Thương trường Sài Gòn thời bị “xử chém nếu buôn bán với nước ngoài”

Khung cảnh trong một ngôi chợ Sài Gòn thế kỷ 19
Khung cảnh trong một ngôi chợ Sài Gòn thế kỷ 19
(PLVN) - Đạo dụ nói rõ các đốc, phủ, bố, án nên nghiêm ngặt răn bảo các quan quân dân chúng trong hạt không được lén chở gạo ra những chỗ bến tàu ở Hạ Châu hoặc đem trao đổi với những lái buôn người nhà Thanh. Nếu ai vi phạm tức thì chiếu theo luật “trái lệ cấm ra biển, tư thông với người nước ngoài”, sẽ khép vào tội chết...

Đồng ruộng bỏ hoang, dịch bệnh tràn lan

Chiến trận liên miên những năm 1840-1845 đã gây nhiều thiệt hại cho nhân dân Nam Kỳ. Sản xuất nông nghiệp bị đình đốn, ruộng đồng bị tàn phá, nhiều nơi đất đai bị bỏ hoang. Hậu quả là mùa màng thất thu, người dân đói kém.

Năm 1844, các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Biên Hòa, Gia Định, Vĩnh Long giá gạo đắt. Vua Thiệu Trị sai đem thóc trong kho bán ra cho dân; lại vì dân tỉnh Biên Hòa nghèo túng, sai chia ra từng hạng mà chẩn cấp: người rất nghèo cấp cho 5 bát gạo và 3 tiền, nghèo vừa gạo 3 bát và 2 tiền, trẻ con chỉ có 1 bát gạo.

Trong một lần trò chuyện với các đại thần tháng 7/1841, vua Thiệu Trị đã hỏi Tổng đốc Bình Phú, Đặng Văn Thiêm: “Tỉnh Bình Định về thuế tô năm nay đều được tha miễn cho cả, lúa vụ chiêm này cũng hơi được mùa, tại sao lại thiếu ăn như thế?”. Đặng Văn Thiêm thưa rằng: “Hạt ấy số người thì đông đúc mà đất ruộng thì cấy được ít, xưa nay vẫn nhờ vào thóc gạo Nam Kỳ. Nay Nam Kỳ có việc binh đao, thóc gạo không chuyển vận được cho nên đến nỗi như thế...”.

Vua lại hỏi rằng: “Sáu tỉnh Nam Kỳ vẫn có tiếng là thóc gạo bừa bãi. Năm nay tha hết tô thuế mà giá gạo cũng còn đắt là cớ gì?”. Trương Đăng Quế thưa rằng: “Nam Kỳ cứ hàng năm từ tháng Giêng đến tháng 4, tháng 5, đều ăn nhờ vào gạo của Vĩnh Long và Gia Định; từ tháng 6 trở về sau ăn nhờ vào gạo của Lạc Hóa và Ba Xuyên. Nay việc đi bắt giặc chưa xong, dân gian không được hết sức việc cày cấy, cho nên số thóc của dân ăn không được dư. Song giá gạo tuy cao, nhưng vụ mùa sắp gặt đến nơi, dân gian cũng chưa đến nỗi gieo neo lắm”.

Khi chiến trận kết thúc thì tình hình càng bi đát hơn. Đồng ruộng bị bỏ hoang chưa khôi phục lại, nhân dân nhiều nơi thiếu ăn, mắc bệnh dịch. Tình hình này diễn ra suốt những năm cuối thời Thiệu Trị và khoảng 10 năm đầu thời Tự Đức.

Biến động chính trị, xã hội và những khó khăn thời hậu biến động ở Sài Gòn và toàn vùng Nam Kỳ đã ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế thương nghiệp Sài Gòn. Trong 2 năm quân Nguyễn vây quân Lê Văn Khôi ở thành Phiên An, việc buôn bán bị ngưng trệ, phố xá tiêu điều, thuyền buôn các nơi đến Sài Gòn bị hạn chế. Hai lần thuyền buôn Trung Hoa đến Sài Gòn nhưng không được vào buôn bán. Phố Sài Gòn ảm đạm, bị đốt phá do một số người ở đây theo quân nổi dậy. Phố chợ Bến Thành, do sát với nơi chiến địa nên bị tàn phá nhiều.

