3, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang của người anh họ là cụ Lý Văn Hựu.
Việc đổi có sự chứng kiến của ông Lý Văn Bình (con trai ruột cụ Hựu) và bà Đỗ Thị Đài (con dâu cụ Hựu). Sau khi hai bên đổi đất, cả hai gia đình đều đã sử dụng ổn suốt nhiều năm. Việc đổi đất này được hai bên viết tay, tuy nhiên sau đó bị thất lạc, và cho đến năm 2005 khi xảy ra tranh chấp với hộ láng giềng, gia đình ông Sáu tiếp tục nhờ con cụ Hựu là ông Lý Văn Bình viết lại nội dung xác nhận đổi đất giữa giữa cụ Sáu và cụ Hựu năm 1990.
Sau nhiều năm quản lý, sử dụng, đến nay, các con của gia đình ông Lý Văn Sáu đã tiếp quản và san lấp, tôn tạo diện tích ao sâu thành đất nền và xây dựng nhà cửa để cư trú. Tuy nhiên, sau đó, con trai cụ Hựu là ông Lý Văn Ngưu đã khởi kiện đòi quyền sở hữu với 609,2m2 đất ao đã tôn tạo. Việc khởi kiện này với lý do là cụ Hựu đã cho ông Ngưu thừa kế trong một cuộc họp gia đình, việc đổi đất không được ông chấp thuận.
Trao đổi với PLVN, ông Lý Văn Xu (con trai ông Sáu) cho biết, dù hồ sơ gốc liên quan đến giao dịch đổi đất bị thất lạc, nhưng gia đình chúng tôi có đủ hồ sơ giấy tờ để chứng minh cho việc đổi đất. “Gia đình chúng tôi có Giấy biên nhận đề ngày 2/11/2005 của ông Lý Văn Bình, nội dungxác nhận là có việc đổi đất giữa giữa cụ Sáu và cụ Hựu năm 1990, bà Đỗ Thị Đài (vợ ông Bình), ông Lý Văn Ngưu (nguyên đơn) đều xác nhận Giấy biên nhận này là đúng và do ông Bình lập.
Ngoài ra, trong hồ sơ ông Xu cung cấp còn có các giấy xác nhận của những người làm chứng là các ông/bà Nguyễn Đình Thiện, Nguyễn Đức Vũ, Thân Thị Phố, Nguyễn Thị Thơ, Hoàng Thị Mỹ…xác nhận về việc đổi đất. Trong khi đó, quyền thừa kế mà ông Ngưu lấy làm lý do khởi kiện là lời truyền miệng, được ông Ngưu thuật lại”, ông Xu nói.
Ngày 21/09/2020, TAND huyện Việt Yên đã tiến hành xét xử vụ án và quyết định ra Bản án sơ thẩm số 17/2020/DS-ST: Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lý Văn Ngưu đối yêu cầu đòi lại thửa đất ao đang tranh chấp tại xóm Ngòi, tổ dân phố Hoàng Mai 3, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Sau đó, ông Ngưu kháng cáo lên TAND tỉnh Bắc Giang. Ngày 12/5/2021 TAND tỉnh Bắc Giang đã đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án phúc thẩm số 66/2021/DS-PT TAND tỉnh Bắc Giang quyết định: Bản án Sơ thẩm của TAND huyện Việt Yên cần phải chỉnh sửa từ bác bỏ yêu cầu khởi kiện sang chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lý Văn Ngưu, đồng thời chấp thuận quyền quản lý, sử dụng đối với 220,9m2 đất tại xóm Ngòi (thôn Hoàng Mai 3, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mà gia đình ông Lý Văn Sáu đang quản lý, sử dụng cho ông Lý Văn Ngư.
Tuy nhiên, theo các bị đơn, các chuyên gia pháp lý thì, các quyết định trong Bản án phúc thẩm số 66/2021/DS-PT cho thấy Hội đồng xét xử (HĐXX) đã không xem xét kỹ các tình tiết, lời khai của các nhân chứng quan trọng trong vụ việc, dẫn đến những nhận định chưa khách quan, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của các bị đơn trong vụ án.
Luật sư Nguyễn Văn Đạt, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Sau khi xem xét những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của người làm chứng tôi thấy rằng: Nhận định và phán quyết tại Bản án phúc thẩm số 66/2021/DS-PT ngày 12 tháng 5 năm 2021 của TAND tỉnh Bắc Giang cần được xem xét lại ở một số vấn đề sau:
- Thứ nhất, chưa làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của nhân chứng là bà Đỗ Thị Đài tại các bản khai liên quan đến việc đổi đất và sử dụng đất tranh chấp;
- Thứ hai, chưa xem xét một cách đúng đắn lời khai của những nhân chứng và người có liên quan đối với thời điểm đổi đất, người thực hiện đổi đất;
- Thứ ba, các chứng cứ và nhân chứng cho thấy, việc đổi đất vào năm 1990 là có căn cứ rõ ràng, nhưng Toà án lại nhận định và áp dụng Luật Đất đai năm 1993 thay vì Luật Đất đai năm 1987 cần phải xác định lại;
- Thứ tư, giấy biên nhận đổi đất do ông Bình viết viết ngày 02/11/2005 là giấy xác nhận của ông Bình về giao dịch đổi đất là có thật giữa cụ Hựu và cụ Sáu năm 1990, chứ không phải là giấy đổi đất của cụ Hựu nên Toà án nhận định không có chữ ký của cụ Hựu là vô lý.
Dó đó, tôi thấy phán quyết tại Bản án phúc thẩm là chưa khách quan và không thuyết phục.
Ngoài ra, cả ba người con của cụ Sáu là các ông Lý Văn Xu; Lý Văn Tuấn; Lý Văn Tú, là những người thừa kế quyền nghĩa vụ hợp pháp của ông Sáu nên theo quy định của pháp luật, họ phải được triệu tập tham gia giải quyết vụ án với vai trò là người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Việc TAND tỉnh Bắc Giang không triệu tập họ là có dấu hiệu không thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của họ. Cá nhân tôi thấy, vụ án này có dấu hiệu oan sai, có căn cứ để kháng nghị Giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật”, luật sư Nguyễn Đạt nói.
Trả lời PLVN về sự việc này, đại diện TAND tỉnh Bắc Giang cho biết: Bản án phúc thẩm số 66/2021/DS-PT đã có hiệu lực pháp luật. Việc xem xét bản án này thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND Cấp cao Hà Nội.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.