"Bát nháo" thị trường bánh Trung thu giữa mùa dịch

(PLM) -  Chỉ gần 1 tháng nữa là là đến Tết Trung thu 2021, nhưng ở nước ta, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp. iều kiện khó khăn là thế, nhưng người tiêu dùng vẫn phải tiếp nhận những sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Nhu cầu mua bán online của người tiêu dùng trong mùa dịch tăng cao nên những sản phẩm độc hại này cũng theo chân thực khách… lên mạng.
"Bát nháo" thị trường bánh Trung thu giữa mùa dịch

Bánh trung thu trôi nổi từ cửa hàng lên… mạng xã hội

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi khi gần đến Tết Trung thu, thị trường bánh Trung thu lại nhộn nhịp hơn cả. Trong hoàn cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp, tại một số địa phương thuộc “vùng xanh”, “vùng an toàn”, các cửa hàng bán bánh trung thu vẫn được phép kinh doanh như mọi năm. Và cũng như mọi năm, tình trạng các cửa hàng kinh doanh sản phẩm “bánh trung thu” không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn tồn tại rất phổ biến.

Chỉ tính riêng ngày 10/8, khi Đoàn kiểm tra số 2 của Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm Viên Kết có địa chỉ tại Thôn Thượng, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 128 chiếc bánh trung thu do Trung Quốc sản xuất không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở là ông P. Q. V (SN 1983) không xuất trình được cho Đoàn kiểm tra hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hoá trên. Do đó, Đội trưởng đội QLTT số 1 đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chưa gần 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu, nhưng do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội khiến sức mua giảm, kênh phân phối truyền thống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, hình thức bán hàng trực tuyến đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh với đa dạng các sản phẩm. Trên các trạng mạng xã hội, vô vàn loại bánh trung thu từ cao cấp đến bình dân, với đủ loại thành phần, kích cỡ được quảng cáo rầm rộ, với nhiều ưu đãi.

Trong đó, “rộ” lên thời gian gần đây là loại bánh trung thu mini. Bánh trung thu mini còn được quảng cáo với nhãn mác nội địa Trung Quốc hay Đài Loan được bán với cái giá khoảng 30- 39000 đồng/hộp, chia ra mỗi 1 chiếc bánh có giá siêu rẻ chỉ từ 3000-4000 đồng/chiếc với đa dạng hương vị khác nhau. Thậm chí, nhiều trang bán lẻ trên mạng xã hội còn giảm giá “sốc” cho các khách hàng muốn mua với số lượng lớn, mua theo cân với giá từ 40-45000/kg, với khối lượng này, khách hàng có thể mua về khoảng 30 chiếc bánh. Đáng lưu ý, bao bì của loại bánh trung thu này đều được in bằng tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, loại bánh trung thu mini này chủ yếu được rao bán trên internet không hề có giấy tờ, thông tin để chứng minh về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Hơn nữa, hạn sử dụng của bánh trung thu mini nhập khẩu, được người bán quảng cáo có thể sử dụng trong vòng 6 tháng tính từ ngày sản xuất in trên bao bì. Chủ cửa hàng còn khẳng định “như đinh đóng cột” rằng loại bánh này rất dễ bảo quản, để dài ngày cũng không lo bị hư hỏng!

Bánh Trung thu mini siêu rẻ được quảng cáo "rầm rộ" trên Facebook. (Ảnh: Chụp màn hình)

Bánh Trung thu mini siêu rẻ được quảng cáo "rầm rộ" trên Facebook. (Ảnh: Chụp màn hình)

Hiểm họa “chực chờ” từ chiếc bánh Trung thu

Chính bởi mẫu mã lạ mắt, giá thành siêu rẻ, nên nhiều loại bánh trung thu, như bánh trung thu mini được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Tuy nhiên, ẩn chứa sau vỏ bọc hình thức ấy, là những hiểm họa khôn lường.

Theo PGS.TS Trịnh Bảo Ngọc, Đại học Y Hà Nội cảnh báo: "Tất cả những thực phẩm, bao gồm cả nhập khẩu, có bao gói sẵn là những thực phẩm phải có nhãn ghi theo đúng quy định của Cục An toàn thực phẩm thì mới được cấp phép lưu hành. Còn nếu như trên bánh không nó giấy phép, tem nhãn thể hiện hàng nhập khẩu mà tự ý bán thì đây là hàng không đạt tiêu chuẩn, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng".

Cũng theo chuyên gia, bánh trung thu nói riêng, bánh kẹo nhập lậu nói chung thường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe cho người sử dụng. Nhà sản xuất có thể dùng phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng… để có được giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng. Đã có không ít trường hợp người tiêu dùng, trong đó có trẻ em ăn bánh kẹo bị dị ứng, ngộ độc nhưng cha mẹ lại không rõ nguyên nhân từ đâu.

Do đó, khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Cùng chuyên mục