Giá cả leo thang

Hoạt động buôn bán nội bộ của cư dân Sài Gòn vẫn tiếp diễn nhưng không còn mạnh mẽ như trước. Trung tâm thương mại lớn nhất Sài Gòn là khu Chợ Lớn bị hủy hoại trong cuộc khởi binh Lê Văn Khôi. Sau đó, hoạt động thương mại tại đây dần được khôi phục nhưng không sao phồn vinh như trước.

“Thưa thớt dần, không được như trước” là tình cảnh của Chợ Lớn dưới thời Tự Đức. Chẳng những thế, khu Chợ Bến Thành cũng sa sút không kém, “từ năm Minh Mệnh thứ 14 trải qua loạn nghịch Khôi, phố xá bị tàn phá, kém trước nhiều”, sức phát triển thương mại của Sài Gòn theo đó cũng bị phá hoại nghiêm trọng. Ở một số nơi ngoài trung tâm, việc buôn bán vẫn được tiến hành trong phạm vi trao đổi nội vùng của dân địa phương.

Cảng Sài Gòn khoảng năm 1880
Cảng Sài Gòn khoảng năm 1880

Liên tiếp các năm 1841-1845, giá gạo ở Nam Kỳ khá cao. Thị trường Sài Gòn bị tác động mạnh, việc lưu thông và tiêu thụ hàng hóa bị hạn chế. Trước thực trạng ấy, tháng 7/1844, triều đình Huế quyết định thu mua một số mặt hàng ở Nam Kỳ với giá cao để ổn định thị trường, tăng cường sức mua, với cách thức “châm chước định những vật hạng nên mua ở từng tỉnh, thông sức những dân làm nghề buôn bán ở trong hạt, đều đem những thứ mà mình có đến quan mà bàn, chước lượng nâng cao hơn giá chợ 1, 2 thành, cấp tiền ngay ở trước mặt, để cho hóa vật dùng được vừa phải, dân có chỗ nhờ”.

Nhưng giải pháp này không giúp ích được là bao. Chỉ 3 tháng sau, giá cả các mặt hàng trên toàn tỉnh Gia Định leo thang chóng mặt. Có thứ tăng 2-3 lần, có thứ tăng lên 10 lần. Sự tình này khiến triều đình Thiệu Trị lại phải thay đổi giá mua hỗ trợ: “Lấy giá đã mua năm ngoái mà liệu định: nếu hơn lên một, hai, ba thành thì chiếu giá đã mua mà thêm một hai thành, nếu hơn lên đến 8 thành thì thêm 4 thành”.

Trước tình hình trên, năm 1839, nhà Nguyễn hủy bỏ lệ định thuyền buôn tư nhân phải định kì đi chở của công cho nhà nước. Quyết định này đã gây phấn chấn cho giới thương nhân. Từ đây, họ có thể yên tâm đi buôn mà không phải lo công việc bị gián đoạn như trước. Cũng kể từ đây, nhiều người có thể đến Sài Gòn đều đặn hơn.

Trong buôn bán, lúa gạo tiếp tục là mặt hàng ưu trội. Thóc gạo từ khắp Nam Kỳ được vận chuyển đến Sài Gòn ngày càng dễ dàng do chính sách khuyến khích của triều đình. Từ 1836, nhà Nguyễn định lệ chi tiết việc đánh thuế thuyền buôn trên các đường sông ở Nam Kỳ nhưng thuyền nào chở theo gạo thì được miễn.

Chủ trương này được tái khẳng định vào năm 1838. Trong nhiều năm sau, nhà Nguyễn lại có những động thái nhằm thúc đẩy việc buôn bán gạo. Đầu thời Tự Đức, năm 1848, ông quyết định bỏ hoàn toàn việc đánh thuế thuyền buôn ở Nam Kỳ. Chẳng những thế, năm 1854, Tự Đức còn chuẩn cấp cho thuyền buôn Nam Kỳ, mỗi chiếc 3.000-4.000 quan tiền để đi đong gạo tải đến các tỉnh miền Trung bán cho dân; hạn trong 4 tháng phải nộp lại tiền vốn đã cấp. Năm 1857, lại đẩy mạnh việc thuê thuyền buôn chở gạo trong Nam ra miền Trung...

