Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phù Cừ đưa ra những lý giải có hợp lý?

(PLM) - Việc yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ của các mặt hàng trong hồ sơ mời thầu là hành vi bị nghiêm cấm, thế nhưng tại gói thầu do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phù Cừ làm chủ đầu tư có dấu hiệu “gợi ý” đáp án, gây bất bình đẳng trong hoạt động đấu thầu.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phù Cừ đưa ra những lý giải có hợp lý?

Yêu cầu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa

Cụ thể, theo hồ sơ phóng viên thu thập được, ngày 20/6/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên (chủ đầu tư) ban hành Quyết định số: 95/QĐ-BQLDA về việc phê duyệt sửa đổi nội dung Hồ sơ mời thầu gói thầu: Thi công xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình Xây dựng Trường mầm non tập trung xã Tam Đa.

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phù Cừ.

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phù Cừ.

Đến ngày 18/8/2023, đơn vị này có Quyết định số: 181/QĐ-BQLDA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị Công trình: Xây dựng Trường mầm non tập trung xã Tam Đa. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Bắc Việt – SHV, Công ty Cổ phần cơ điện và công nghệ EMC, Công ty TNHH thiết bị trường học Nam Anh với giá trúng thầu là gần 41 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 720 ngày kể từ ngày bàn giao mặt bằng.

Tại hồ sơ mời thầu đã thẩm định, chủ đầu tư đã đưa ra yêu cầu phải mua sắm các sản phẩm có nhãn hiệu cụ thể như: Bộ bàn, ghế máy tính trẻ em 1 bàn+1 ghế đôi KT: Bàn 900x500x800mm, ghế 800x400x600mm; Bàn ghế: Gỗ tự nhiên cao su, sơn PU bóng, chân bàn 2 ô thoáng chữ nhật, yếm bàn dạng thanh giằng, mặt có gờ gỗ, có chỗ để destop, CPU, bàn phím; Dùng cho 1GV+1trẻ, có tựa, chỗ để tay; chân ghế có ô thoáng, sau có giằng. Xuất xứ: Việt Nam.

Tại hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Tại hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Giá để giầy dép inox KT: 1000 x 300 x1100mm; Vật liệu: Inox không nhiễm từ; Khung giá dép inox hộp vuông 12 x 12, chân đế inox hộp vuông 25 x 25, chân có bánh xe di chuyển. Giá được chia làm 05 tầng, mỗi tầng để được 8 đôi giày, dép của trẻ. Giá để được 40 đôi giày, dép trẻ mầm non. Xuất xứ: Việt Nam.

Máy bơm bù áp động cơ điện Q=3,6m3/h; H>=65mcn; Model: U7V-300/6T; Xuất xứ: pentax/ Ý. Máy bơm chữa cháy động cơ diezel Q=81m3/h; H>=49mcn; xuất xứ: pentax/Ý; Model: CM65-200A. Tủ trung tâm báo cháy 20 kênh Chungmei/Đài Loan Model: CM-P1-20L.

Trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật chủ đầu tư cũng yêu cầu xuất xứ hàng hóa.

Trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật chủ đầu tư cũng yêu cầu xuất xứ hàng hóa.

Bàn khu sơ chế, bàn chia thức ăn KT: D1100xR700xC800mm; Bàn Inox nhập ngoại. Khung hộp inox vuông 40x40x0.8mm; Mặt bàn inox dầy 0.8mm, có hệ thống gân tăng cứng; Chân bàn inox hộp 40x40mm, có điều chỉnh độ cao, có hệ thống giằng tăng cứng, giằng giữa hai chân Inox hộp 20x40 mm1 giá nan bên dưới để đồ. Xuất xứ: Việt Nam.

Đặc biệt, tại hồ sơ thiết kế kỹ thuật chủ đầu tư yêu cầu xuất xứ là Việt Nam, Hàn Quốc hoặc tương đương.

Hãng, xuất xứ không phải tiêu chí khi đánh giá HSDT

Làm rõ những vấn đề trên, ngày 20/10/2023, Công ty cổ phần tư vấn TDH có công văn số 09/2023/CV-TDH thay mặt chủ đầu tư trả lời thông tin báo Pháp luật Việt Nam.

Theo nội dung công văn, tại mục 3 Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật có yêu cầu đối với các vật tư thiết bị cung cấp cho gói thầu gồm Thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị trường học, điều hòa không khí: “Chỉ yêu cầu các hàng hóa có thông số kỹ thuật, hàng, xuất xứ cho từng loại hàng hóa đáp ứng tương đương hoặc tốt hơn yêu cầu của E-HSMT" mà không yêu cầu vật tư, hàng hóa phải đáp ứng đúng theo Bảng kể hạng mục công việc.

Công văn trả lời báo Pháp luật Việt Nam của Công ty cổ phần tư vấn TDH.

Công văn trả lời báo Pháp luật Việt Nam của Công ty cổ phần tư vấn TDH.

Khi đánh giá hồ sơ dự thầu, Bên mời thầu đánh giá theo các thông số kỹ thuật; hãng, xuất xứ có tương đương hoặc tốt hơn theo yêu cầu E-HSMT. Hãng, xuất xứ không phải tiêu chí đạt/không đạt khi đánh giá HSDT.

Cũng theo công văn, tại mẫu số 01A. Bảng kê hạng mục công việc thuộc Mẫu số 1B. E-HSMT xây lắp cho gói thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn “Bảng kê hạng mục công việc và khối lượng chỉ có giá trị tham khảo, nhà thầu có trách nhiệm chuẩn xác hạng mục công việc phù hợp với thiết kế và yêu cầu kỹ thuật tại Chương V. Sau khi chuẩn xác hạng mục công việc, khối lượng theo thiết kế Nhà thầu chào giá cho từng hạng mục theo Mẫu số 11 Chương này".

Đối với bảng kê hạng mục công việc thuộc E-HSMT gói thầu nêu trên, các công việc được nêu trong bảng kê hạng mục công việc mang tính chất tham khảo, nhà thầu có thể đề xuất và chào giá theo mẫu số 11 mà không bắt buộc phải chào đúng theo bảng kế hạng mục công việc của E-HSMT.

Việc bất thường trong hồ sơ mời thầu có thể khiến ai đó nghĩ rằng, chủ đầu tư đã cố tình “vượt rào” pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu. Bởi có nhiều văn bản pháp luật nghiêm cấm việc đưa ra yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm mà người làm đấu thầu không thể không biết.

Cụ thể, tại Điểm i, Khoản 6, Điều 89 quy định về “Các hành vi bị cấm trong đấu thầu” của Luật Đấu thầu quy định: “Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây: i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi”.

Tại Mục 7, Khoản 5, Điều 12, nghị định 63/2014//NĐ-CP Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu cũng quy định: “Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa”.

Thông tư số 05//2015/TT-BKHĐT cũng quy định bên mời thầu “không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt, đối xử”.

Ngoài ra, Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu cũng nhấn mạnh một lần nữa là các bên mời thầu không được yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa...

Như vậy, hệ thống pháp luật từ Luật, Nghị định, Thông tư và Chỉ thị đã thống nhất nội dung nghiêm cấm bên mời thầu đưa ra yêu cầu cụ thể về sản phẩm hàng hóa khi áp dụng đấu thầu rộng rãi. Vì vậy, việc chủ đầu tư vẫn đưa ra yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ cụ thể của hàng hóa là điều bất thường và khó hiểu cần phải xác minh làm rõ.

Cùng chuyên mục