Các biện pháp của triều đình đã tạo điều kiện để thuyền buôn miền Bắc, miền Trung đến Sài Gòn và Nam Kỳ mua gạo ngày một đông. Sau đó những thuyền này lại chở nặng gạo về bán tại địa phương. Thế nhưng hoàn cảnh buôn bán vẫn gặp nhiều trở ngại do xã hội miền Nam thường thiếu ổn định. Qua ghi chép của sử sách triều Nguyễn, có sự chênh lệch về giá thóc giữa các miền theo xu hướng càng ra Bắc giá thóc càng cao.

Sự tăng mạnh của giá gạo ở Nam Bộ và trên cả nước đã đem về những khoản lời lãi cho người buôn. Nhưng mặt khác, đối với người tiêu dùng thì giá gạo tăng nhanh lại càng trở thành gánh nặng khủng khiếp với những người bần cùng khốn khó.

“Cấm cửa” tàu buôn Tây

Trong khi đó, triều Nguyễn lại bỏ qua mối lợi thương mại từ việc giao thương quốc tế. Từ sau 1831, Minh Mạng thực hiện chính sách ngoại thương cấm đoán với các nước phương Tây. Tàu buôn phương Tây chỉ được đến Đà Nẵng thông thương, không được đến những nơi khác. Như vậy nhà Nguyễn đã tự đánh mất một đối tác thương mại quan trọng và làm cho Sài Gòn mất đi vị thế trung tâm thương mại quốc tế, giao lưu kinh tế với cả phương Đông và phương Tây. Đầu năm 1834, một thuyền buôn Pháp đến cửa biển Cần Giờ xin vào buôn bán nhưng không được.

Cảnh sinh hoạt, nhà cửa ở Sài Gòn thế kỷ 19

Cảnh sinh hoạt, nhà cửa ở Sài Gòn thế kỷ 19

Tháng 10/1835, “Tỉnh Hà Tiên có người khách buôn đi chiếc tàu bọc đồng đậu ở hòn Na Dự, trong tàu có người Hồng Mao chở đồ hóa hạng và 6 súng điểu thương, súng đoản mã cò máy đá, xin vào buôn bán chịu thuế. Việc ấy tâu lên, Ngài dụ quan tỉnh tới hiểu thị người chủ tàu ấy rằng: “Lệ tàu Tây đậu tại cửa Hàn (Đà Nẵng), còn các cửa biển khác không được tới buôn, phép nước rất nghiêm chẳng nên trái; biểu chiếc tàu ấy nên ra biển lập tức, không cho vào cửa. Từ nay về sau người Tàu phải đi tàu buôn nước Tàu mới cho vào cửa biển buôn bán, người Tây phải đi tàu nước Tây vào cửa Hàn thông thương, không được ghé vào cửa khác”. Từ đó trở đi, thương thuyền các nước châu Âu không đến Sài Gòn và những nơi khác ở Nam Bộ nữa.

Khách thương ngoại quốc đến Sài Gòn chỉ còn các thương nhân Trung Quốc và lái buôn một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Chân Lạp (Campuchia), Xiêm La (Thái Lan), Hạ Châu (Singapore)... Trong đó thuyền buôn đến từ Trung Quốc chiếm số lượng nhiều hơn cả.

Tuy vậy, việc cập cảng và mua bán ở Sài Gòn của thương nhân Trung Quốc cũng gặp những khó khăn do chính sách ức thương ngày thêm ngặt nghèo của triều Nguyễn. Kể từ 1837, người dân trong nước bị cấm bán các thứ vải vóc, tơ lụa cho lái buôn Trung Quốc.

Sau đó, năm 1838, Minh Mạng lại định lệ “Phàm người Thanh đến làm ăn sinh sống chỉ cho đi lại đường sông buôn bán. Và tất cả thuyền buôn trong hạt vượt biển buôn bán thì cũng không được mượn người Thanh làm lái thuyền hay thủy thủ, người trái lệnh thì bắt tội. Lại nghiêm sức cho viên cai giữ cửa biển hết lòng tra xét. Nếu có người Thanh nhờ thuyền ra biển buôn bán và ngầm đáp thuyền buôn của dân trong hạt thì lập tức bắt giải để nghiêm trị”.

Đến thời Tự Đức, cách hành xử của vị vua này với thương thuyền Trung Hoa càng tiêu cực hơn. Tháng 12/1855, “Từ nay về sau, phàm thuyền nước Thanh đến buôn, bỏ neo đậu ở phận cửa biển nào, mà thiếu củi nước thì hạn cho 5 ngày đi kiếm mua; buồm và cột có gãy, rách thì hạn cho 10 ngày để sửa chữa.

Nếu hạn ấy hết thì phải nhổ neo đi ngay. Hạt nào số thuyền nước Thanh đến buôn nhiều, khi kiểm tra xong rồi, thì lựa chọn nơi nào rộng rãi, sức bắt chúng đậu lại thành đoàn thuyền ở đó, để tiện việc tuần phòng. Đến như thuyền của chúng đến buôn ở các hạt Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long mỗi tỉnh chỉ hạn cho 12 chiếc. Nếu quá số ấy thì do tỉnh thần sai đuổi chúng đến hạt khác mà buôn bán”.

Quyết định này là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ giao thương, ngay lập tức khiến thương mại Sài Gòn đi xuống, buộc Tự Đức vào năm sau phải điều chỉnh lại lệnh trên, theo đó thì “cứ thuyền hiện đậu ở bến hạn cho 12 chiếc, trong 1 năm là bao nhiêu chiếc, cứ đến cuối năm dâng vào sổ”.

Việc buôn bán với Chân Lạp có lúc bị gián đoạn do tình hình chính trị, xã hội bất ổn. Từ 1835, nhà Nguyễn bỏ lệ cấm chở riêng gạo, muối sang bán ở Chân Lạp. Nhưng năm 1840, khi quan hệ căng thẳng, triều Nguyễn liền cấm tuyệt việc thông thương giữa hai bên. Mãi đến tháng 6/1847, khi tình hình đã yên, nhà Nguyễn mới có chỉ dụ cho thông thương trở lại.

Đến 1851, Tự Đức cho phép “nhân dân 6 tỉnh Nam Kỳ như có người nào đem muối tới Chân Lạp thông thương thì không cấm nữa”. Từ đây trở đi, việc buôn bán được tự do hơn. Giao thương giữa Sài Gòn và cả vùng Nam Kỳ với Chân Lạp được đẩy mạnh. Theo hai tuyến đường thủy bộ, nhiều thương nhân Chân Lạp đến Sài Gòn, đem các thứ thổ sản, dược liệu để mua về gạo, muối cùng nhiều loại hàng hóa khác.

Đối với các nước khác trong khu vực, việc buôn bán vẫn diễn ra nhưng sút kém dần. Thuyền buôn Xiêm La đến Sài Gòn ngày một ít do quan hệ giữa triều Nguyễn với Xiêm không mấy mặn mà.

Bán gạo cho nước ngoài xử tội chết

Trong xuất cảng hàng hóa, để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nhà Nguyễn tiếp tục kìm hãm việc xuất khẩu gạo ở Sài Gòn bằng chính sách quản lý ngày càng siết chặt hơn. Tháng 11/1834, Minh Mạng “Định rõ lại lệ cấm các thuyền buôn ở Nam Kỳ bán lậu gạo.

Vua dụ bộ Hộ rằng: Việc bán lậu gạo, đã từng nghiêm dụ răn cấm để cho ai cũng nghe biết cả. Ngặt vì bọn tiểu dân tham lợi, phần nhiều thường hay vi phạm. Nay 6 tỉnh Nam Kỳ đang lúc giáp hạt mà quan quân ở Gia Định đông như mây họp, ăn dùng rất rộng, nên giá gạo cao gấp đôi. Nay lại dụ rõ cho các đốc, phủ, bố, án nên nghiêm ngặt răn bảo các quan quân dân chúng trong hạt không được lén chở gạo ra những chỗ bến tàu ở Hạ Châu hoặc đem trao đổi với những lái buôn người nhà Thanh. Nếu ai vi phạm tức thì chiếu theo luật “trái lệ cấm ra biển, tư thông với người nước ngoài”, sẽ khép vào tội chết”.

Ngày xưa bán gạo cho nước ngoài bị xử tội chết

Ngày xưa bán gạo cho nước ngoài bị xử tội chết

Tháng 10/1841, Thiệu Trị tiếp tục “Định rõ lại các điều cấm về việc bán trộm muối gạo ở Nam Kỳ. Nguyễn Công Trứ tâu rằng: “Bọn con buôn gian giảo ở các tỉnh phần nhiều chở gạo muối bán lậu cho thổ phỉ”. Vì thế lại định điều cấm rõ ràng lần nữa”.

Sau đó, vào tháng 3/1850, Tự Đức lại “Chuẩn định lệ cấm mua bán muối, gạo của phường buôn gian lậu. Phàm thuyền người nước Thanh đậu nấp ở các xứ đảo lớn, đảo nhỏ, riêng cùng bọn buôn gian lậu mua gạo và người ở 6 tỉnh Nam Kỳ đem muối, gạo đến cõi đất Man buôn bán; kiểm xét bắt được thì thuyền và hàng hóa (của người nước Thanh), gia sản (người buôn nước ta) tịch thu thưởng hết cho người tố cáo.

Người mua bán và kẻ buôn gian lậu xử tội mãn trượng (100 trượng) đem đi lưu. Dân các hạt đem trộm gạo lẻn đến Hạ Châu và bán cho người buôn gian lậu ở nước Thanh, chủ thuyền thì xử tội thắt cổ cho chết nhưng còn giam lại đợi xét lại, người bẻ lái và thủy thủ xử tội mãn trượng đem đi lưu. Viên tấn thủ cố ý dung túng cũng xử cùng một tội như kẻ can phạm”.

Những điều này làm tăng thêm hoạt động buôn gạo lậu của thương nhân Sài Gòn. Nhiều vụ buôn lậu hay trốn thuế bị phát giác và được xét xử nghiêm. Tháng 3/1837: “Tỉnh Gia Định có Hoàng Diệp người nhà Thanh, nhờ tên phạm tội phải chém Hoàng Văn Thông là phủ thuộc của Kiên An công, mạo nhận thuyền riêng làm nhiêu thuyền (thuyền được miễn nộp thuế) đi buôn ở Hạ Châu, Phúc Kiến và các xứ Nam Kỳ, Bắc Kì, hơn 10 năm không nộp thuế nhà nước. Thông đã bị giết, phủ thuộc là bọn Nguyễn Bá Lực lại vin cớ để chậm không theo lời dạy sai đem thuyền về nộp.

Bố chính là Hoàng Quýnh xét được việc gian ấy, bắt để hỏi, nhận tội cả. Án dâng lên, bọn Hoàng Diệp, Nguyễn Bá Lực đều phải tội mãn lưu (lưu đủ 3.000 dặm), phạt lương Kiên An công 4 năm, quan tỉnh cùng người coi giữ đồn Cần Giờ lần lượt đều vì tội thất sát, phân biệt giáng cách, thưởng cho Hoàng Quýnh được gia một cấp”.

Năm 1847, triều đình Thiệu Trị đã xử chém lái buôn Lê Văn Gẫm người Gia Định với hai tội danh lén lút sang nước ngoài buôn bán (sang Hạ Châu –và Penang – Malaysia).

Tháng 6/1856, “Lý Văn Thiện người tỉnh Gia Định buôn lậu thóc gạo. Bộ Hình nghĩ án dâng lên. Vua bảo rằng: Lý Văn Thiện đã hai lần cố ý phạm pháp, lũ chân sào người cầm lái biết mà không tố giác, bản án nguyên nghĩ phạt nhẹ, thì lấy gì ngăn cấm kẻ gian. Vậy Văn Thiện chuẩn xử tội trảm giam hậu; bọn chân sào cầm lái phạt 100 trượng đem lưu. (Nguyên xử án Lý Văn Thiện xử phạt 100 trượng phát lưu, bọn chân sào cầm lái phạt trượng tha ra)”.

Triều Nguyễn còn cảnh giác với cả những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ gian lậu của một số người buôn ở Sài Gòn. Như việc xảy ra vào tháng 7/1856: “Vua cho rằng Trần Chấn chủ hàng ở Gia Định, gần đây thuê thuyền của Ma Cao chở các hàng hóa, chẳng khỏi có tệ khác. Sắc từ sau mua các thứ vật hạng của công, nên thuê thuyền của nước Thanh nhưng phải do quan tỉnh ấy khám hỏi tình trạng gian lậu”.

Sự thắt chặt chính sách quản lí gạo làm cho thị trường lúa gạo Sài Gòn bị kiềm tỏa nghiêm ngặt. Song sức sống của nó vẫn tiềm tàng mạnh mẽ. Năm 1860, khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Gia Định và cho mở cảng Sài Gòn, lượng gạo xuất khẩu liền tăng đột biến.

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.